Thứ Ba, 04/10/2016 | 07:35

Công trình thủy lợi Đập Đá (xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư hơn 9,7 tỷ đồng, phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, trong đó có cây bưởi là chủ lực của xã Phúc Trạch với hàng trăm hộ dân hưởng lợi. Nhưng ngay từ khi đưa vào sử dụng, công trình đã bộc lộ nhiều bất cập, khiến người dân bức xúc.

Sau 10 năm thi công, công trình tiền tỷ này mới được bàn giao.

10 năm mới được bàn giao

Phúc Trạch là địa phương được UBND tỉnh Hà Tĩnh quan tâm đầu tư xây dựng công trình Đập Đá nhằm phục vụ tưới tiêu cho hơn 200 ha bưởi thương hiệu Phúc Trạch, 50 ha lúa, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng và góp phần cải thiện môi sinh, môi trường.

Công trình được khởi công vào tháng 7/2005, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2006, với tổng mức đầu tư 9,7 tỷ đồng, do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư. Công trình do Công ty tư vấn xây dựng số 9 Hà Tĩnh (nay chuyển thành Công ty xây dựng Hữu Nghị, đóng tại TP Vinh, Nghệ An) làm tư vấn thiết kế.

Đơn vị giám sát là Công ty tư vấn thủy lợi Hà Tĩnh. Ba đơn vị thi công là Công ty XD Xuân Hà (có địa chỉ tại TP. Hà Tĩnh) xây dựng phần đập; Công ty XD Bình An và Công ty thủy lợi Hương Khê (thị trấn Hương Khê) xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước.

Sau hơn 10 năm xây lắp, ngày 15/10/2015, công trình Đập Đá mới được bàn giao. Theo sự dẫn đường từ một người dân ở xã Phúc Trạch, chúng tôi được “mục sở thị” công trình tiền tỷ này vào đúng mùa chính vụ bưởi Phúc Trạch.

Hệ thống đường ống dẫn nước tưới cho cây ăn quả.

Phần đầu mối của công trình được xây dựng ở vùng thượng của xã để đón đầu nguồn nước. Để đến được vùng đập, phải đi qua nhà điều hành của Dự án, những ngôi nhà này cỏ mọc um tùm, các hạng mục xuống cấp trầm trọng.

Thực tế, khi công trình hoàn thành, người dân hết sức vui mừng. Bởi Phúc Trạch là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, mùa mưa thì ngập nặng, mùa nắng lại khô hạn, cây bưởi thương hiệu khó lòng chống chọi với thời tiết.

Theo người dân, ngay khi đưa vào sử dụng, công trình bộc lộ hàng loạt vấn đề về chất lượng thiết kế, thi công, mà đáng nói nhất là gói thầu xây lắp hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu mối xuống vùng người dân hưởng lợi. Khi ấn khóa vận hành hệ thống đường ống dẫn nước đã gặp sự cố nước phun trào khắp các khe đấu nối, làm ngập cả vườn của dân.

Chị Phạm Thị Hương, một người dân trồng bưởi ở xóm 4 cho biết:“Trồng bưởi ở đây rất cần nước để tưới vào mùa khô, tiêu úng vào mùa mưa, khi công trình hoàn thành chúng tôi rất mừng. Nếu Dự án có nước thì chúng tôi sẵn sàng mua để tưới cho bưởi. Nhưng khi đưa vào sử dụng, mở nước ra thì hầu như các khớp nối đều rò rỉ, nước chảy tràn lênh láng như nước lụt vào vườn dân. Không hiểu sao họ sửa nhiều lần rồi nhưng không được. Từ khi xây dựng đến nay, dân chúng tôi chưa lấy được nước lần nào để tưới, đường ống dài mấy km nhưng cứ để lãng phí cả chục năm nay”.

Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: “Thực tế, công trình chưa phát huy hiệu quả, chỉ phục vụ tưới tiêu cho khoảng 60 ha lúa, còn cây bưởi thì chưa được hưởng lợi gì từ Dự án. Nguyên nhân là do khi xả nước thì đường ống không chịu được lực, rò rỉ tại các khớp nối, nước tràn vào vườn của dân không thể kiểm soát được. Xã đã kiến nghị nhiều lần, chủ đầu tư cũng cho sửa đi sửa lại nhưng vẫn không khắc phục được nên phải đóng tịt ở đầu mối”.

Nhà vận hành của công trình thủy lợi Đập Đá tan hoang.

Lỗi do thiết kế?

Theo ông Nguyễn Quốc Quyền, cán bộ kỹ thuật BQLXDCB Hương Khê – người trực tiếp phụ trách hạng mục hệ thống đường ống dẫn nước tại Dự án Đập Đá – thiết kế ban đầu không có roăng nối giữa các ống bê tông mà chỉ đấu vào nhau vì đây là hệ thống nước ngầm, cố tình cho nước ra giữa các khe hở dẫn nước vào vườn của dân, khi mở nước vận hành do chênh lệch độ cao, áp lực nước mạnh nên phát sinh làm ống nối 15 để bọc giữa hai ống với nhau nhưng vẫn không được, sau đó tăng lên ống 20. Tuy nhiên, vẫn có những chỗ nước chảy ra mạnh, đơn vị đã cho xử lý rồi nhưng do dân không hợp tác, đập phá rất nhiều nơi, vá được chỗ này thì hở chỗ kia.

Ông Lê Đức Khang – Trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản (BQLXDCB) huyện Hương Khê, đại diện chủ đầu tư thừa nhận việc người dân phản ánh về hiệu quả sử dụng không cao của Đập Đá là có. Công trình thi công theo đúng hồ sơ thiết kế nhưng khi đưa vào sử dụng thì có trục trặc, bất cập, lỗi là ở khâu thiết kế. Xét về hồ sơ thiết kế, dự toán (do Sở NN&PTNT Hà Tĩnh lập và thẩm định), đơn vị thi công đúng theo bản vẽ, nhưng do thiết kế không phù hợp. Mặt khác là do người dân tự ý đập phá đường ống để thoát nước khi mưa lũ dẫn đến công trình không phát huy được hiệu quả.

Như vậy, ngay từ khi vận hành đến lúc bàn giao, công trình thủy lợi Đập Đá vẫn không phát huy được hiệu quả như mục tiêu đã đề ra.

Hạnh Nguyên

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook