Thứ Hai, 06/11/2023 | 16:59

Điểm danh những căn bệnh truyền nhiễm khi giao mùa

Bệnh truyền nhiễm là tập hợp những bệnh gây ra bởi các vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn, virus, vi nấm, kí sinh trùng…Những bệnh này có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng tạo thành dịch, đại dịch và có thể dẫn đến tử vong nhiều người cùng một thời điểm…

Miền bắc hiện đang bước sang giai đoạn giao mùa, sự thay đổi thất thường về nhiệt độ trong ngày và độ ẩm cao là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Đặc biệt những người mắc các bệnh mạn tính sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh nền… sẽ là đối tượng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Bệnh cúm

Cúm là một bệnh truyền nhiễm thường gặp do vi rút cúm gây ra. Hiện tại có bốn loại vi rút là vi rút cúm A, B, C và D, trong đó cúm A, cúm B thường gây bệnh cho người.

Trên thực tế nguồn chứa vi rút cúm ở cả người bệnh và người mang vi rút cúm nhưng thường không có triệu chứng. Vi rút cúm lây truyền qua các giọt bắn hô hấp do ho và hắt hơi. Sự lây truyền qua không khí và tiếp xúc qua các vật thể trung gian hay bề mặt bị nhiễm vi rút cũng có thể xảy ra. Những biến chứng nặng của nhiễm cúm bao gồm hội chứng suy hô hấp cấp tính, viêm màng não, viêm não… sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe đối với những bệnh nhân bị hen và mắc bệnh tim mạch.

Bệnh tiêu chảy cấp do vi rút đường ruột

Tiêu chảy cấp do vi rút đường ruột gây mệt mỏi, bất tiện trong công việc, sinh hoạt và cuộc sống. Các vi rút cư trú trong đường tiêu hoá của người bệnh và được thải ra ngoài qua dịch tiết tiêu hoá, phân. Vi rút có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường, sống nhiều giờ trên tay và nhiều ngày trên các bề mặt như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, vật dụng trong gia đình…

Ở trẻ nhỏ, sau khi bị lây nhiễm tiêu chảy từ 1- 2 ngày trẻ bắt đầu xuất hiện nôn và tiêu chảy. Thông thường nôn xuất hiện trước khi bị tiêu chảy khoảng 6- 12 giờ hoặc có thể kéo dài từ 2- 3 ngày sau đó trẻ đi ngoài phân lỏng như nước, có thể kèm theo nhớt nhưng không có máu. Những ngày tiếp theo tiêu chảy ngày càng tăng kéo dài khoảng 3- 9 ngày kèm theo hâm hấp sốt, đau bụng, ho và chảy nước mũi khiến cho trẻ mệt mỏi, dễ bị mất nước, cơ thể nhanh chóng bị khô kiệt nguy cơ bệnh tiến triển nặng các gia đình cần lưu ý.

Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây nên. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Tác nhân gây bệnh là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71) với những biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối.

Đường lây truyền của bệnh chân tay miệng do tiếp xúc với các dịch tiết từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Thực tế cho thấy các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo…là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.

Dịch tay chân miệng có xu hướng tăng cao vào tháng 9 đến tháng 12 hàng năm và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71 như biến chứng thần kinh gồm viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não với những biểu hiện đặc trưng như giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê,…; biến chứng tim mạch, hô hấp gồm: viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.

Bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu (trái rạ) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Varicella – Zoster gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa hè, xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em dễ mắc bệnh nhất. Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ lâu khỏi và để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua việc dùng chung các đồ dùng, vật dụng như bàn chải đánh răng, khăn mặt… mà các đồ dùng vật dụng này có dịch tiết từ tổn thương hoặc các giọt bắn từ nước bọt của người bị bệnh.

Thủy đậu là một bệnh lây nhiễm nhưng rất lành tính, biến chứng hiếm gặp. Tuy nhiên, điều trị không đúng cách hoặc người bệnh không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ có thể sẽ gặp phải các biến chứng không mong muốn.

Các biến chứng có thể gặp là nhiễm trùng tại chỗ, tổn thương mụn nước có thể bị viêm nhiễm, mủ, loét sâu xuống và vỡ ra. Chỗ tổn thương đó có thể rỉ máu, thường gặp những biến chứng này ở trẻ nhỏ do gãi nhiều; Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, một số biến chứng hiếm gặp khác như: suy thượng thận, viêm cầu thận, viêm cơ tim, biến chứng trên mắt. Người mẹ mắc bệnh Thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.

Những đối tượng dễ mắc bệnh khi thời tiết chuyển mùa

Trẻ nhỏ: Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.

Người cao tuổi, người có bệnh mãn tính : Người cao tuổi thường có sẵn các bệnh lý mạn tính như bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ rất nhiều. Thay đổi thời tiết dễ làm khởi phát bệnh lý có sẵn ở người cao tuổi.

Lời kết

Để phòng các căn bệnh truyền nhiễm khi thời tiết chuyển mùa người dân cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi, giữ gìn vệ sinh cá nhân hằng ngày và giữ ấm cơ thể.

Khi đến những nơi công cộng cần đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Không dùng chung vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt, cốc uống nước…Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến các cơ sở y tế để được được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh tự ý mua thuốc điều trị tránh những biến chứng nguy hiểm có thể sẽ xảy ra. Cần tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo đúng lịch, đặc biệt với trẻ em.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Loại trái cây giảm ho, làm ẩm phổi cực hiệu quả

Giải pháp phòng ngừa dị ứng khi thời tiết giao mùa

Cách nhận biết bệnh quai bị, thủy đậu để ngăn ngừa dịch bệnh

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook