Thứ Năm, 29/06/2017 | 07:00

Mỗi tuần có khoảng 70 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện Nhi đồng 1, trong đó 10% là ca nặng.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, trong 116 ca đang nội trú có 9 bệnh nhi sốc sốt xuất huyết với các biểu hiện như mạch nhanh, khó bắt, tụt huyết áp… Từ tháng 6, các ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng 10-15% so với tháng trước, 60% bệnh nhi từ các tỉnh. Trung bình mỗi tuần có khoảng 70 bệnh nhân nhập viện, trong đó 10% là các ca nặng.

Theo bác sĩ Tuấn, sốc sốt xuất huyết xảy ra do tình trạng thất thoát huyết tương, thường xuất hiện khi bệnh nhi bắt đầu hạ sốt nhưng tình trạng bệnh không đỡ với các triệu chứng như đau bụng nhiều, nôn ói, không chịu ăn uống, quấy khóc, bứt rứt khó chịu… May mắn là hầu hết ca sốc này đều được phát hiện và điều trị kịp thời.

“Trong sốc sốt xuất huyết còn có tình trạng sốc nặng, mạch và huyết áp bằng 0, chảy máu, dễ gây suy tim, suy gan, suy thận, rối loạn chuyển hóa, rối loạn điện giải…”, bác sĩ Tuấn phân tích. Một số trẻ thừa cân, trẻ có bệnh nền thì tình trạng sốc diễn tiến nguy hiểm hơn, có thể sốc nặng, kéo dài hoặc tái sốc.

Hàng trăm trẻ nằm viện vì sốt xuất huyết vào mùa

Trẻ điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: T.P.

Từ đầu năm bệnh viện đã có 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, được chuyển đến từ các tỉnh và diễn tiến bệnh quá nặng. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh lưu ý bổ sung đủ chất dinh dưỡng. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch, hạ sốt bằng paracetamol.

“Giai đoạn đầu khi trẻ chưa bị thất thoát huyết tương thì không nên tự ý truyền dịch. Điều này có thể khiến trẻ phù nề, suy hô hấp rất nguy hiểm”, bác sĩ Tuấn nói. Việc truyền dịch cần thực hiện trong bệnh viện dưới chỉ định và theo dõi sát của bác sĩ.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang tăng cao cả nước, ngành y tế khuyến cáo người dân ngủ màn vào ban ngày để phòng bệnh. Người bệnh sốt xuất huyết cũng ngủ màn để tránh muỗi đốt lây bệnh cho người khác. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp nên một người có thể mắc bệnh 2-3 lần.

Trường hợp nhẹ, người bệnh sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn, người bệnh có dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng… Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook