Hiện nay, Đà Nẵng đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch bệnh Sởi – Rubella. Dự kiến, Chiến dịch sẽ hoàn thành vào ngày 15/5/2016. Phóng viên Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương đã có buổi trao đổi với BS.Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng xung quanh vấn đề này.
PV: Ông có thể cho biết ý nghĩa của đợt tiêm chủng Sởi – Rubella của Đà Nẵng lần này?
BS.Tôn Thất Thạnh: Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Sởi và vi rút Rubella gây nên. Bệnh Sởi có nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ như viêm phổi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, viêm não… và có thể gây tử vong. Nếu người mẹ nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sảy thai, thai chết lưu, Hội chứng Rubella bẩm sinh bao gồm các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở đối tượng nhỏ, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh…và nhiều trường hợp mắc đa dị tật. Trong các vụ dịch Sởi năm 2009 – 2010; vụ dịch Rubella năm 2010 – 2011 và năm 2014, với số mắc cao tại nhiều địa phương trong cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sự phát triển của kinh tế, xã hội. Nhằm phòng chống triệt để dịch bệnh bùng phát và kế tiếp thành công từ chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho trẻ em từ 01 đến 14 tuổi năm 2014, Đà Nẵng triển khai tiêm bổ sung vắc xin Sởi – Rubella cho đối tượng 16 – 17 tuổi, góp phần làm giảm gánh nặng bệnh Sởi và hội chứng Rubella bẩm sinh, chủ động phòng chống dịch bệnh Sởi, Rubella một cách bền vững trong thời gian tới.
PV: Mục tiêu của Chiến dịch tiêm chủng hướng tới là gì, thưa ông?
BS.Tôn Thất Thạnh: Thành phố Đà Nẵng đề ra 02 chỉ tiêu cụ thể: Trên 90% trẻ từ 16 đến 17 tuổi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được tiêm vắc xin Sởi – Rubella; Bảo đảm an toàn và chất lượng tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Điều này sẽ góp phần giúp Đà Nẵng chủ động phòng dịch một cách bền vững, nâng cao thể chất người dân.
PV: Ông có thể cho biết, hiện công tác tiêm chủng phòng bệnh Sởi – Rubella đang được tiến hành như thế nào ?
BS.Tôn Thất Thạnh: Ngày 21/4/2016, công tác chuẩn bị cho Chiến dịch từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường đã hoàn thành, cụ thể: đã xây dựng Kế hoạch chi tiết về triển khai chiến dịch, đã được UBND Thành phố và Sở Y tế phê duyệt, bố trí kinh phí; tổ chức thành công Hội thảo triển khai chiến dịch với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn thành phố; hoàn thành tập huấn cho cán bộ y tế từ tuyến thành phố đế quận, huyện, xã, phường; hoàn thành rà soát số lượng đối tượng cần tiêm trong chiến dịch, xây dựng phương án tiêm ở Trường học và ở Trạm Y tế đảm bảo hiệu quả và an toàn tiêm chủng; bố trí cán bộ giám sát việc triển khai ở tất cả các tuyến; tuyên truyền bằng nhiều hình thức trước và trong chiến dịch để người dân tích cực tham gia. Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã bắt đầu triển khai chiến dịch và đã hoàn thành ở một số trường học, chưa ghi nhận phản ứng trong tiêm chủng. Dự kiến đến ngày 15/5/2016, toàn thành phố sẽ hoàn thành chiến dịch để không ảnh hưởng đến công tác ôn tập và thi cử của các em. Theo tính toán sơ bộ, tính đến ngày 22/4/2016, toàn Thành phố đã tiêm được 6355/18.086 em từ 16 – 17 tuổi, đạt tỷ lệ 35,14%. Bên cạnh những thuận lợi như có được: sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo Thành phố và sự nộ lực của các cán bộ làm công tác tiêm chủng…, việc triển khai chiến dịch cũng gặp một số khó khăn như số đối tượng tương đối lớn nên cần huy động một lực lượng đông đảo cán bộ y tế và trường học trong khi còn nhiều nhiệm vụ thường xuyên khác nên có phần áp lực cho cán bộ các tuyến… Tuy nhiên, y tế Đà Nẵng sẽ quyết tâm thực hiện được vả có thể vượt kế hoạch đã đề ra.
PV: Đà Nẵng thực hiện những gì để đảm bảo an toàn tiêm chủng?
BS.Tôn Thất Thạnh: Cho đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nguy hiểm nào. Công tác tiêm chủng đang diễn ra đúng kế hoạch và an toàn. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng trong chiến dịch,Thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết và cụ thể đến từng địa phương; rà soát số lượng đối tượng cần tiêm trong chiến dịch, xây dựng phương án tiêm ở Trường học và ở Trạm Y tế phù hợp với tình hình thực tế của Đà Nẵng và tại các quận, huyện; tập huấn cho cán bộ y tế tham gia thực hiện chiến dịch; xây dựng Kế hoạch giám sát chặt chẽ công tác vận chuyển, bảo quản vắc xin và vật tư tiêm chủng cũng như đảm bảo quy trình tiêm chủng được thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế; tổ chức các tổ cấp cứu cơ động sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.
PV: Ông có lời khuyên gì cho các gia đình có con em thuộc đối tượng tiêm chủng nhưng chưa tiêm phòng?
BS.Tôn Thất Thạnh: Các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi từ 16-17 cần cho con em tham gia tiêm chủng để phòng bệnh Sởi – Rubella và nâng cao sức khỏe. Đây là hành động thiết thực để bảo vệ sức khỏe người thân gia đình và cộng đồng. Các gia đình cũng nên giúp các em chuẩn bị tâm lý, thể chất tốt trước khi tham gia tiêm để các em cảm thấy thoải mái khi được tiêm phòng, vì đây là độ tuổi rất dễ nhạy cảm về tâm lý. Ngoài ra, cần theo dõi và chăm sóc các em sau khi tiêm theo đúng hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng. Nếu có biểu hiện sốt, đau hay bất kỳ dấu hiệu sức khỏe nào sau tiêm cần liên hệ với ngay với các cơ sở y tế để được tư vấn, can thiệp.
PV: Trân trọng cảm ơn BS!
Bài: Nguyễn Hiển
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.