Thứ Ba, 13/10/2015 | 11:26

Tổn thương đa cơ quan, nhiễm trùng nặng tưởng chừng không vượt qua nổi do lupus, bé gái 9 tuổi của người lính đảo Trường Sa đã hồi phục sau hơn 3 tháng ròng rã điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tăng được hơn 5 kg sau 3 tháng xuất viện, vẻ rạng rỡ, lanh lẹ đã trở lại với cô bé Trần Thị Thúy Kiều. Được bố nghỉ phép đưa từ Cam Ranh, Khánh Hòa, vào tái khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 hôm 11/8, bé Kiều dạn dĩ vui đùa cùng các bệnh nhi xung quanh. Còn hơi gầy nhưng dáng điệu tươi tỉnh, ít ai nghĩ rằng cô bé 9 tuổi từng trải qua những tháng ngày kề cận cửa tử với những cơn đau quằn quại cùng tiên lượng rất xấu.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết lần tái khám này các xét nghiệm sơ bộ của bệnh nhi cho kết quả khá tốt. Bé đang chờ các xét nghiệm khác để có đánh giá đầy đủ trong vài ngày tới. 

Con gái lính đảo Trường Sa bị lupus ban đỏ hồi phục 'kỳ diệu'

Vẻ tươi tắn đã trở lại trên gương mặt cô bé 9 tuổi sau cuộc chiến chống bệnh Lupus. Ảnh: Lê Phương.

Theo bác sĩ Thúy, bệnh nhi nhập viện ngày 3/2 và xuất viện ngày 6/5. Cuộc chiến 3 tháng điều trị cho bé trải qua rất nhiều khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Khi được chuyển từ Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM sang Bệnh viện Nhi đồng 2 sau một năm điều trị, bệnh tình bé Kiều đã trở nặng, cơ thể suy kiệt nghiêm trọng cùng những cơn đau hành hạ. Bệnh lupus đã gây tổn thương thần kinh, thận, huyết học, tim, gan và kèm theo đó là viêm phổi nặng. Những trường hợp khác chỉ tổn thương vài tạng như thận, khớp còn bệnh nhi này đã tổn thương đa cơ quan nên việc điều trị khá phức tạp. Bé được theo dõi hơn 2 tháng liền trong phòng cấp cứu mới vượt qua giai đoạn nguy kịch. 

Sát cánh cùng quá trình sinh tử của bệnh nhi, các bác sĩ áp dụng những phương tiện điều trị tốt nhất mà bệnh viện hiện có. Các phác đồ điều trị trên thế giới, tại Việt Nam đều được đem ra nghiên cứu. Bé được dùng thuốc ức chế miễn dịch, kháng sinh và trải qua 3 lần thay huyết tương, truyền IVIG 2 đợt. Ngoài ra bé còn được truyền hồng cầu lắng, truyền kết tủa lạnh sau thay huyết tương.

Việc thay huyết tương giúp rửa sạch những kháng thể có trong máu gây bệnh lupus cho bé Kiều. Đây là một trong những ca bệnh nặng được điều trị thành công nhờ phương pháp này. Trước đây một số ca nặng tương tự đã điều trị thất bại vì đến viện trễ và các bác sĩ chưa có kinh nghiệm để mạnh dạn áp dụng. Hiện chưa có nhiều nơi áp dụng rộng rãi kỹ thuật thay huyết tương cho điều trị lupus, kể cả ở người lớn và trẻ con. 

Khi sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, đáng sợ nhất là nhiễm trùng. Bé có nhiều đợt nhiễm trùng rất nặng, cấy máu còn cho thấy nhiễm nấm men. Có những lúc bé sốt nặng tưởng không qua khỏi nhưng các bác sĩ vẫn kiên trì làm đúng theo phác đồ và cuối cùng đã cầm cự được”, bác sĩ Thúy chia sẻ.

Con gái lính đảo Trường Sa bị lupus ban đỏ hồi phục 'kỳ diệu'

Bé Kiều khi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng suy kiệt nặng trước đây. Ảnh: Lê Phương.

Theo bác sĩ Diễm Thúy, sự hồi phục của bé Kiều là “kỳ diệu”. Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn, thường gặp ở phụ nữ trẻ. Do bệnh dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác nên khi có tổn thương cơ quan nghi ngờ như khớp, máu, huyết học…, ít người nghĩ đến lupus để tầm soát. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay có thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát để hạn chế tái phát. Nếu khống chế tốt bệnh nhân vẫn có thể phát triển, sinh hoạt bình thường.

“Bệnh nhân phải chung sống hòa bình lâu dài với bệnh, nếu tái khám đúng lịch, uống thuốc đầy đủ, tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt chặt chẽ thì sẽ ổn định. Trường hợp bỏ thuốc, không đi tái khám thì bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại”, bác sĩ Thúy chia sẻ.

Trung úy Trần Thế Anh, công tác tại Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân, hơn 20 năm làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Trường Sa. Bé Kiều là con gái thứ 2 của anh. Sau 3 tháng xuất viện, vượt qua những hành hạ bệnh tật, bé đã tăng từ 16 lên 21 kg. Do năm ngoái nằm viện liên tục nên phải nghỉ học, năm nay bé sẽ xin vào học lại lớp 3. 

Lê Phương

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook