Thời gian gần đây, tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan khiến xã hội lo lắng. Nhiều biện pháp đã được áp dụng, nhưng những nỗ lực đó vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả.
Tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe nhân dân.
Lo từ những bữa ăntập thể…
3 tháng đầu năm 2016, theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, có 2 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng tại trường học khiến 98 học sinh phải đưa đi cấp cứu, chữa trị. Điển hình là vụ ngộ độc tại Trường Tiểu học Trần Quang Khải (Q1, TPHCM) làm 44 em phải vào viện cấp cứu.
Còn tại Hà Nội, có thể nói thời điểm đầu năm vụ việc 7 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn Q.Tây Hồ được một công ty cam kết cung cấp rau đảm bảo chất lượng nhưng lại tuồn rau bẩn vào, đã khiến phụ huynh hoảng hốt. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) dù rất bức xúc cho rằng, đó là hành vi “treo đầu dê, bán thịt chó”, vi phạm pháp luật nhưng cũng trấn an người dân rằng đây chỉ là những hạt sạn, chúng ta không phải vì hạt sạn đó mà mất hết niềm tin các sản phẩm rau quả an toàn.
Trấn an của ông Cục trưởng vẫn không làm người dân bớt lo, vì người ta cẩm giác rằng “sạn” không bớt đi mà ngày một nhiều hơn.
Đối với khu công nghiệp, công nhân ăn ngay tại nơi làm việc, ẩn họa ngộ độc còn cao hơn nhiều. Một con số của Viện Công nhân – Công đoàn TLĐLĐVN, có tới 90% doanh nghiệp trên toàn quốc chưa thực hiện tốt việc cung cấp bữa ăn ca cho người lao động.
Đáng ngại hơn khi các chuyên gia về an toàn thực phẩm đều cho rằng hầu hết các vụ ngộ độ thực phẩm ở khu công nghiệp đều liên quan suất ăn sẵn. Gần đây, trưa 21/4, hơn 300 lao động làm việc tại các công ty thuộc KCN Minh Hưng-Hàn Quốc, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã được đưa đi cấp cứu vì bị ngộ độc thực phẩm.
Tới bữa ăn từng gia đình
Những thông tin liên tiếp về thực phẩm nhiễm khuẩn, không đảm bảo an toàn đã mang đến cho người tiêu dùng cảm giác dường như chất hóa học độc hại có trong hầu hết các loại thực phẩm, từ tôm cá, rau củ đến các loại hoa quả, bánh trái, từ đồ ăn tươi sống đến thực phẩm khô, gia vị. Và thông tin 25 tấn cá nục tại kho lạnh của bà Lê Thị Thuộc, khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị nhiễm chất Phenol có trong thực phẩm như giọt nước tràn ly.
Đáng tiếc, các cơ quan chức năng lại không thống nhất trong kết luận vụ việc, khiến người tiêu dùng hoang mang.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Y tế, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 160.000 ca ung thư được phát hiện mới, nguyên nhân chủ yếu là do môi trường ô nhiễm và sử dụng thực phẩm, đồ uống không đảm bảo vệ sinh. Và dự đoán, đến năm 2020, nước ta sẽ phát sinh thêm 200 ngàn ca ung thư mới, 30% số ca ung thư đó cũng do thực phẩm bẩn gây nên.
Trước tình hình đó, không ít gia đình chọn giải pháp đặt mua thực phẩm ở những nơi sản xuất uy tín, thậm chí là tự trồng rau xanh trên sân thượng hay trong các hộp xốp, chậu cảnh dù có vất vả và bận rộn hơn rất nhiều… Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân Việt Nam hiện nay là rất cao. Việc nhiều các bà nội trợ là không quên mang theo dụng cụ thử thực phẩm khi đi chợ, nhà nhà trang bị máy khử độc ozone… cho thấy, người tiêu dùng quá mất niềm tin vào nhiều sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Nhiều người dân thành phố còn cho rằng, không biết phải mua thực phẩm an toàn ở đâu, nên không ít người phải lặn lội về quê mua rau, mua thịt.
Đi tìm nguyên nhân
Tại Hội thảo Khoa học và Công nghệ trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm mới đây, TS Lâm Quốc Hùng- Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, rủi ro sử dụng thực phẩm là rất khó tránh là bởi các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm của chúng ta chủ yếu nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế. Kinh phí chi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta còn thấp; lực lượng cán bộ thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn.
Cùng lúc, cơ chế thị trường bộc lộ nhiều tiêu cực, vì lợi nhuận bất chấp chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng… Còn theo đại diện Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), nguyên do chính dẫn đến rau mất vệ sinh là ý thức người sản xuất chưa cao, đa số các vùng trồng rau không được kiểm soát dư lượng kim loại nặng trong đất, nước tưới…
Lí do thì có nhiều nhưng quan trọng là các nhà quản lý đang ở đâu khi người dân từng ngày vật vã đối mặt với nạn thực phẩm bẩn? với tình hình buôn lậu, sử dụng hóa chất để chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng gia tăng? Được biết, năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra và xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm.
Dù lực lượng chức năng khẳng định đã hết sức quyết liệt, nhưng số vụ vi phạm như trên vẫn không có dấu hiệu dừng mà còn gia tăng với tốc độ chóng mặt. Chỉ tính riêng quý I/ 2016, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý tới trên 4.000 vụ, trong đó thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc lên tới gần 1.000 trường hợp.
Những con số biết nói ấy đủ để cả xã hội phải giật mình. Để nói rõ hơn về vấn đề này, xin dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: “Các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật hiện nay đã là khá nặng, vấn đề là có làm nghiêm hay không”.
Cả nước hiện có 256 khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Theo thống ke của Bộ Y tế, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể, làm cho hàng nghìn lao động phải nhập viện, có ca để lại tai biến nặng. Chỉ riêng quý I/2016, cả nước ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 900 người nguy kịch, gây tử vong 2 người, trong đó có tới 8 vụ xảy ra từ các bếp ăn tập thể. |
Lê Bình
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.