Trên thực tế, hầu hết các bé đều có thể bắt đầu ngủ một giấc dài qua đêm vào khoảng tháng thứ 4 sau khi sinh nếu bạn biết giúp bé đúng cách.
Trong những tuần đầu tiên sau khi bé ra đời, bạn luôn tập trung mọi suy nghĩ làm những gì là tốt nhất cho bé, vì thế những đêm dài không ngủ có vẻ là chuyện bình thường. Cho đến khi bé được khoảng 6 tuần tuổi, bạn đã quen với việc phải thức dậy cho bé bú hoặc thay bỉm cho bé sau mỗi 2-3 giờ. Và khi bé được khoảng 3 tháng, bạn cố giả vờ ngủ để hi vọng chồng mình sẽ dậy cho bé ăn hay thay tã. Bạn không nhớ nổi mình đã từng thức trắng đêm hay dậy liên tục như thế nào.Trên thực tế, hầu hết các bé đều có thể bắt đầu ngủ một giấc dài qua đêm vào khoảng tháng thứ 4 sau khi sinh nếu bạn biết giúp bé đúng cách. Tuy vậy nhiều bậc cha mẹ vẫn để bé thức dậy ăn đêm thậm chí cho tới khi 2 tuổi – một thói quen rất xấu cho sức khỏe của cả bé lẫn cha mẹ. Nếu bé nhà bạn đã 6 tháng tuổi hoặc hơn mà vẫn dậy ăn đêm, hãy cùng bé điều chỉnh lại thói quen này càng sớm càng tốt. Và kể cả khi bé chưa tới 6 tháng thì cũng không bao giờ là quá sớm để dạy bé cách tự ngủ.
Bạn hãy tham khảo lộ trình 7 ngày giúp bé tự ngủ dưới đây nhé!
Ngày 1: Bắt đầu một lịch sinh hoạt mới
Nhiều bé thường bị lẫn lộn giữa giấc ngủ ban ngày và giấc ngủ đêm, các bé ngủ rất dài vào buổi chiều và thức dậy chơi lúc nửa đêm. Việc bạn phải làm trong ngày đầu tiên này là đánh thức bé dậy sớm, và đưa bé vào một quỹ đạo chuẩn bằng việc đánh thức bé dậy vào đúng giờ này mỗi ngày. Đặt cũi của bé gần cửa sổ và kéo rèm lên. Ánh sáng tự nhiên sẽ giúp bé nhận biết nhịp điệu ngày và đêm tốt hơn. Ngay cả khi bé ngủ trưa, bạn cũng không cần phải hạ rèm xuống. Nếu bé thức dậy sau một giấc ngủ trưa, bé sẽ hiểu rằng đó là ban ngày và bé cần thức dậy. Còn nếu bé thức dậy trong đêm, bé sẽ hiểu rằng bé cần tiếp tục ngủ.Vào ban đêm, bạn hãy cố gắng giữ yên lặng và cho bé đi ngủ vào một giờ cố định nào đó. Thay quần áo cho con và đặt bé vào cũi rồi tắt đèn. Ngay trước khi đặt bé vào cũi, bạn có thể muốn đọc/ kể một câu chuyện hay hát một bài hát cho bé nghe. Điều này sẽ khiến bé cảm thấy thư giãn và các cảm giác của bé được xoa dịu.
Ngày 2: Luyện tập giúp mọi việc trở nên hoàn hảo
Hôm nay bạn sẽ tiếp tục lịch trình đã đặt ra trong ngày đầu tiên. Nếu bé vẫn đòi được ăn đêm, đây là lúc bạn bắt đầu giúp bé phân biệt giữa ngày và đêm bằng cách cho bé ăn trong ánh sáng hạn chế nhất có thể và tránh mọi tiếng động. Ngoài ra khi cho bé ăn ban ngày, bạn nên cho bé ăn một cách hơi ồn ào hơn, vui vẻ hơn, ví dụ như bạn có thể hát cho bé nghe chẳng hạn. Việc này giúp bé dần nhận ra được sự khác biệt. Bạn cũng cần để ý xem cái gì giúp bé cảm thấy dễ chịu nhất vào buổi tối. Một số bé thích được tắm, trong khi một số bé khác lại thích xoa lưng chẳng hạn. Đối với nhiều bé, tiếng động nền lại tỏ ra hiệu quả, ví dụ như tiếng quạt quay, tiếng máy điều hòa chạy hay tiếng nhạc nhẹ nhàng du dương… điều thú vị của những tiếng động nền là bạn có thể tắt nó đi sau khi bé đã ngủ say hơn.
Ngày 3: Bé bắt đầu khóc
Đây là lúc bạn cần cố gắng tỏ ra cứng rắn hơn. Đêm nay bạn sẽ bắt đầu đặt bé xuống cũi khi bé vẫn còn đang thức. Đó là việc quan trọng nhất bạn phải làm. Nếu bé ngủ khi đang bú, bạn cần kích thích bé một chút để bé mở mắt ra và nhận biết rằng bạn đang đặt bé vào cũi. Tất nhiên, bé có thể sẽ khóc nhiều hay ít tùy theo từng trẻ. Lúc này bạn hãy nhớ rằng bạn mới chính là người đang phải chịu sự khổ sở nhiều hơn bé. Bố mẹ thường rất sốt ruột khi nghe con khóc, nhưng hãy tự nhủ rằng kết quả đạt được là bé ngủ thẳng giấc sẽ là điều tuyệt vời cho cả gia đình. Khi bé khóc, hãy vào với bé mỗi 5 phút và nói với bé rằng bạn vẫn ở đây thôi, tuy nhiên bạn không nên vào quá lâu, cũng không nên bật đèn, bế bé lên hay đưa cho bé bình sữa hoặc núm vú giả. Nếu bé ngủ với những thứ đó, khi thức dậy giữa đêm hoặc từ những lần ngủ sau bé sẽ khóc để đòi có chúng.
Ngày 4: Sự kiên trì là cần thiết
Đêm qua là một đêm dài. Bạn hãy hi vọng rằng đêm nay sẽ khá hơn, bởi bé bắt đầu nhận thức rằng khóc không giải quyết vấn đề gì cả. Khi bé khóc, bạn hãy kéo dài thời gian hồi đáp – nghĩa là bạn chỉ vào kiểm tra bé sau mỗi 10 phút. Và dù cho có chuyện gì xảy ra, bạn cần kiên trì và không được bỏ cuộc. Nếu bạn bế bé lên chỉ 1 lần, lần sau bé sẽ khóc to hơn và nhiều hơn gấp đôi, kết quả là bạn sẽ thất bại đấy!
Ngày 5: Bé bắt đầu thích nghi
Phần lớn các bé sẽ ổn hơn chỉ trong 3-5 ngày, và đêm nay có thể là một đêm bạn được ngon giấc. Còn nếu bé vẫn khóc, bạn cần kéo dài thời gian hồi đáp lên khoảng 15 phút. Một số bé cần được thấy mẹ để yên tâm rằng mẹ vẫn ở gần, tuy nhiên đối với một số bé thì việc đó lại giống như một trò đùa hơn.Việc kiểm tra bé liên tục thực chất chỉ làm thỏa mãn sự sốt ruột của cha mẹ. Để yên tâm hơn, giữa những lần hồi đáp thực sự, bạn có thể nhìn bé qua khe cửa, như vậy bé sẽ không nhìn thấy bạn. Một vấn đề khác ở thời điểm này là việc cho ăn đêm. Vào khoảng 3-4 tháng tuổi, hầu hết các bé đã có thể sẵn sàng bỏ qua bữa ăn đêm. Tất nhiên bạn không thể cứ thế quyết định về việc không cho bé ăn đêm nữa, tuy nhiên hãy cố gắng làm nhanh và giữ yên lặng hết mức có thể. Vỗ về bé nhưng không hát. Thay bỉm trong ánh sáng hạn chế nhất có thể và đặt bé trẻ lại cũi càng sớm càng tốt. Đừng tin vào chuyện bé thức dậy vì đói. Càng lớn thì nhu cầu ăn đêm của bé càng ít đi, và bé thường chỉ thức dậy ăn đêm do thói quen chứ không phải do đói. Nhiều khi việc cho bé ăn quá nhiều lại khiến bé thức đêm nhiều hơn, bởi đơn giản là ăn nhiều khiến bé tè ướt tã, bé khó chịu và lại thức giấc.
Ngày 6: Bé ngủ thẳng giấc
Nghe như một phép màu vậy, thật khó tin phải không? Bạn có thể giật mình thức giấc giữa đêm để kiểm tra xem bé thế nào. Hãy thư giãn nhé! Cho bé mặc đủ ấm và thoải mái để không phải lo lắng về việc bé tung chăn qua một bên. Và chỉ kiểm tra khi bé thực sự khóc to. Bạn đã đi gần hết quãng đường rồi, đừng làm hỏng mọi việc chỉ bởi sự lo lắng thái quá của mình. Hãy để bé tự học cách vỗ về bản thân. Và ngay chính bạn cũng cần được thư giãn để có thể ngủ ngon.
Ngày 7: Bạn cũng ngủ thẳng giấc
Đây là lúc bạn có thể tự chúc mừng mình rồi! Không chỉ được ngủ ngon, bạn còn tặng bé một món quà lớn: đối với sự phát triển của bé, ngủ ngon thẳng giấc qua đêm cũng quan trọng không kém so với việc ăn uống đủ chất. Dĩ nhiên, khi có những biến động như lúc bé ốm, ngủ bên ngoài ở khách sạn khi đi du lịch, hay khi nhà có khách… bé sẽ cần mẹ dỗ dành nhiều hơn. Nhưng khi trở lại trạng thái thông thường, bé cũng sẽ dễ dàng thích nghi hơn so với lần đầu tiên đấy!
Việc chăm sóc giấc ngủ cho bé không quá khó nhưng cũng không đơn giản, nhiều cha mẹ vẫn mắc phải những lỗi điển kinh điển khi cho con ngủ.
Chưa có bình luận.