Những kẻ dùng dao lam, vật nhọn đâm, rạch vào cơ thể người khác làm thú vui có khả năng mang bệnh lý tâm thần, rối loạn hành vi.
Trong thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp các cô gái trẻ đi xe máy một mình trên đường bị các nhóm đối tượng, thanh niên dùng vật nhọn như kim tiêm, dao lam đâm, rạch nhiều nhát vào các bộ phận cơ thể như đùi, tay. Hầu hết, các nạn nhân đều phải trải qua khoảng thời gian lo sợ bị mắc các căn bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV.
Cuối năm 2014, các chị em sinh sống tại TP Huế đã phải trải qua những tháng ngày lo sợ khi xuất hiện kẻ biến thái có sở thích đâm vật nhọn như bút, que vót vào vùng kín phụ nữ. Vào những ngày cuối năm 2016, đã có một nạn nhân nữ bị một kẻ nghi nhiễm HIV chích kim tiêm vào ngực qua đời.
Mới đây, một cô gái trẻ đã đăng tải những hình ảnh cơ thể bị lưỡi dao lam rạch nhiều nhát trên đùi. Cô đã bị một nhóm thanh niên áp sát và tấn công khi đang trên đường về nhà một mình. Ngay sau đó, cô gái phải đi điều trị phơi nhiễm HIV vì lo sợ mắc phải căn bệnh thế kỷ qua lưỡi dao lam.
Nhiều cô gái trẻ bị các thanh niên dùng dao lam rạch đùi, tay buộc phải điều trị phơi nhiễm HIV.
Bác sĩ, Ths Trần Thị Hồng Thu – trưởng khoa Lâm sàng, bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương nhận định, những đối tượng có hành vi dùng vật nhọn đâm, rạch vào người khác thường ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Lứa tuổi này chưa có nhận thức rõ ràng nên thường có xu hướng nghịch ngợm, trêu ghẹo người khác nhiều hơn là có bệnh lý tâm thần.
“Những đối tượng dùng vật nhọn để đâm vào người khác sau đó bỏ chạy thường ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Có thể chúng xem trên mạng, thấy hành động này có vẻ vui nên bắt chước theo trêu ghẹo người khác nhưng không nắm rõ được hậu quả. Đối với những kẻ này thì cần phải có biện pháp giáo dục mạnh tay” – Ths Hồng Thu cho hay.
Bác sĩ nhấn mạnh: “Đối với trường hợp người bị mắc bệnh truyền nhiễm như HIV còn cố tình lây truyền bệnh cho người khác là thực hiện hành vi có chủ đích nên cũng không thuộc vào dạng bệnh lý tâm thần nào cả”.
Có thể có dấu hiệu bệnh lý tâm thần
Tuy nhiên, bác sĩ – Ths Hồng Thu cũng nhận định, một số người có hành vi đâm rạch người khác làm thú vui hoặc để thỏa mãn bản thân vẫn có thể mang dấu hiệu bệnh lý tâm thần, chấn sang tâm lý nên khiến hành vi lệch lạc.
“Sang chấn tâm lý có rất nhiều nguyên nhân và có thể gây nên nhiều hành vi lệch lạc, rối loạn hành vi vận động. Có những trường hợp người bệnh bị rối loạn hành vi vận động dẫn đến những hành động như ăn cắp hay đốt nhà chẳng hạn. Những hành động này có thể khiến người bệnh cảm thấy thỏa mãn, thoải mái, bớt căng thẳng. Có khả năng hành vi đâm, rạch người khác cũng nằm trong bệnh lý tâm thần này”, bác sĩ cho hay.
Bác sĩ Ths Hồng Thu cũng cho biết, đối với những kẻ có thú vui là rạch, đâm người khác thì không thể kết luận bất cứ điều gì, muốn biết được nguyên nhân thật sự có phải do bệnh tâm thần hay không thì cần phải xem xét các biểu hiện liên quanmới chẩn đoán đúng được.
“Để tránh trở thành nạn nhân của những đối tượng chuyên đâm, rạch vào người khác, các chị em phụ nữ cần phải tránh đi đêm, nếu đi lại vào buổi đêm nên hạn chế đi một mình. Ngay khi thấy có đối tượng áp sát cần cảnh giác và có những hành động phòng vệ để bảo vệ chính mình” – Ths Hồng Thu đưa ra lời khuyên.
Lương Chi
Chưa có bình luận.