Thứ Hai, 25/04/2016 | 10:23

Thực phẩm bẩn tràn lan, gây bức xúc, hoang mang trong dư luận. Cơ quan chức năng đánh giá gì về thực trạng này? Giải pháp nào để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân? TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có cuộc trả lời phỏng vấn Đại Đoàn Kết.

Hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm thiếu và yếu

Cục trưởng Cục VSATTP TS Nguyễn Thanh Phong.

PV: Thưa TS. Nguyễn Thanh Phong! Ông đánh giá thế nào về tình hình mất an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Theo kết quả kiểm nghiệm hàng năm của các bộ, ngành, nếu như tỉ lệ tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm trước đây từ 3-5%, thì 10 tháng đầu năm 2015, con số này đã là 10% trở lên. Chỉ 1% tồn dư vượt ngưỡng đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thì 10% thực sự là con số đáng báo động.

Yêu cầu thực phẩm an toàn là hoàn toàn chính đáng và là quyền cơ bản của người tiêu dùng. Mục tiêu cuối cùng của tất cả chúng ta là làm sao thực phẩm ngày càng an toàn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc người dân, xã hội và Nhà nước cần quan tâm đầu tư các nguồn lực nhiều hơn nữa để đảm bảo thực phẩm được quản lý tốt hơn.

Tuy nhiên, rủi ro do sử dụng thực phẩm không chỉ là thách thức với Việt Nam mà đây cũng là vấn đề khó tránh đối với tất cả các nước trên thế giới. Tôi nói điều này không có nghĩa là để biện hộ cho những tồn tại đang phải đối mặt, nhưng trên thực tế, tại các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, người ta vẫn thường xuyên đối mặt với những sự cố về ATTP.

Là nước có đời sống xã hội và dân trí cao, môi trường và hệ thống pháp luật tốt, đặc biệt ý thức pháp luật của người dân rất tốt, nhưng tại Mỹ vẫn có 48 triệu ca tiêu chảy mỗi năm. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều khi dân ta biết thịt ôi thiu, biết thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn sử dụng. Đôi khi do đời sống còn nhiều khó khan nhưng đôi khi cũng vì không có lựa chọn nào khác.

Thực phẩm “bẩn” phải được tiêu hủy như vụ tiêu huỷ đàn heo 11 con có chứa chất cấm Salbutamol tại trại chăn nuôi của ông Nguyễn Ngọc Lực ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang ngày 21-4 vừa qua, mới giải quyết triệt để được vấn đề.

Theo ông, nguyên nhân của tình hình mất ATTP hiện nay là do đâu?

– Có 3 chủ thể chính tham gia vào công tác bảo đảm đảm ATTP là cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhà nước là chủ thể vừa ban hành vừa thực hiện cácchính sách kiểm tra, giám sát nhưng trên thực tế vừa qua, một số cán bộ còn buông lỏng dẫn đến hệ thống quản lý ATTP vừa thiếu cán bộ vừa yếu về chuyên môn.

Ngay chính tôi là Cục trưởng Cục ATTP mà còn chưa được đào tạo một cách bài bản về ATTP, mà phải vừa làm, vừa nghiên cứu, học hỏi. Năm 2001 mới hình thành hệ thống chi cục ATTP ở các tỉnh, thành. Nay đội ngũ cán bộ ở đây vẫn còn yếu và thiếu, đặc biệt ở tuyến xã phường còn rất trống. Có nơi lại còn buông lỏng quản lý. Kinh phí dành cho ATTP có được chỉ đạo tăng cường, nhưng thực tế chỉ bằng 20-25% của Thái Lan.

Tôi không đổi lỗi cho người tiêu dùng, nhưng chúng ta còn dễ dãi khi sử dụng thực phẩm. Ví dụ như một gánh hàng ăn bán rong đặt bên cạnh một thùng rác chẳng hạn. Trách nhiệm này trước hết thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, sau đó là trách nhiệm của người bán hàng, nhưng người tiêu dùng phải tẩy chay thì thực phẩm mất an toàn mới không còn đất sống.

Về phía Cục ATTP, việc xử lý với các vi phạm ATTP đã nghiêm chưa, thưa ông?

– Cục ATTP chỉ có 7 cán bộ thanh tra nhưng có lần đã xử lý tới 261 công ty vi phạm với số tiền phạt gần 5 tỷ đồng, rút giấy phép của vài chục đơn vị. Đặc biệt, các đơn vị vi phạm, mức độ và hành vi vi phạm cùng hình thức xử lý hàng tuần được tôi yêu cầu rà soát và công khai danh sách. Việc công khai này giúp cho người dân nhận diện được những sản phẩm kém chất lượng và nhất là, những đơn vị có sản phẩm đó để không sử dụng, góp phần chấn chỉnh hoạt động này.

Cho đến nay, Nhà nước đã phân công chức năng quản lý, giám sát ATTP cụ thể đến từng bộ, ngành, địa phương. Phân công như vậy liệu có phức tạp không, khi trước một vi phạm, người dân không biết “gõ cửa” bộ nào, như nhiều vụ việc thời gian qua?

-Luật ATTP đã phân công rõ ràng nhiệm vụ Trung ương và địa phương. Với việc chia các nhóm ngành hàng, các bộ ngành không còn sự giao thoa như trước. Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành các qui định về tiêu chuẩn, qui chuẩn; quản lý phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, nước uống, bao bi trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm…; Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về ATTP với rau củ quả, thịt cá, trứng sữa, chăn nuôi; Bộ Công thương chịu trách nhiệm ATTP ở lĩnh vực rượu bia, nước giải khát…

Các tỉnh chịu trách nhiệm đảm bảo ATTP trên địa bàn. Để tránh chồng chéo, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã có Thông tư liên tịch về việc nếu doanh nghiệp kinh doanh nhóm ngành hàng thuộc cả 3 Bộ quản lý, thì trách nhiệm thuộc về Bộ quản lý mặt hàng mà doanh nghiệp sản xuất chủ yếu.

Vậy khó khăn lớn nhất trong việc đảm bảo ATTP hiện nay là gì, thưa ông?

– Theo tôi, đó là nhân lực của cơ quan quản lý còn thiếu và yếu, lại có sự buông lỏng, thực hiện pháp luật không nghiêm. Người kinh doanh cố tình vi phạm, không có ý thức chấp hành pháp luật. Ví như người sản xuất giò, chả cố tình vi phạm khi cho chất phụ gia không được phép thì cơ quan quản lý cũng không thể biết hết được. Khó nữa là người tiêu dùng cũng không biết thế nào là thực phẩm sạch hay không. Về nguyên tắc, 1% vượt ngưỡng an toàn đã phải lo lắng. Người tiêu dùng luôn ở thế yếu.

Tôi cho rằng, phải thực thi kiên quyết hơn với việc xử phạt, đồng thời nên tăng cường “bêu gương” các cơ sở vi phạm để người dân biết và tẩy chay, đồng thời, biểu dương các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm sạch. Nếu không, sẽ mất lòng tin và ảnh hưởng đến sản xuất.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Ngọc Kha (thực hiện)

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook