Sau khi Hòa Thân “ngã ngựa”, toàn bộ khối gia sản kếch xù của đại tham quan này đã bị một nhân vật “hớt tay trên” theo cách vô cùng… êm thấm.
Tại vị gần 6 thập kỷ, Càn Long lưu danh sử sách bởi những thành tựu to lớn trên các phương diện văn hóa, chính trị, giáo dục… Nhưng vị Hoàng đế này cũng nổi tiếng khó chiều bởi những tính cách “chẳng giống ai” của mình.
Sinh thời, Càn Long Hoàng đế rất thích được khen ngợi, tâng bốc. Vào thời kỳ ông tại vị, con đường quan lộ của không ít nịnh thần “lên như diều gặp gió”.
Trong số đó, ta không thể không kể tới “đệ nhất tham quan” trong lịch sử Trung Quốc – Hòa Thân!
“Thiên tài” tham nhũng trong lịch sử Trung Hoa
Hòa Thân (1750 – 1799), tên chữ Trí Trai, xuất thân là người Chính Hồng Kỳ, tộc Nữu Hỗ Lộc, người Mãn Châu.
Năm lên 10, ông được đưa vào cung làm thị vệ. Nhờ tài ăn nói, Hòa thị vệ được Càn Long để mắt, sau đó nhanh chóng lên làm Ngự tiền thị vệ.
Nhờ trời phú cho sự lanh lợi, nhạy bén, Hòa Thân dễ dàng nắm bắt được tâm ý của Hoàng đế, rồi tìm mọi cách để làm vui lòng nhà vua.
Biết Càn Long thích nghe lời ngon ngọt, Hòa Thân liền rèn luyện miệng lưỡi, trở thành nịnh thần được Hoàng đế yêu thích nhất trong triều đình. (Ảnh minh họa).
Hòa Thân dần trở thành sủng thần bên cạnh Càn Long. Con đường quan lộ của tham quan thuận lợi như cá gặp nước. Chỉ chưa đầy 10 năm, thị vệ họ Hòa năm nào đã lên tới chức Đại học sĩ danh giá.
So với chuyện chính sự, Hòa Thân có đam mê với tiền bạc và của cải hơn cả.
Được Hoàng đế che chở, lại thêm việc có chức có quyền, đại tham quan này không chỉ lén lút mua quan bán chức mà còn công khai tham nhũng, nhận hối lộ, vơ vét tài sản chẳng khác nào “cướp giữa ban ngày”.
Là sủng thần bên cạnh Càn Long, Hòa Thân có đủ năng lực để cất nhắc người này, hạ bệ người kia. Quan lại lúc ấy đều biết nguyên tắc “không hối lộ, không gặp mặt” của Hòa đại nhân, liền thay nhau dâng lên những báu vật hiếm lạ trong nhân gian để đút lót.
Hòa Thân giàu lên trên sự khốn khổ của thiên hạ. (Ảnh: minh họa).
Trong 24 năm đương quyền, Hòa Thân bỏ túi ước chừng khoảng 40 triệu lạng bạc nhờ những thủ đoạn mua quan bán tước.
Chưa dừng lại ở đó, tham quan họ Hòa còn công khai “rút lõi” ngân khố. Những cống vật từ các địa phương dâng lên Hoàng đế trước nhất đều qua tay Hòa Thân.
Dựa vào con số thống kê của một số nguồn sử liệu, vào những năm cuối thời Càn Long tại vị, các sản vật và cống phẩm tiến cống từ các địa phương chỉ có 12% được đưa vào ngân khố, 88% còn lại đều bị hút về phủ họ Hòa.
Khi kiểm kê cống vật, Hòa Thân “tiện tay” bỏ túi những trân phẩm quý giá, hiếm lạ, số còn lại mới chuyển lên cho Hoàng đế. Thậm chí, có loại trân châu quý giá tới nỗi Càn Long chưa từng nhìn thấy, nhưng Hòa Thân lại có trong tay tới… vài viên!
Bởi vậy, dân gian khi ấy mới lưu truyền câu nói: “Thứ Càn Long có Hòa Thân có, thứ Càn Long không có Hòa Thân chưa chắc không có!”
Vì nhiều lý do, Càn Long đã “mắt nhắm mắt mở” trước hành vi tham ô của Hòa Thân. Điều này khiến tham quan họ Hòa càng được nước lộng hành.
Đối với tiền bạc, Hòa Thân có đầu óc nhạy bén và khả năng tính toán thiên phú. Ông dùng một phần tiền hối lộ và tham nhũng đầu tư vào bất động sản, số còn lại dùng để bỏ vốn vào các ngành công nghiệp, thương mại.
Sử cũ Thanh triều có thống kê: Hòa Thân sở hữu 12 tiệm cầm đồ, 35 nhà trọ cho thuê chỉ tính riêng trong nội thành Bắc Kinh. Đại tham quan này còn điều hành nhiều cửa hàng đồ sứ, dược phẩm, khách điếm, tiệm rượu…
Phàm là những ngành kinh doanh thu nhiều lợi nhuận lúc bấy giờ đều có sự hiện diện của Hòa Thân. “Tiền đẻ ra tiền”, Hòa đại nhân cứ như vậy mà giàu lên, còn quan lại, bách tính ngày một khổ sở.
Cái kết cho khối tài sản kếch xù của “đệ nhất tham quan”
Trong những năm cuối đời, Càn Long nhường ngôi cho Thái tử Ngung Diễm, tức Gia Khánh Hoàng đế sau này. Khi còn ở ngôi Thái tử, Gia Khánh từ lâu đã nắm rõ những mánh khóe tham ô và số tài sản kếch xù của Hòa Thân.
Năm 1799, Càn Long băng hà, chiếc ô dù lớn nhất của Hòa Thân cũng đã mất. 5 ngày sau, Gia Khánh Hoàng đế lập tức hạ lệnh cách chức và bỏ tù tham quan này, đồng thời tịch thu tài sản của Hòa Thân.
Khi triều đình tới kê biên tài sản trong phủ Hòa Thân, số gia tài khổng lồ thu được không khỏi khiến Gia Khánh và quan lại tá hỏa. (Ảnh minh họa).
Cặp bài trùng Hòa Thân – Tể tướng Lưu gù:
Trong hơn 20 năm đương quyền, Hòa Thân sở hữu 3.000 phòng (phòng trọ, dinh thự), 8.000 mẫu đất (tương đương 32km2), 72 ngân hàng, 75 hiệu cầm đồ.
Bên cạnh đó, số tiền mặt của Hòa Thân cũng không khỏi khiến người ta lóa mắt với 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1 thỏi = 1000 lạng vàng), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa, 9 triệu thỏi bạc nhỏ, 58.000 cân tiền ngoại, 1,5 triệu đồng tiền xu.
Không chỉ vậy, Hòa Thân còn bỏ túi không ít trân phẩm, báu vật trong thiên hạ.
Phủ họ Hòa lúc bấy giờ chứa tới 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên tương đương một quả anh đào), 10 viêên ngọc trai lớn (mỗi viên có kích cỡ bằng quả mơ), 10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn.
Ngoài ra còn có 711 nghiên mài mực cổ, 40 bàn đựng đồ ăn bằng vàng, 11 tảng san hô (mỗi tảng cao 1m), 14.300 xếp vải quý, 20.000 tấm len lông cừu thượng hạng, 460 đồng hồ châu Âu…
Chưa dừng lại ở đó, độ xa hoa của phủ họ Hòa không thua kém so với Hoàng cung, đếm được 144 sập vàng, 23 sập khác nạm bằng vàng ròng, 40 sập sơn son mạ vàng, ngay tới chậu rửa mặt cũng được nạm ngọc thạch.
Chỉ riêng số tỳ thiếp nơi này đã lên tới 600 người, còn gia nhân thì không đếm xuể.
Một góc tráng lệ trong phủ đệ của Hòa Thân, nay được biết tới với tên gọi Cung vương phủ.
Sinh thời, Hòa Thân có 2 vật trấn trạch là con Tỳ Hưu và chữ Phúc do chính vua Khang Hy viết tặng bà nội của Hòa Thân nhân ngày mừng thọ. Hai vật này được cất giấu trong hòn giả sơn trước phủ đệ.
Khi đập vỡ hòn giả sơn, các quan mới phát hiện trong núi đá ấy có con Tỳ Hưu bằng ngọc phỉ thúy xanh lý và to hơn cả Tỳ Hưu của nhà vua, trong khi Tỳ Hưu của nhà vua chỉ bằng bạch ngọc.
Theo thống kê đương thời, số tài sản bị tịch biên của Hòa tham quan ước chừng lên tới 1,1 tỷ lượng bạc, lớn hơn tổng số thu nhập trong 15 năm của triều đình nhà Thanh.
Sau khi bị bỏ tù và tịch thu tài sản, Gia Khánh Hoàng đế đã ban cho Hòa Thân một dải lụa trắng để tự vẫn.
Gia tài của “đệ nhất tham quan” trong lịch sử Trung Quốc cứ như vậy lọt vào tay Hoàng đế một cách êm thấm. Dân gian khi ấy có lưu truyền câu nói: “Hòa Thân té ngã, Gia Khánh ăn no” là vì vậy.
Theo trithuctre
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.