Ăn miến là lựa chọn được ưu tiên trong thực đơn của bệnh nhân tiểu đường và những người giảm béo. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân tiểu đường phản ảnh ăn rất nhiều miến, thậm chí chọn miến thay cho gạo để hạn chế tinh bột nhưng đường huyết lại tăng? Vậy người bị tiểu đường nên ăn miến như thế nào?
Lựa chọn ăn miến thay cơm
Bác N.T.T (Hà Nội) bị bệnh tiểu đường nên chế độ ăn luôn kiêng khem rất thận trọng. Để giảm lượng tinh bột, nhiều người mách dùng miến thay cơm có tác dụng giúp hạ đường huyết nên bác T rất chăm chỉ thực hiện.
Tuy nhiên đường huyết không ổn định mà còn tăng cao lên đến 14. Khi nhập viện điều trị, bác T mới biết nguyên nhân chính khiến lượng đường huyết tăng là do ăn miến thay cơm.
Chỉ số đường huyết ở miến cao hơn gạo
Chuyên gia dinh dưỡng Doãn Thị Tường Vi chia sẻ để người dân hiểu rõ hơn về các chất có trong miến “Miến là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và hàm lượng đường cao hơn gạo tẻ. Chỉ số đường huyết của miến là GI=95, hàm lượng đường trong 100g miến là 82,2g. Trong khi đó, chỉ số đường huyết của gạo tẻ là 83, hàm lượng đường trong 100g gạo tẻ là 76,1g.
Do đó nếu ăn cùng 1 khối lượng thì lượng tinh bột cơ thể sẽ hấp thu từ miến cũng nhiều hơn cơm. Nếu ăn 100g miến thì tải lượng đường huyết của miến là GL = 78; còn gạo tẻ là 63.
Từ những phân tích trên có thể thấy, miến cung cấp nhiều tinh bột hơn cơm chứ không hề ít hơn như nhiều người lầm tưởng. Do đó ăn miến thay cơm sẽ làm cho người bệnh luôn cảm thấy nóng ruột, khó ăn và đôi khi có cảm giác buồn nôn.
Điều này cho thấy, miến không phải là cứu cánh thay thế món cơm trắng cho người tiểu đường. Tuy nhiên người bị tiểu đường cũng không cần cắt bỏ hoàn toàn miến hay bất cứ thực phẩm nào khác ra khỏi thực đơn hàng ngày”.
Phương pháp ăn miến khoa học
Đối với người bị tiểu đường, khi ăn miến cần kết hợp với các nhóm thực phẩm khác. Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường không nhất thiết phải kiêng khem ngặt nghèo mà vẫn cần duy trì đủ năng lượng với 4 nhóm chất cơ bản bao gồm đạm, tinh bột, chất béo và vitamin. Nguyên nhân do khi ăn không đủ 4 nhóm chất trên, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng dẫn đến yếu mệt, không đủ năng lượng để hoạt động.
Tuy nhiên lưu ý cần điều chỉnh lượng ăn vừa đủ, phù hợp với thể trạng từng người. Thông thường bệnh nhân tiểu đường cần cắt giảm khoảng 10% tinh bột so với nhu cầu năng lượng bình thường mà cơ thể cần. Để bù lại số tinh bột sẽ tăng 10% khẩu phần đạm. Do đó người bệnh vẫn có thể ăn cơm hoặc ăn miến với lượng vừa đủ, phù hợp với thể trạng cơ thể.
Bệnh nhân tiểu đường cần duy trì đủ năng lượng với 4 nhóm chất cơ bản gồm đạm, tinh bột, chất béo và vitamin
Các chuyên gia khuyên tùy vào chiều cao, trọng lượng, lứa tuổi của từng người sẽ có nhu cầu năng lượng khác nhau.
Thực đơn đối với nữ giới cao 1,51m đến 1,55m là 70g tinh bột trong 1 bữa chính, tương đương với 1 bát con cơm + 2 thìa con cơm trắng hoặc 85g miến, tương đương với 1 bát con + 2/3 bát con miến.
Đối với nam giới cao từ 1,60m đến 1,66m cần 80g tinh bột trong 1 bữa chính, tương đương với 2 nửa bát cơm trắng hoặc 97g miến (khoảng 2 miệng bát con).
Đối với nam giới cao hơn từ 1,67m đến 1,70m cần 90g tinh bột trong 1 bữa chính, tương đương với 1 nửa bát cơm trắng và 2/3 bát cơm trắng hoặc 109g miến, tương đương với 2 miệng bát con + 1/3 bát con miến. Các chuyên gia cho biết thực đơn trên đã được áp dụng cho bệnh nhân tiểu đường đạt kết quả tốt.
Giúp người tiểu đường ăn miến đúng cách để bảo vệ sức khỏe
Bài liên quan: Sử dụng dầu ăn an toàn cho sức khỏe bạn đã biết
Theo Vietnamnet.vn
Chưa có bình luận.