Nhiều trường danh tiếng thuộc khối kinh tế xếp thứ hạng trung bình trở xuống trong bảng xếp hạng 49 đại học của nhóm chuyên gia độc lập.
Nguồn
Chiều 6/9, một nhóm chuyên gia độc lập công bố bảng xếp hạng cơ sở giáo dục Việt Nam năm học 2016-2017. Dựa trên dữ liệu thu thập được, 49 trường đại học được xếp hạng mang đến nhiều kết quả bất ngờ.
Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất với điểm tổng thể vượt xa đại học khác. Bốn vị trí tiếp theo lần lượt là Đại học Tôn Đức Thắng, Học viện Nông nghiệp, Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia TP HCM.
Rất nhiều trường trẻ đứng ở thứ hạng cao, như Tôn Đức Thắng thứ hai, Duy Tân thứ chín, trong khi nhiều đại học lâu đời, điểm chuẩn đầu vào cao, lại đứng giữa hoặc cuối bảng xếp hạng. Cụ thể, Y Hà Nội xếp thứ 20, Ngoại thương thứ 23, Kinh tế Quốc dân thứ 30, Học viện Tài chính thứ 40, Học viện Ngân hàng ở vị trí 47…
TS Lưu Quang Hưng công bố báo cáo xếp hạng đại học tổng thể đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh.
Nguyên tắc xếp hạng được nhóm chuyên gia áp dụng gồm phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế. Trong đó, ba tiêu chí xếp hạng là nghiên cứu khoa học (40%), giáo dục đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%).
TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia, chủ biên báo cáo xếp hạng cho biết, công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí quốc tế, chuyên ngành và có phản biện là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của cơ sở đại học. Tiêu chí này được các bảng xếp hạng uy tín thế giới như Times Higher Education, QS, ARWU sử dụng.
Với tiêu chí này, nhiều đại học thuộc khối kinh tế được dư luận xã hội đánh giá cao không nằm trong top đầu. Tuy nhiên, TS Hưng nhấn mạnh bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa tham khảo bởi có những tham số không thể định lượng được. Thứ hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng của cơ sở giáo dục.
Được xem là nhóm xây dựng bảng xếp hạng đại học tổng thể đầu tiên tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho biết gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổng hợp dữ liệu. Chẳng hạn, mô hình đại học tại Việt Nam không thống nhất, các trường chuyên ngành và đa ngành có nhiều khác biệt, thiếu số liệu, hoặc có số liệu nhưng không đáng tin cậy và không cập nhật.
Vì thế dù nghiên cứu hơn 100 đại học, nhóm chỉ đưa ra kết quả xếp hạng 49 trường được thu thập đầy đủ thông tin, với mong muốn đem lại tiếng nói độc lập, trung thực về bức tranh tổng thể của đại học Việt Nam hiện nay.
“Tương lai Việt Nam có thể có thêm nhiều bảng xếp hạng với các tiêu chí được lựa chọn hoàn toàn khác biệt. Đây là một phần mục đích của nhóm chúng tôi khi thực hiện nghiên cứu, nhằm thúc đẩy các tổ chức nghiên cứu xếp hạng, khiến các đại học trong nước đổi mới và nâng cao chất lượng, dần khẳng định mình không chỉ ở các bảng xếp hạng trong nước mà còn ở quốc tế”, TS Hưng nói.
Sáu thành viên chính tham gia dự án gồm: TS Lưu Quang Hưng (Melbourne, Australia); TS Nguyễn Ngọc Anh (DEPOCEN, Việt Nam); TS Giáp Văn Dương (GiapGroup, Việt Nam); TS Ngô Đức Thế (Đại học Manchester, Anh quốc); ThS Trần Thanh Thủy (DEPOCEN, Việt Nam) và ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (Đại học Sư phạm TPHCM, Việt Nam).
GS Trần Nam Bình (Đại học New South Wales, Australia), GS Lê Văn Cường (Đại học Paris 1, Pháp) đã cố vấn và góp ý để hoàn thiện báo cáo.
Video: Cô gái thoát khỏi địa ngục Triều Tiên kể lại cuộc chạy trốn kinh hoàng
Theo Vnexpress
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.