Thứ Năm, 07/07/2016 | 09:30

Đeo thẻ tên Beacon trên tai, con bò to lớn dẫn đầu đoàn hơn 400 bò cái từ cánh đồng cỏ chăn thả ở thung lũng Goulburn, Australia, lững thững đi về khu nhà vắt sữa cách xa khoảng 2 km, bầu vú căng cứng. 

Đàn bò đeo nhiều thẻ tên khác nhau ở tai, nối đuôi nhau, chen chúc, húc đầu vào thanh chắn rồi sau đó từng con ngoan ngoãn đến lượt bước vào khung vắt sữa tự động. Một vòng quay gồm hơn 20 ô khung nhỏ với các dụng cụ vắt sữa tự động, mỗi ô đủ cho một con bò đứng, đang xoay. Con bò đeo thẻ Beacon là con bò đầu tiên bước vào vòng xoay, bầu vú của nó vừa đúng lúc “tắm” dưới một vòi nước ở cửa vòng quay để làm sạch vú.

Người đàn ông trước đó đã dùng vòi xịt nước vệ sinh toàn bộ vòng và dụng cụ vắt sữa, bắt đầu rửa nhẹ một lần nữa vú con bò rồi đặt ống hút sữa vào bầu vú nó. Chiếc vòi ống vắt sữa lập tức hút chặt vào vú bò và vòng quay xoay tròn một cách nhẹ nhàng để con bò tiếp theo đến lượt bước vào khung của nó, được người vắt sữa vệ sinh và đặt ống hút sữa vào vú. Khi xoay hơn một nửa vòng tròn là con bò đầu tiên đã được vắt sạch sữa, người nông dân xịt khuẩn vệ sinh vú bò một lần nữa kịp lúc vòng quay đến cửa để nó bước ra nhường cho con bò khác. 

Hành trình sữa bò sạch từ trang trại đến nhà máy xứ sở kangaroo

Ông Beacon cha đang vệ sinh hệ thống vòng vắt sữa bò tự động để chuẩn bị cho đợt vắt sữa lần hai trong ngày. Ảnh: P.A.

Đây là trang trại chăn nuôi và vắt sữa bò của gia đình Beacon. Ở khu vắt sữa này, vòng quay khung vắt sữa hoàn toàn tự động và khép kín. Sữa được vòi hút đặt vào bầu vú bò vắt ra theo đường ống kín dẫn vào một bồn chứa lớn và được làm lạnh ở khoảng 7oC. Mỗi buổi sáng xe nhận sữa của nhà máy sữa Pactum Dairy thuộc tập đoàn Freedom Food đến thu nhận sữa và vận chuyển vào nhà máy trong vòng 15-30 phút. Đến nhà máy, hệ thống nhận sữa tự động cũng theo quy trình khép kín (không để lọt khí và ánh sáng, nhiệt độ…) hút tất cả sữa trong bồn xe vận chuyển đưa vào quy trình xử lý, đóng gói. 

Nhà Beacon có 3 người gồm cha và hai con trai điều hành hoạt động cả khu vực này. Ông Beacon cha cho biết đã đầu tư cho toàn trang trại khoảng 3,5 triệu đô la Australia, trong đó chỉ riêng hệ thống vắt sữa bò tự động tốn hết khoảng 1,2 triệu đô la Australia.   

Hành trình sữa bò sạch từ trang trại đến nhà máy xứ sở kangaroo

Đàn bò hơn 400 con được nuôi thả tự nhiên trên đồng cỏ sạch. Ảnh: P.A.

Thẻ tên trên tai mỗi con bò thật ra không phải tên của nó mà là tên người chủ bò. Vì vậy, hàng chục con bò đeo thẻ Beacon, có nhóm bảng tên Anna, có nhóm tên Bob… John Hommes, phụ trách đối ngoại công ty Australia Consolidated Milk (ACM) cho biết bò của các gia đình ở thung lũng Goulburn được chăn nuôi tập trung ở một khu vực, mỗi con mang thẻ tên chủ, để thuận tiện trong việc chăm sóc, thu hoạch sữa, trên hết là đảm bảo chất lượng sữa và truy xuất được nguồn gốc. 

Đàn bò ở trang trại nhà Beacon tập trung hơn 400 con, được chăn thả tự nhiên trong khu vực rộng khoảng 300 ha, ăn cỏ sạch hoàn toàn không bơm hóa chất và không ăn thức ăn công nghiệp. Đây là giống bò lai giữa dòng Jersy (bò màu vàng) và Fresian (bò màu trắng và đen). Giống bò Jersy có lượng mỡ thấp hơn nhưng khả năng chịu nhiệt lại không tốt bằng Fresian. Vì thế lai hai giống này với nhau sẽ tạo thành một giống bò lai có hàm lượng mỡ thấp và khả năng chịu nhiệt tốt.

Một ngày hai lần, tuần 7 ngày, đàn bò lại đi từ đồng cỏ về khu vắt sữa và sau đó quay trở lại cánh đồng để ăn hai cữ. Chúng cho sữa khoảng 10 tháng thì được nghỉ 50 ngày. Mỗi con bò cho khoảng 20-24 lít sữa một ngày. Một con bò sẽ cho sữa trong vòng 4-10 năm tùy thuộc vào sức khỏe của chúng, song trung bình chúng được vắt sữa 5-6 năm.

Hành trình sữa bò sạch từ trang trại đến nhà máy xứ sở kangaroo

Hệ thống bơm khép kín đang hút sữa từ xe bồn vận chuyển vào dây chuyền xử lý và đóng gói của nhà máy sữa. Ảnh: P.A.

Nick Brownrigg, Giám đốc thương mại Freedom Food Group cho biết, Australia có quy chuẩn rất khắt khe về chất lượng an toàn thực phẩm, đặc biệt với sữa. Sản lượng sữa hàng năm của đất nước kangaroo khoảng 9.500.000 tấn, trong đó chừng 70% được sản xuất tại bang Victoria và tập trung ở thung lũng Goulburn này. Toàn bộ sữa sản xuất tại đây phải truy xuất được nguồn gốc. Ví dụ, khi sữa được xuất khẩu sang Việt Nam, người tiêu dùng Việt chỉ cần kiểm tra mã số trên bao bì và truy xuất trên website của nhà sản xuất (ghi ở bao bì) là xác định được lô sữa này đã được thu hoạch từ con bò nào của trang trại gì tại Australia, sữa được vắt vào thời gian nào, quy trình đóng gói ở nhà máy ra sao…

“Việc truy xuất được nguồn gốc giúp người dùng yên tâm và kiểm soát chất lượng sữa ổn định nhất từ trang trại đến nhà máy cũng như vận chuyển”, Nick nhận định. 

Đánh giá về thị trường sữa Việt Nam, Nick Brownrigg cho rằng đây là một trong những thị trường sữa phát triển nhanh và mạnh nhất trong khu vực. “Tôi cho rằng thị trường sữa Việt Nam sẽ còn phát triển nhanh và mạnh nữa trong tương lai”, Nick nói. Tập đoàn này cũng vừa lần đầu tiên bắt tay một doanh nghiệp sữa Việt Nam để đưa sữa bò tươi Australia về Việt Nam, với một bảo chứng là người dùng có thể truy xuất nguồn gốc sữa đảm bảo chất lượng an toàn.

Phan Anh

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook