Khi sự việc xảy ra, Trinh khóc nhiều, mất ngủ, không ăn uống, dễ bị kích động. Sau một thời gian, cô gái này liên tục bị hoang tưởng, gặp ảo giác.
Điều trị tại khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Nguyễn Kiều Trinh (29 tuổi, ở Hà Nội) mang vẻ ngoài lầm lỳ, khó tiếp xúc.
PGS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, người trực tiếp điều trị cho biết bệnh nhân Trinh nhập viện trong trạng thái trầm cảm nặng, kèm theo hoang tưởng, ảo giác. Cô phát bệnh sau khi bị người yêu phản bội.
Khai thác từ gia đình bệnh nhân, bác sĩ cho biết Trinh là một cô gái xinh xắn và có công việc ổn định, thành công. Tình yêu với bạn trai hơn 4 tuổi khiến cô hạnh phúc. Đầu năm 2017, anh rủ cô góp vốn cùng làm ăn. Tin tưởng người yêu, cô gom góp tất cả số tiền mình có và vay mượn thêm, chuyển cho người yêu 700 triệu. Sau khi nhận được tiền, người đàn ông này đã tắt điện thoại, cắt đứt mọi liên lạc với cô.
Khi sự việc xảy ra, Trinh khóc nhiều, mất ngủ, không ăn uống, cô lập mình, dễ bị kích động,… Sau đó, bệnh phát triển nặng, cô gái này liên tục bị hoang tưởng, áo giác.
Nữ bệnh nhân đang điều trị tâm thần tại khoa Tâm thần – BV 103. Ảnh: Hà Quyên.
Theo PGS Đức, khi nhập viện, các bác sĩ xác định Trinh mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Khi đối diện với những tổn thương về tình cảm, sức khỏe, sự thất bại trong công danh, sự nghiệp, mất tiền bạc hoặc trải qua những thảm họa như động đất, khủng bố, con người sẽ đối diện với hai vấn đề về mặt tâm thần.
Đầu tiên là phản ứng stress cấp hoặc nhẹ hơn là rối loạn stress, ví dụ hội chứng sau chiến tranh, hội chứng sau ngày 11/9…. Việc bị thất tình, mất tiền cũng có thể gây ra các phản ứng stress này.
Tuy nhiên, ở khả năng thứ hai, những tổn thương, đau đớn, buồn bã, bi quan, thất vọng chỉ là cái cớ để bùng phát một bệnh khác tiềm tàng sẵn.
“Cơ thể, sức khỏe tinh thần bị giảm sút tạo điều kiện để một bệnh tiềm tàng sẵn phát ra. Sau chấn thương tâm lý ấy, một người có thể bị tâm thần phân liệt, trầm cảm hoặc rối loạn nhân cách. Khi đó, những câu chuyện thất tình hay đổ vỡ chỉ thoáng qua và sẽ qua đi, nhưng bệnh khác sẽ phát ra. Bệnh nhân cần được điều trị”, PGS Đức phân tích.
PGS Cao Tiến Đức. Ảnh: Hà Quyên.
Với trường hợp bệnh nhân Trinh, chuyên gia cho rằng ban đầu bệnh nhân bị stress do người yêu lừa gạt, sau đó, khi gặp hoang tưởng, ảo giác rầm rộ, bệnh nhân đã phát bệnh tâm thần phân liệt. “Thất tình là cái cớ để bệnh tâm thần phân liệt phát ra”, bác sĩ Đức thông tin.
Do đó, chúng ta cần phải phân biệt rõ nguyên nhân và hệ quả của bệnh. Vì vậy, các bác sĩ cần tìm hiểu kỹ, khai thác nhiều nguồn thông tin, từ đó phân tích, chẩn đoán chính xác bệnh và có phác đồ điều trị hiệu quả.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.