Thứ Ba, 27/02/2018 | 22:50

Bác sĩ tâm thần không chỉ điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc mà trong nhiều tình huống, họ phải trở thành người yêu để bệnh nhân tâm sự.

“Bác sĩ chữa khỏi cho bệnh nhân là điều đáng quý, thế nhưng với chúng tôi, ngay cả khi vô tình gặp lại bệnh nhân ngoài đường, chúng tôi cũng không dám chủ động, tỏ vẻ quen biết với họ. Ngành tâm thần chúng tôi là thế”, GS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 (Hà Nội), mở đầu câu chuyện với nét thoáng buồn.

Đó là lời dặn dò của các bậc tiền bối dành cho chàng sinh viên y khoa mới tốt nghiệp Học viện Quân y 36 năm về trước, khi quyết định đến với ngành tâm thần.

Bệnh nhân tâm thần luôn có sự mặc cảm và xấu hổ. Vì vậy, họ cho rằng nếu chào hỏi hoặc thân thiết với bác sĩ chuyên khoa này, bản thân sẽ bị kỳ thị. Đối với bác sĩ Đức, điều này không đáng giận mà chỉ đáng thương và có chút tủi thân cho công việc của chính mình.

Giáo sư 36 năm gắn bó với người điên

Giáo sư Cao Tiến Đức. Ảnh: HQ

Khi bác sĩ bỗng trở thành người yêu để bệnh nhân trút bầu tâm sự

36 năm làm nghề, bác sĩ Đức nhiều lần bị bệnh nhân tấn công khi lên cơn kích động. Dù vậy, ông cũng gặp phải những tình huống trớ trêu không thể nào quên. Đó là những lúc bệnh nhân không tỉnh táo, bác sĩ bỗng trở thành “người yêu”, “người bố”, thậm chí kẻ thù để bệnh nhân trút bầu tâm sự, xả cơn giận. Khi đó, bác sĩ không chỉ cần vững chuyên môn mà còn phải khéo léo, bình tĩnh khi ứng xử với bệnh nhân. “Việc chữa trị cho họ không chỉ dừng lại ở những liều thuốc”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Mỗi ca bệnh đều có những đặc điểm riêng, khó khăn riêng. Do vậy, điều quan trọng là bác sĩ tâm thần phải biết lắng nghe, thấu hiểu tâm lý người bệnh và người nhà bệnh nhân, dành thời gian để khám chi tiết, kỹ lưỡng đồng thời phải hiểu quy luật, diễn biến của bệnh mới có thể điều trị hiệu quả.

Để thường xuyên cập nhật những tiến bộ mới trong ngành tâm thần, phục vụ công tác khám chữa bệnh, bác sĩ Cao Tiến Đức còn tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, chủ nhiệm một đề tài cấp bộ, ra mắt sách. Đặc biệt, hơn 90 bài báo khoa học của ông đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó có 3 bài báo quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scorpus. Cuối năm 2017, bác sĩ Đức được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư. Đây là giáo sư thứ hai của ngành tâm thần.

“Bệnh nhân khác ý thức được việc phải chữa, còn người tâm thần thì không”

Nhiều năm gắn bó với nghề, không thể nhớ hết số lượng bệnh nhân đã được mình chữa trị, bác sĩ nhận thấy: “Bệnh nhân tâm thần là người khổ nhất trong số những người bệnh. Bởi vì những bệnh nhân khác, họ ý thức được việc phải chữa bệnh, còn bệnh nhân tâm thần thì không. Họ ăn bẩn, đánh đập người xung quanh, thậm chí giết người thân trong vô thức”.

Người bệnh khó kiểm soát được cảm xúc hành vi, tư duy, không ý thức được bệnh của mình. Thậm chí khi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, bản thân người bệnh và gia đình đều tỏ thái độ khó chịu, thậm chí xúc phạm bác sĩ.

Đặc biệt, sau hàng chục năm, sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh tâm thần cũng như các bệnh nhân mắc các bệnh lý này vẫn chưa thay đổi đáng kể.

“Tôi đã từng chứng kiến nhiều mảnh đời bệnh nhân rất đáng buồn. Nhiều người được điều trị ổn định, rất muốn về nhà nhưng gia đình không chấp nhận, ngại đón về bởi còn tâm lý kỳ thị”, ông tâm sự.

Giáo sư 36 năm gắn bó với người điên

Nhiều bệnh nhân sau khi đã ổn định không dám trở về nhà vì sự kì thị. Ảnh: Hà Quyên

Đừng chủ quan với sức khỏe tâm thần

Thống kê cho thấy ở châu Âu có tới 48 triệu người dân đã, đang mắc các rối loạn tâm thần trên tổng số 550 triệu dân người dân.

Ở nước ta, 10 rối loạn tâm thần hay gặp nhất chiếm 14,8% dân số. Đặc biệt, thống kê từ Viện Tâm thần Quốc gia cho thấy có tới 30% người Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Bác sĩ Đức cho biết: “Bệnh nhân tâm thần không chỉ là những người điên dại. Đó chỉ là một phần nhỏ, ăn không ngon, ngủ không yên, vợ chồng không hòa thuận, nghiện ma túy, nghiện rượu hay nghiện hành vi,… đều là các vấn đề thuộc về sức khỏe tâm thần cần được chăm sóc”.

Tuy nhiên, khoảng 20% trường hợp có vấn đề đi khám chữa bệnh. Số còn lại chưa quan tâm hoặc chưa nhận ra tình trạng bệnh của mình. Bên cạnh đó, nhiều người thường không khám đúng chuyên ngành nên kéo dài hàng năm vẫn không tìm ra bệnh, gây khó khăn cho việc điều trị.

Nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm, điều trị, quản lý đúng hướng, kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả  nặng nề cho chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.

Cuộc sống hiện đại ngày càng khiến nhiều bệnh lý tâm thần gia tăng liên quan đến sự căng thẳng, nghiện chất, rượu bia, nghiện cờ bạc,… Đặc biệt, người dân mới chỉ chú trọng đến các bệnh loạn thần trong khi các sang chấn stress, rối loạn tâm thần do rượu, lo âu,… chưa được quan tâm.

“Gần đây, chúng tôi từng tiếp nhận 30% bệnh nhân nội trú do rối loạn tâm thần liên quan đến rượu bia. Khoảng 10 năm trước, khoa hầu như không có bệnh nhân nào như vậy. Đã đến lúc cần có cái nhìn cởi mở và đúng đắn về bệnh tâm thần để có hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”, giáo sư ngành tâm thần trăn trở.

Sau khi sinh, lượng hormone estrogen và progesterone giảm xuống đáng kể, dẫn đến sự mất cân bằng trong cơ thể, dễ gây bệnh trầm cảm.

 

Hà Quyên
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook