Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng vừa chào đón em bé thứ 120 ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đánh dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn ở thành phố miền Trung.
Một em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Ảnh: MT. |
Tại Hội nghị Quốc tế Sản phụ khoa tổ chức ở Đà Nẵng, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phương Lê, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, cho biết từ khi triển khai ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên vào năm 2014, đến nay bệnh viện đã thực hiện được 506 chu kỳ chọc hút trứng, 244 chu kỳ chuyển phôi tươi và 290 chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh, tỷ lệ thành công cao. Sự kiện “em bé ống nghiệm” thứ 120 ra đời được đánh giá là dấu ấn quan trọng trong công tác điều trị vô sinh, hiếm muộn cho cộng đồng bệnh nhân ở Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Theo bác sĩ Lê, hiện nay bệnh viện đã trang bị nhiều thiết bị hiện đại cho phép thực hiện hầu hết kỹ thuật tiên tiến trong khám và chẩn đoán hiếm muộn nam – nữ, kích thích buồng trứng và theo dõi, xét nghiệm tinh dịch đồ, bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, thụ tinh trong ống nghiệm xin noãn. Đặc biệt, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng phẫu thuật mang đến cơ hội làm cha cho nam giới không có tinh dùng do tắc nghẽn. Ngoài ra bệnh viện còn tiến hành đông lạnh và lưu trữ tinh trùng, đông lạnh và lưu trữ phôi, nuôi cấy phôi dài ngày phôi nang, hỗ trợ phôi thoát màng, trích tinh trùng từ mào tinh hay tinh hoàn.
Trong bối cảnh tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ngày càng gia tăng, các chuyên gia đánh giá cao những thành tựu về lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm ở Việt Nam giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn thỏa ước nguyện được làm cha mẹ. Phương pháp này được áp dụng thường quy tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng tạo điều kiện cho cộng đồng bệnh nhân ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên tiếp cận các dịch vụ tốt hơn, giảm đáng kể thời gian đi lại cũng như chi phí điều trị và căng thẳng tâm lý. Hiện chi phí bình quân cho một ca điều trị hiếm muộn, vô sinh tại đây khoảng 50 đến 70 triệu đồng, cho tỷ lệ đậu thai thành công 40,45%.
Hàng năm Việt Nam thực hiện khoảng 18.000 ca thụ tinh trong ống nghiệm và các kỹ thuật liên quan, con số này tăng thêm khoảng 10% mỗi năm. Ca thụ tinh ống nghiệm thành công đầu tiên ở nước ta vào năm 1998, dù đi sau thế giới 20 năm song kỹ thuật này đã nhanh chóng phát triển và có những bước tiến vượt bậc. Hiện cả nước có 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản được thành lập từ Bắc đến Nam, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM.
Thông thường phương pháp thụ tinh ống nghiệm áp dụng cho những trường hợp nặng như nam giới không có tinh trùng, phụ nữ tắc ống dẫn trứng hai bên, bất thường thụ tinh…
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.