Ý định xấu của kẻ bắt cóc sẽ không thể gây hại cho bé nếu bạn dạy con mình 2 từ sau và một khái niệm quan trọng.
Nỗi lo sợ con bị bắt cóc luôn ám ảnh mọi phụ huynh. Tỷ lệ trẻ em bị bắt cóc đang tăng cao trên toàn thế giới. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, các bậc cha mẹ muốn dành cho con sự quan tâm nhiều nhất dù ở bất cứ nơi nào.
Câu chuyện 2 cậu bé và 3 người lạ
Jodie Norton là một người mẹ kiêm blogger, chuyên viết về những trải nghiệm của mình. Trong một chia sẻ, cô kể về chuyện đã xảy ra với các con và cách bọn trẻ xoay sở để tự cứu thoát mình khỏi nguy cơ rơi vào tay kẻ bắt cóc. Bí quyết là sử dụng 2 từ mà cô đã dạy chúng.
Norton cho biết, một buổi sáng, cô cảm thấy cơn đau dữ dội như thể dao đâm ở vị trí buồng trứng và vội vàng tới gặp bác sĩ. Là mẹ của 4 đứa trẻ, cô phải lái xe với bọn trẻ ngồi ở ghế sau, trong lúc vẫn phải chịu đựng cơn đau giằng xé.
Hai cậu bé liên tục nói “Không, cảm ơn!” khi bị người lạ tiếp cận (Ảnh minh họa).
Lúc tới bệnh viện, Norton để 2 đứa lớn đứng ở vỉa hè trước cổng bệnh viện bởi trong khoảng 5 phút nữa, một người bạn của cô sẽ tới đón 2 cháu và chở chúng đi học. Norton vội vã vào phòng cấp cứu với 2 bé còn lại, trong lòng rất yên tâm vì nghĩ 2 đứa lớn sẽ ổn trong lúc chờ xe bạn đến.
Nhưng Norton phát hiện ra, người bạn đã tới trễ khoảng 40 phút và suốt thời gian đó, đã có 3 người tiếp cận 2 đứa con lớn của cô. Họ đề nghị được đi cùng bọn trẻ vào trong bệnh viện. Lý do là nhờ tìm một người đàn ông trốn trong phòng tắm bệnh viện vì không muốn gặp bác sĩ. Những người lạ này nói với 2 cậu bé rằng, họ cần sự trợ giúp của chúng trong việc thuyết phục người đàn ông kia chấp nhận sự giúp đỡ của nhân viên bệnh viện.
Bọn trẻ đơn giản chỉ lặp đi lặp lại câu nói: “Không, cảm ơn”, bất chấp bao nhiêu lần 3 người lạ mặt kia giở đủ trò năn nỉ. Sau đó, 2 cậu bé kể lại cho mẹ nghe và còn cho biết, chúng trông thấy một người đàn ông rời khỏi bệnh viện, bước vào trong xe ô tô cùng với 3 người đàn ông còn lại. Nhờ kiên quyết nói: “Không, cảm ơn”, 2 cậu bé nhà Norton đã làm cho đám kẻ bắt cóc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ cuộc.
Quy tắc gia đình giúp cứu sống lũ trẻ
Ngoài việc từ chối, 2 cậu bé đã học được một quy tắc trong gia đình – quy tắc góp phần giúp chúng thoát khỏi một vụ bắt cóc cận kề. Một cậu bé kể lại sự việc cho mẹ nghe: “Mẹ ơi, con biết họ là những người mưu mô, thủ đoạn bởi vì họ đề nghị chúng con giúp đỡ. Người lớn không bao giờ đề nghị sự giúp đỡ từ trẻ con”. Với khái niệm về “những người mưu mô, thủ đoạn”, bọn trẻ biết người đang nói chuyện với mình thực sự nguy hiểm.
Tại sao không phải là “mối nguy hiểm từ người lạ”?
Theo Norton, khái niệm “người nhiều mưu mô, thủ đoạn” đã cứu mạng con mình. Sử dụng cụm từ “mối nguy hiểm từ người lạ” làm trẻ hoang mang và đồng nhất người lạ với biểu hiện hiếu chiến, bạo lực hay đáng sợ. Trong khi rất nhiều lần, kẻ tiếp cận trẻ em với mục đích bắt cóc lại trưng ra bộ mặt thân thiện, hiền lành và luôn cố gắng gây dựng mối thiện cảm, sự tin tưởng từ đứa trẻ. Nếu trẻ cảm thấy thông cảm với người đó, chúng có thể không đồng tình với khái niệm “người lạ” trước đó.
Theo Norton, khái niệm “người nhiều mưu mô, thủ đoạn” đã cứu mạng con mình (Ảnh minh họa).
Sử dụng khái niệm “người nhiều mưu mô, thủ đoạn” sẽ giúp trẻ biết rằng, người kia muốn thứ gì đó nhiều hơn từ chúng và đây chính là điều mà cha mẹ rất cần nhấn mạnh.
Quan niệm “người mưu mô, thủ đoạn” bắt nguồn từ Patty Fitgerald trong chương trình “Safely Ever After” (một chương trình bảo vệ trẻ em do Pattie Fitzgerald sáng lập). Cô khuyên phụ huynh nên ngừng nói với trẻ về việc không được trò chuyện với người lạ bởi vì rốt cuộc, trẻ vẫn sẽ làm thế. Thay vào đó, hãy dạy trẻ kiểu người lạ nào mà trẻ có thể an toàn khi ở cạnh.
Một trong những điều mà chương trình này khích lệ cha mẹ trong việc dạy con cái là: chỉ “những người mưu mô, thủ đoạn” mới đề nghị sự giúp đỡ từ trẻ nhỏ. Nếu là một người lớn không gây hại gì muốn được giúp đỡ, họ sẽ nhờ những người lớn khác, chứ không phải một đứa trẻ.
Giáo dục con bạn tự bảo vệ bản thân
Khi trẻ lớn lên, quan trọng là chúng học được cách chăm sóc bản thân và giữ an toàn trong bất cứ tình huống khẩn cấp có thể nảy sinh nào.
Hãy hi vọng rằng chúng ta có thể không bao giờ phải đối mặt với tình huống nguy hiểm như vậy. Nhưng chúng ta cần dạy dỗ lũ trẻ về những mối nguy hiểm tiềm ẩn. Hãy dạy con về địa chỉ nhà bạn, số điện thoại của bạn và rằng cơ thể con là của riêng con. Do đó, con có thể nói “không” nếu cảm thấy thiếu thoải mái. Việc này sẽ giúp con phòng ngừa khỏi những nguy hiểm tiềm tàng, đồng thời làm tăng sự tự tin của trẻ.
Nguồn: Family
Theo Trí Thứ Trẻ
Video: Cảnh giác bắt cóc trẻ em
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.