Gừng là gia vị quen thuộc với nhiều tác dụng mà gần như ai cũng biết. Nhưng chia sẻ này của chuyên gia Đông y sẽ khiến bạn ngạc nhiên vì sự hữu ích “vô bờ bến” của nó với sức khỏe.
Sau đây là những cách sử dụng gừng đơn giản để chữa bệnh, áp dụng chúng sẽ đỡ phải uống thuốc.
1. Đổ mồ hôi, thanh trừ cảm lạnh
Theo Đông y, gừng tính ôn, ấm áp, vị cay, có tác dụng làm tiết mồ hôi, giảm nhiệt độ, có hiệu quả cao trong việc chống nôn. Khi bị cảm gió do lạnh có thể dùng nước gừng tươi để giải trừ cảm vô cùng hiệu quả.
Vì thế mà có người chỉ cần vừa bị cảm, ngay lập tức sẽ nấu một bát nước gừng tươi, thêm ít củ hành hoa, nước và đường nâu đun lên uống. Bệnh cảm sẽ nhanh chóng khỏi mà không cần đi viện.
Vì có tính ấm, nên gừng còn được Đông y xem là “bạn thân” của người mắc bệnh đau dạ dày do lạnh. Khi bị nhiễm lạnh dẫn đến đau bụng, pha chút gừng tươi ấm để uống có thể giảm nhẹ triệu chứng. Người mắc bệnh dạ dày có thể uống nước này thường xuyên ở mức độ phù hợp sẽ có thể ổn định tình trạng bệnh.
Gừng, muối, giấm là bộ 3 chữa bệnh nên có trong Đông y (Ảnh minh họa)
2. Giảm ho tiêu đờm
Ho có thể được chia thành những nguyên nhân như do nóng hoặc lạnh. Nếu là do cảm lạnh mà ra, thì có thể xem là cơ thể đã bị nhiễm lạnh. Lúc này, triệu chứng sẽ là ho nặng dần lên, kèm theo ngứa họng, đau đầu hoặc các triệu chứng sốt.
Trong trường hợp này, gừng sẽ phát huy vai trò của nó, làm cho cơ thể ấm lên, đổ mồ hôi, từ đó bạn sẽ cảm thấy ho giảm, đờm giảm theo, đỡ đau họng và cải thiện tình hình nhanh chóng.
3. Thúc đẩy sự thèm ăn
Dân gian Trung Quốc lưu truyền câu tục ngữ nổi tiếng có ý rằng, chán cơm thì hãy ăn gừng. Mỗi lần cảm thấy không muốn ăn cơm, thì hãy ăn ngay vài ba lát gừng tươi hoặc có thể đập dập gừng, thái sợi cho vào món canh phù hợp, ăn vào sẽ thúc đẩy sự thèm ăn trở lại, làm tăng vị giác.
Ngoài ra, nhiều người còn ứng dụng cách băm nhỏ, phi thơm gừng tỏi để xào nấu một món ăn nào đó, hương thơm của gừng lẫn với tỏi sẽ kích thích khứu giác và vị giác, giúp bạn lấy lại cảm giác thèm ăn trở lại.
Uống nước gừng trước các bữa ăn cũng có thể cải thiện tình hình.
4. Làm giảm đau bụng kinh
Phụ nữ cơ thể yếu ớt thường dễ bị đau bụng kinh, đặc biệt là vào mùa lạnh hoặc khi cơ thể nhiễm lạnh. Theo Đông y, gừng có thể làm cơ thể ấm lên, giúp giảm chứng đau bụng kinh nhanh hơn. Gừng tươi và đường nâu là vị thuốc tuyệt vời nhất cho chị em. Hãy uống trước khi chu kỳ diễn ra 2-3 ngày.
Tuy nhiên đây chỉ là vị thuốc tốt dành cho người bị lạnh. Còn người có cơ địa nóng thì không nên sử dụng phương pháp này, hãy đến cơ sở y tế khi bạn cảm thấy quá đau.
5. Làm giảm viêm răng, viêm xương khớp
Khi bị viêm nha chu, chân răng sưng tấy do tác hại của cao răng tấn công, bạn có thể uống nước gừng để làm giảm đau trước khi nhờ tới sự can thiệp của bác sĩ.
Người bị viêm khớp là do nhiễm lạnh, để giảm đau có thể sao gừng nóng lên rồi quấn vào vùng khớp bị đau để cải thiện tình hình. Muốn tránh viêm khớp, bạn không nên để vùng này bị nhiễm lạnh, làm việc trong môi trường ẩm ướt dài ngày.
6. Ngâm chân: Giảm bệnh hôi chân, làm ấm lòng bàn chân
Hôi chân là do vi khuẩn tích tụ lại lâu khi đi giày kín, dùng 1 chút gừng, giấm và muối đun nóng rồi ngâm chân vào buổi tối, không chỉ giúp bạn xử lý tình trạng hôi chân mà còn có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ, giữ cho đôi chân luôn ấm áp.
Tuy nhiên người bị hôi chân quá nặng, đã bị vi khuẩn tấn công khiến cho vùng da bị viêm, lở loét, có vết thương hở thì không áp dụng phương pháp này.
7. Dùng gừng gội đầu để diệt khuẩn, giảm các bệnh trên da đầu
Nấu nước cho chút gừng tươi để gội đầu có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn bám trên da đầu, nhưng áp dụng bài thuốc này cần sự kiên nhẫn, thực hiện đều đặn cho đến khi tình hình cải thiện.
8. Ổn định và giảm huyết áp
Nói về những lợi ích của gừng, Giáo sư Vu Khang, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hiệp Hòa, Bắc Kinh (TQ) chia sẻ, trong thực tế, chúng ta có thể ứng dụng gừng nhiều hơn so với những gì đã biết trước đây. Ví dụ, vào mùa lạnh, người bị bệnh huyết áp, tim mạch rất dễ phát bệnh.
Cách tốt nhất là nên dùng gừng đun nước ngâm chân, thêm chút giấm và muối để ngâm khoảng 15 phút trước khi ngủ. Làm đều đặn việc này sẽ làm khí huyết lưu thông tốt hơn, giảm huyết áp và ổn định tình trạng bệnh.
9. Chống suy nhược thần kinh
Đối với những người bị suy nhược thần kinh, y học Trung Quốc khuyên rằng bạn nên uống bát nước gừng nóng khi bụng rỗng để làm ấm hệ tiêu hóa, bổ sung khí, làm mới các cơ quan bên trong cơ thể, cải thiện giấc ngủ, từ đó ổn định thần kinh.
Người bị loét miệng có thể sử dụng nước súc miệng bằng gừng nóng pha thêm chút muối khoảng 2-3 lần một ngày, tuân thủ lâu dài giúp giảm nhẹ các vết loét.
10. Điều trị đau vai thắt lưng
Nhiều người bị đau vùng vai hoặc vùng thắt lưng, có thể nấu hỗn hợp nước gừng pha với giấm và muối, dùng khăn mặt nhúng nước, vắt ráo rồi chườm nóng lên vùng bị đau mỏi. Cách làm này vừa đơn giản, vừa hiệu quả, mang lại cảm giác thư thái toàn thân.
11. Chống xơ vữa động mạch
Uống chút nước gừng tươi mỗi ngày trước khi đi ngủ có thể làm ấm cơ thể, thúc đẩy tuần hoàn máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Pha hỗn hợp gồm 3 lát gừng, 1 cây hành lá, phần gốc trắng, 2 tép tỏi, một chút hạt tiêu. Uống nước, bỏ bã.
Theo Giáo sư, bác sĩ Lý Kiện cho biết, mặc dù gừng rất tốt, có thể chữa được nhiều bệnh, trải dài khắp cơ thể từ đầu đến chân, nhưng chúng chỉ phù hợp với người bị lạnh. Còn khi bị nóng, nếu áp dụng phương pháp này sẽ khiến bệnh nặng hơn.
Vì vậy, khi có bệnh, bạn cần xem xét kỹ nguyên nhân mắc bệnh là do lạnh hay nóng, từ đó lựa chọn sử dụng gừng hay vị thảo dược khác. Người bị lạnh thường có triệu chứng sợ lạnh, chảy mũi, lưỡi họng rát nổi màu trắng.
Trong trường hợp bạn bị nóng gây ra bệnh với các triệu chứng như phát sốt, đai họng, chảy mũi vàng, đại tiện phân khô, đừng dùng gừng, mà hãy thử dùng trà hoa cúc, kim ngân hoa pha nước uống, hoặc ăn các món ăn giúp cơ thể mát hơn.
Người bị bệnh do nóng thì không nên dùng gừng, hãy dùng kim ngân hoa thay thế (Ảnh minh họa)
4 mẹo nên làm trước khi ngủ để sáng ra có ngay nếp tóc bồng bềnh ánh đẹp
Theo Health39
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.