Thứ Bảy, 03/09/2016 | 08:30

Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai cuộc vận động đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đồng thời nỗ lực hướng tới xây dựng văn minh bệnh viện. Song dường như không chỉ người bệnh mà cả đội ngũ nhân viên y tế đều xem đó như một mục tiêu khó vươn tới. Vì sao vậy?

1. Hỏi tâm trạng của bệnh nhân tại nhiều phòng khám ở các bệnh viện hầu hết câu trả lời mà chúng tôi nhận được đều cho rằng chờ đợi lâu khi đi khám chữa bệnh gây mỏi mệt, căng thẳng, tiếp đến là thủ tục rườm rà và điều đáng phàn nàn nhất là thái độ khám bệnh hời hợt và lạnh lùng của nhân viên y tế. Nguyên nhân, theo TS.BS Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) là do tình trạng quá tải.

Để khắc phục, Bộ đã chỉ đạo các bệnh viện khi thấy tình trạng quá tải phải điều phối, tăng cường bác sĩ khám chữa bệnh hoặc thực hiện đăng ký khám bệnh qua điện thoại để giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế và người bệnh, dứt khoát không để một bác sĩ khám quá nhiều bệnh nhân trong một ngày. Ông cũng khuyên khi quá tải khiến bác sĩ và bệnh nhân không có nhiều thời gian đối thoại thì cả hai phía nên cùng hợp tác. Bệnh nhân và thân nhân nên chuẩn bị trước cho mình những câu hỏi trọng tâm, ngắn gọn và súc tích. Nếu có nhiều thân nhân thì nên bàn bạc trước và chọn ra một người đại diện. Về phía nhân viên y tế, phải nắm vững tâm lý của người bệnh, tình trạng bệnh và từng giai đoạn bệnh để có thể giải thích hợp tình hợp lý và hiệu quả cho bệnh nhân và thân nhân trong thời gian ngắn nhất.

Phân tích của ông Tác quả đúng “như sách” nhưng có lẽ còn xa thực tế. Nói như GS.TS Nguyễn Anh Trí- Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương thì về phía bệnh nhân, cũng có người ứng xử chưa đúng mực, thậm chí xúc phạm cán bộ y tế. Vì thế, sự chia sẻ, thấu hiểu nhau là rất quan trọng.

Theo thông kê từ Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2016, trong số gần 12.000 cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế chỉ có 34% cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi chuyên môn, khoảng 40% cuộc gọi phản ánh về tình trạng xuống cấp của cơ sở y tế, nội quy cơ sở y tế; 28% cuộc gọi phản ánh về quy trình chuyên môn của các bệnh viện; 14% phản ánh về thái độ, tinh thần trách nhiệm của y bác sĩ đối với người bệnh; 12% phản ánh về các vấn đề liên quan đến viện phí và thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

2. Mới đây, tôi phải đưa mẹ vào mổ ở khoa ung bướu- Bệnh viện Thanh N

Mượn được quần áo đã mệt nhưng tìm chỗ thay quần áo còn nan giải hơn. Phòng bệnh có 5 giường, giường nào cũng ghép hai đến ba người, thay trong phòng không tiện vì có cả bệnh nhân nam và nữ. Hành lang thì cũng kín đặc giường nằm. Dắt mẹ ra nhà vệ sinh thì ôi thôi, mùi hôi thối nồng nặc, mặt sàn ướt sũng. Lo người già dễ trơn trượt, tôi xin phép nhân viên dọn vệ sinh để bà được đứng ở một góc khô ráo trước khu vệ sinh nữ thay đồ nhưng… một cái quắc mắt và câu quát gọn lỏn: “Không, ra ngoài kia”. Cô ta chỉ tay về phía ban công gần đó (nơi có thể nhìn sang các tòa nhà xung quanh và ngược lại). Không thể kìm nén khi một lao công đáng tuổi con cháu lên giọng quát bệnh nhân như đứa trẻ con khờ dại thế. Tìm chỗ thay quần áo còn khó, tìm đâu ra khái niệm “văn minh bệnh viện”?

Sau mổ, hai lần trong ngày mẹ tôi được tiêm kháng sinh, nhưng mũi tiêm nào cũng khiến bà hoảng hốt. Gồm cả những mũi tiêm thuốc trào ra ngoài mất một nửa do một y tá có đến gần 30 năm công tác trong ngành thao tác. Người ta rỉ tai bảo: có 20.000 đồng lót tay sẽ khác.

3. Ai đã từng nằm viện, chăm sóc bệnh nhân hẳn không nguôi nỗi ám ảnh về nhà vệ sinh bệnh viện.

Tại nhiều cuộc họp về văn minh bệnh viện gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh nhiều lần về hình ảnh “nhà vệ sinh” như một ví dụ cho trách nhiệm quản lý của những người đứng đầu bệnh viện. Mỗi lãnh đạo bệnh viện đều có phòng riêng, nhà vệ sinh riêng sạch sẽ, rồi nhân viên cũng có khu vệ sinh dành cho nhân viên, còn nhà vệ sinh chung thì thành một “điểm nóng”. Có bao giờ lãnh đạo bệnh viện ghé qua các nhà vệ sinh chung của bệnh nhân để biết được có bao nhiêu cánh cửa bung chốt, mảng tường rêu bám xanh, bao nhiêu bồn cầu bị tắc… để biết bệnh nhân đang khổ thế nào? Thậm chí có những nhà vệ sinh khóa suốt ngày, muốn sử dụng phải cược mấy trăm ngàn…

Cơ sở hạ tầng yếu kém, quá tải bệnh viện dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện bệnh viện xanh – sạch – đẹp – thân thiện. Điều này rõ ràng đang là rào cản lớn trong việc hướng tới xây dựng các bệnh viện văn minh, song theo nhiều chuyên gia, muốn có văn minh bệnh viện trước hết hãy xuất phát từ văn hóa ứng xử trong bệnh viện. Cụ thể ở đây là văn hóa ứng xử giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với y bác sĩ và ngược lại. Qua cuộc khảo sát nhanh, độc lập của Viện Chiến lược chính sách y tế tại 10 bệnh viện trên cả nước mới đây cho thấy, có khoảng 31% bệnh nhân chưa hài lòng về thái độ phục vụ của nhân viên y tế, trong khi có tới 40% bệnh nhân chưa hài lòng về cơ sở vật chất của các bệnh viện.

Chất lượng dịch vụ y tế thấp, thái độ thờ ơ của nhân viên y tế và khu vệ sinh tồi tàn … là những nguyên nhân cơ bản khiến người ta ái ngại, thậm chí sợ hãi khi đến bệnh viện.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện phong trào Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế và triển khai cơ sở y tế “xanh – sạch – đẹp” hướng tới sự hài lòng của người bệnh vừa qua, người đứng đầu ngành y tế đã nhìn ra nguyên nhân các tồn tại này và khẳng định thời gian tới, ngành y tế khuyến khích xã hội hoá, cải tạo cơ sở vật chất. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, quản trị bệnh viện thì không chỉ có chất lượng khám chữa bệnh mà phải đồng bộ, từ dịch vụ bảo vệ đến trông giữ xe, xe cứu thương… Nếu bệnh viện tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện.

Sỹ Minh

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook