Thứ Sáu, 17/06/2016 | 21:30

TS. Lê Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay sát nhập thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Trưởng Ban Vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch nhấn mạnh: thực phẩm bẩn đang trở thành mối nguy ngày càng tăng trong xã hội. Ăn gì, uống gì để đảm bảo vệ sinh đang là câu hỏi và nỗi lo lắng thường xuyên của tất cả mọi người dân. Do đó, để thoát khỏi vòng xoáy của thực phẩm bẩn, các nhà sản xuất chân chính cần liên kết lại với nhau và cần phải biết cách tự bảo vệ, cùng đứng về một phía để phát triển thị trường cho thực phẩm sạch.

Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn minh bạch
Quang cảnh Hội thảo “Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn minh bạch”

TS. Lê Thị Hồng Minh cho biết, thực phẩm an toàn cần minh bạch là yêu cầu của nhiều nước trên thế giới và hiện đang là yêu cầu bức xúc của người tiêu dùng Việt Nam. TS. Lê Hồng Minh dẫn chứng: khi người tiêu dùng mua thực phẩm mà biết chính xác nguồn gốc xuất sứ sản phẩm đó ở đâu thì sẽ rất yên tâm, bởi khi có sự cố xảy ra cơ quan chức năng sẽ dễ dễ dàng truy tìm “thủ phạm” làm ra thực phẩm đó để xử lý. Minh bạch trong sản xuất thực phẩm vừa liên quan đến vấn đề đạo đức, sự chính trực nhưng nội dung có liên quan trực tiếp đến các vấn đề kiến thức, kỹ thuật, khoa học. Bà Minh nhấn mạnh: “không một nền nông nghiệp nào có thể phát triển một cách bền vững nếu các nhà sản xuất không liên kết trên nền tảng tiêu chuẩn, chất lượng, phát triển thương hiệu và đáp ứng lợi ích người tiêu dùng”. Do đó, Liên Minh Nông nghiệp Việt Nam và Ban Vận động thành lập Liên minh Thực phẩm minh bạch đã tổ chức Hội thảo trao đổi chủ đề “Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn minh bạch” tại Hà Nội, ngày 15/6/2016 vừa qua. Việc các nhà sản xuất liên kết lại thông qua Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch không chỉ giúp giải quyết hiệu quả vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn giúp khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa nông nghiệp từng bước lên sản xuất lớn và nâng cao vị thế nhà sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh trên trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tại Hội thảo “Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn minh bạch”, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Bộ ủng hộ sáng kiến tổ chức Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch để chủ động liên kết các nhà sản xuất nhằm đưa ra thị trường thực phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn phục vụ người dân, phù hợp với xu thế quản lý an toàn thực phẩm thế giới, nhất là khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường thương mại thế giới.

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm 1.368 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 4/2016, đã xảy ra 09 vụ ngộ độc thực phẩm làm 375 người bị ngộ độc. Tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cuối của tháng 4, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 10 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, tăng từ 4 đến 5 lần so với thời gian trước đó. ThS. Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2015, tổng số cơ sở được kiểm tra an toàn thực phẩm là 500 nghìn cơ sở, xử lý vi phạm trên 30 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2016, gần 200 nghìn cơ sở được kiểm tra, các đơn vị vi phạm bị xử phạt 19 tỷ đồng. Ông Tuấn nhấn mạnh: thực phẩm bẩn đang trở thành vấn nạn gây bức xúc trong xã hội. Để giải quyết triệt để vấn đề này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cơ sở. Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những tháng gần đây, hoạt động thanh tra đã được tăng cường và hàng tuần đều có các vụ vi phạm bị xử phạt, công bố công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, nước ta với trên 10 triệu hộ nông dân sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo phương thức nhỏ, lẻ nên rất khó khăn trong kiểm soát. Vì vậy, để làm tốt công tác an toàn thực phẩm cần hệ thống quản lý thực phẩm theo chuỗi. Song song với việc đấu tranh với hành vi vi phạm gây mất an toàn thực phẩm, cũng cần nhanh chóng xây dựng thị trường thực phẩm sạch, an toàn.

TS. Lê Hồng Minh cho biết, đấu tranh chống thực phẩm bẩn, báo chí, truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng để thay đổi nhận thức của người kinh doanh và tiêu dùng. Phát huy trách nhiệm xã hội của người làm báo, nhiều phóng viên có những tin bài hay, thời sự , vừa lên án, phanh phui tổ chức, cá nhân vi phạm sản xuất kinh doanh liên quan đến an toàn thực phẩm. Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cũng đều có chung nhận định “Thông tin, giáo dục, truyền thông là hết sức cần thiết và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác an toàn thực phẩm”. Bà Minh mong rằng, các cơ quan báo chí, truyền thông bên cạnh việc tăng cương tuyên truyền khách quan, trung thực về an toàn thực phẩm, đấu tranh với hành vi vi phạm, cũng cần kịp thời phát hiện biểu dương những điền hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn, giúp người dân có được thông tin chính xác, thuận lợi trong việc lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm liên tục được đẩy mạnh; nhận thức của người dân với vấn đề an toàn thực phẩm đã được nâng lên; tỷ lệ nhóm đối tượng hiểu đúng về an toàn thực phẩm trong các cuộc điều tra đánh giá kiến thức, thái độ và thực hành an toàn thực phẩm cũng đã tăng lên đáng kể.

Bài, ảnh: Như Hiển

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook