Chủ Nhật, 07/08/2016 | 11:39

Đầu tháng 4/2016, ngay sau khi sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa xả thải đầu độc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành thu mua, lấy mẫu hải sản kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy có 4 loại cá được xác định là có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng bao gồm cá gai xồ, cá gai nhỏ, cá xước tre và cá mú. Điều đáng quan tâm là việc xử lý những lô cá nhiễm độc này có nhiều lỗ hổng khiến cá nhiễm kim loại nặng cadimi vẫn tuồn được ra thị trường.

Cá chết vùngmiền Trung.

Chính xác có bao nhiêu tấn cá nhiễm độc?

Sự cố môi trường biển xảy ra như cơn lốc khiến 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trở tay không kịp. Bên cạnh hải sản chết hàng loạt thì cá nhiễm độc được thu mua lưu trữ trong các kho đông lạnh “chờ lệnh” xử lý cũng nhiều.

Ông Trần Xuân Dâng- Phó giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: Tháng 4/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Y tế và các ban ngành lấy mẫu cá để xác định mức độ độc hại. Sau khi tiếp nhận các mẫu cá do Chi cục VSATTP tỉnh Hà Tĩnh gửi, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia xét nghiệm và trả kết quả tại công văn số 609, ngày 8/7/2016.

Theo đó, trong 5 mẫu gửi kiểm nghiệm có 3 mẫu hàm lượng cadimi vượt giới hạn cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT, nghĩa là cá nhiễm độc từ biển. Cụ thể, hàm lượng cadimi trong mẫu cá gai xồ là 0,29mg/kg; trong mẫu cá gai nhỏ là 0,084mg/kg và trong mẫu cá mú là 0,14mg/kg.

Căn cứ kết luận của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, ngày 11/7, Chi cục VSATTP Hà Tĩnh tiến hành niêm phong hơn 8 tấn cá tại 4 kho đông lạnh gồm: Kho Cty cổ phần XNK thủy sản Nam Hà Tĩnh (Kỳ Anh) hơn 1,44 tạ; kho HTX Thiên Phú, xã Thạch Kim (Lộc Hà) 1,1 tấn; HTX Hùng Mạnh, xã Thạch Kim niêm phong 6,7 tấn và kho đông lạnh Sang Liên, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên 1,1 tạ.

Hơn 8 tấn cá nhiễm độc đã được niêm phong thì đã rõ và đang được giữ nguyên trong các kho, nhưng điều đáng quan tâm là lượng cá nhiễm độc chính xác kể từ khi lấy mẫu kiểm nghiệm là bao nhiêu thì ông Phan Văn Hùng- Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Tĩnh chỉ trả lời: “Số cá khi lấy mẫu cũng trùng với cá đã niêm phong là hơn 8 tấn”.
Thực tế khảo sát của PV Đại Đoàn Kết lại khác với lời ông Hùng.

Khoảng 2 tấn cá nục, cá trích, bạc má đánh bắt trong 20 hải lý chưa được kiểm nghiệm VSATTP.

Vì sao cá nhiễm độc bị… vơi?

Nhắc lại, ngày 5/5/2016, Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm số cá này, nhưng phải đến 8/7/2016 Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia mới có văn bản trả lời.

Nhưng vấn đề đặt ra là khi lấy mẫu, mặc dù có nghi ngờ số cá này nhiễm độc nhưng Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh không tiến hành niêm phong mà chờ đến khi có kết quả mới loay hoay đi xác định lại khối lượng để niêm phong, khi đó mới “tá hỏa” là số cá nhiễm độc đã vơi đi khá nhiều.

Khi PV đặt câu hỏi liệu khi có kết quả thì lượng cá nhiễm độc đã bị tuồn đi tiêu thụ hay chưa? Ông Trần Xuân Dâng trả lời rằng: “Về nguyên tắc là phải niêm phong, nhưng không đủ kho để chứa và cũng không có kinh phí để thu gom toàn bộ số cá trên”.

Còn ông Phan Văn Hùng nói: “Chưa có kết quả kiểm định nên chưa thể niêm phong vì nếu như cá không độc hại thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và công việc làm ăn của dân”.

Ông Nguyễn Trường Sinh- Phó chi cục ATVSTP cũng khẳng định: “Thực tế chúng tôi không thể kiểm soát được số lượng này vì khi lấy mẫu chúng tôi không có quyền niêm phong”.

Bởi vì không niêm phong nên một lượng lớn cá nhiễm chất cadimi đã bán ra thị trường. Theo biên bản lấy mẫu của Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh ngày 7/6/2016 tại cơ sở đông lạnh Sang Liên, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) số lượng cá mu là 4 tấn.

Nhưng sau khi có kết quả kiểm nghiệm loại cá này nhiễm độc, ngày 11/7, chi cục này đến lập biên bản niêm phong thì số lượng cá mú chỉ còn 110 kg. Nghĩa là cá nhiễm độc đã “bốc hơi” gần 3 tấn!

Ngày 4/8, khi PV đến HTX Hùng Mạnh (xã Thạch Kim, Lộc Hà), chị Trần Thị Hoa, người thu mua hải sản của HTX này cho biết: Thực tế số lượng cá nhiễm độc trong biên bản ngày lấy mẫu và thực tế trong kho của HTX là hơn 9 tấn nhưng mới đây Chi cục ATVSTP về lập biên bản niêm phong là 6,7 tấn.

Tại khi đó tôi không ở nhà, họ hỏi con dâu tôi thì nó nói tầm 6-7 tấn, vì nó không biết. Tuy nhiên chị Hoa cũng khẳng định không phải do cá đã bán đi mà do con dâu không biết chính xác trong kho bao nhiêu mà chỉ nói áng chừng nên số lượng mới bị hụt như vậy…!?

Tại buổi giao ban báo chí tại Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh ngày 4/8, đại diện Sở Y tế Hà Tĩnh cũng thừa nhận: Việc xử lý, niêm phong, xử lý kết quả kiểm nghiệm của ngành y tế là hơi chậm, ngành xin nhận lỗi về việc này. Chậm từ Trung ương đến ngành.

Sau khi niêm phong số cá nhiễm độc, Sở Y tế Hà Tĩnh đã xin ý kiến UBND tỉnh về phương án tiêu hủy số cá nhiễm chất cadimi, theo đó UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Y tế chủ trì tiến hành tiêu hủy trước ngày 7/8. Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Dâng thì “ngành xin chậm vì ngành phải xem xét Công ty TNHH môi trường Phú Hà có đủ năng lực để xử lý số cá này không”.

Vị Phó giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, nếu Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh xác định Công ty Phú Hà có đủ điều kiện để tiêu hủy số cá nhiễm độc thì sẽ làm hợp đồng và phối hợp với Sở tài chính, Sở Nông nghiệp, Sở Công thương để xác định số lượng cụ thể và áp giá đền bù cho người dân và tiến hành tiêu hủy.

Theo Quyết định 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016, hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ thuộc thuộc các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận không bảo đảm an toàn buộc phải tiêu hủy thì được hỗ trợ không quá 70% giá trị. Ngoài ra các cơ sở còn được hỗ trợ thêm tiền điện trong quá trình tạm trữ hải sản.

Kết quả kiểm nghiệm cá nhiễm độc cadimi và biên bản cho thấy số lượng cá mú nhiễm độc tại cơ sở Sang Liên đã “bốc hơi” gần 3 tấn

Chuyển ra tỉnh ngoài… tiêu thụ

Hiện tại, Bộ TN-MT vẫn chưa công bố vùng biển an toàn để ngư dân yên tâm đánh bắt, tuy nhiên hải sản vùng lộng vẫn được ngư dân khai thác. Trong khi thị trường thủy hải sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh dường như đang “đóng băng”, để tiêu thụ được hải sản đánh bắt về, ngư dân ở đây đã đưa ra các tỉnh phía Bắc để bán. Điều đáng quan ngại là lượng cá này không được cơ quan chức năng kiểm tra xem có nhiễm độc hay không.

Ông Trần Văn Toàn, chủ cơ sở đông lạnh Toàn Tứ, thôn Xuân Phượng (Thạch Kim) cho biết: “Cá tươi chúng tôi thu mua dưới tàu thuyền lên không kiểm nghiệm VSATTP gì cả, cũng không có cơ quan chức năng nào đến hỏi han gì. Vài tháng nay bình quân mỗi ngày tôi xuất bán 1 – 2 tấn cá ra các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa. Cá nhiễm độc hay không chúng tôi không biết nhưng cá này chủ yếu đánh ở vùng biển Cửa Sót, trong phạm vi 20 hải lý. Nói thật bây giờ cá bán ra ngoài Bắc chứ bán trong tỉnh không ai mua cả”.

Cũng theo ông Toàn, sau khi xảy ra hiện tượng cá chết có một số đoàn đến lấy mẫu cá đông lạnh trong kho của gia đình ông đi kiểm nghiệm cho kết quả an toàn. Tuy nhiên, lo ngại cá bị nhiễm độc nên cứ nói đến cá đông lạnh bạn hàng từ chối ngay. Họ bảo chỉ thu mua cá tươi như cá nục, cá trích, bạc má.

Ông Toàn cũng cho hay, sau thời điểm cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm hồi tháng 4, cơ sở của ông bỏ ra gần 4 tỷ đồng thu mua thêm gần 100 tấn cá bảo quản tại kho. Trong suốt 3 tháng qua cơ sở không bán được tấn cá đông lạnh nào, trong khi đó mỗi tháng phải chi trả 10 – 12 triệu đồng tiền điện, dẫn đến khó khăn chồng chất.

Như vậy, việc kiểm soát thủy hải sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn nhiều lỗ hổng rất lớn, từ những lỗ hổng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần có những biện pháp tích cực trong quản lý thủy hải sản trên địa bàn để người dân yên tâm.

Hạnh Nguyên

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook