Thứ Năm, 23/06/2016 | 16:17

Là nước nhiệt đới, có lượng mưa nhiều, Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với các dịch, bệnh truyền nhiễm trong đó có sốt xuất huyết. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về đặc điểm dịch tễ của sốt xuất huyết và các biện pháp phòng chống căn bệnh này…

Chủ động phòng chống, điều trị sốt xuất huyết
PGS. TS. Nguyễn Văn Kính

* Phóng viên: Xin ông cho biết đặc điểm dịch tễ của bệnh sốt xuất huyết?

PGS. TS. Nguyễn Văn Kính: Cho đến thời điểm này, thế giới vẫn chưa có vắc xin và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với sốt xuất huyết Dengue nên ở trên phạm vi toàn cầu bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm đặc biệt ở những nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Nước ta có lượng mưa lớn và điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để muỗi Ades aegypty hay còn gọi là muỗi vằn sinh sôi, phát triển; góp phần khiến chu kỳ dịch sốt xuất huyết có sự thay đổi bởi. Thực tế cho thấy, một lượng nước rất nhỏ cũng đủ cơ hội cho muỗi Ades aegypty đẻ trứng. Muỗi Ades aegypty chỉ đẻ trứng vào nước sạch đặc biệt nước mưa cho nên thậm chí, lá khô của cây rụng xuống và có lưu một chút nước mưa.

Trong 10 năm trở lại đây, sốt xuất huyết lưu hành quanh năm ở Việt Nam vì thời tiết nóng lên, trước đây chủ yếu ở phía Nam thì nay lan sang cả phía Bắc; trước đây sốt xuất huyết chủ yếu ở trẻ em nay ở cả người lớn bởi những năm trở lại đây thời tiết nóng hơn, người dân thường mặc ít quần áo, ngủ không mắc màn đã khiến muỗi vằn đốt nên sốt xuất huyết xảy ra ở cả trẻ con và người lớn. Bộ Y tế đã có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rất sát với thực tế Việt Nam cho nên hầu hết cơ sở y tế các tuyến đều có thể xử lý kịp thời những ca bệnh từ nhẹ đến nặng. Chỉ có ca nặng rất mới, ca có dấu hiệu cảnh báo đi vào sốc và tiền sốc thì mới chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

* Phóng viên: Vậy thưa ông, chúng ta cần làm gì để phòng chống bệnh sốt xuất huyết?

PGS. TS. Nguyễn Văn Kính: Chúng ta hoàn toàn có thể phòng chống được sốt xuất huyết mặc dù chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bởi vì chúng ta biết rằng con đường lây truyền chủ yếu vẫn là muỗi Ades aegypty hay còn là muỗi vằn đốt người mang bệnh rồi truyền cho người chưa mắc bệnh. Khẩu hiệu ngăn chặn sốt xuất huyết lây lan ra cộng đồng là: Không có lăng quang, không có bọ gậy và muỗi, không có sốt xuất huyết. Vậy thì điều quan trọng nhất là không để có vật truyền bệnh bởi vậy cách dự phòng tốt nhất hiện nay là kết hợp nhiều biện pháp giữa phòng bệnh cá nhân với phòng bệnh ở cộng đồng và các biện pháp y tế. Trước hết, về phòng bệnh cá nhân thì cơ bản là chúng ta cần tránh được muỗi đốt và như vậy có nhiều biện pháp để tránh muỗi đốt như đốt hương trừ muỗi, xoa dung dịch hóa chất trên da để chống muỗi đốt, đi ủng khi vào chỗ có bùn bẩn, bụi rậm đặc biệt che da hở, đừng để cho da hở đã tạo thời cơ cho muỗi đốt; hay nói cách khác là tránh muỗi đốt bằng mọi cách. Đối với cộng đồng, điều cơ bản là xóa bỏ nơi muỗi Ades aegypty có thể đẻ trứng, mà tôi nhấn mạnh là con muỗi này đẻ trứng vào chỗ nước sạch. Người dân đừng để chỗ chứa nước sạch, đặc biệt là nước mưa tạo thành cơ hội dù chỉ là một chút nước nhỏ thôi đã đủ cơ hội cho muỗi Ades aegypty đẻ trứng vào đó rồi. Cho nên chúng ta phải cố gắng triệt hạ nơi muỗi đẻ trứng vào, không có nước thì muỗi không đẻ trứng vào, không có trứng thì không thể nào có lăng quăng được và con lăng quang là nhiều thế nên chúng ta thực hiện các biện pháp y tế, ở đây là phun thuốc chống muỗi thì chỉ có thể diệt được muỗi trưởng thành nhưng muỗi trưởng thành diệt hết được thì trong năm ngày sau con lăng quăng có hàng trăm, hàng vạn con lại nở ra thành muỗi rồi cho nên cái chính là diệt lăng quăng; kết hợp của cộng đồng là tiêu diệt lăng quăng theo cách: không có cơ hội cho muỗi vằn đẻ trứng và phối hợp với y tế: ở đây là tuyên truyền giáo dục cộng với phun thuốc trừ muỗi.

* Phóng viên: Công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương như thế nào, thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Văn Kính: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bệnh viện tuyến 3 tức là tuyến cuối cho nên chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân nặng mà các tuyến dưới chuyển lên hoặc người dân ở xung quanh Hà Nội mắc bệnh nặng. Chúng tôi luôn sẵn sàng chuẩn bị đủ nhân lực, vật lực và trang thiết bị để tiếp nhận điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết. Các bệnh nhân vào viện đều được chúng tôi xếp giường, cố gắng không để nằm ghép. Chúng tôi hoàn toàn có thể sắp xếp đủ chỗ cho bệnh nhân nằm và điều trị, kể cả trong trường hợp có một lượng lớn bệnh nhân nhập viện. Thực sự, bệnh nhân được được điều trị sẽ khỏi rất nhanh, trong khoảng ba, bốn ngày là có thể ra viện được nên người bệnh hoàn toàn yên tâm, không nằm ghép đồng thời được điều trị chính xác. Lãnh đạo Bệnh viện và các bác sỹ, điều dưỡng có nhận thức đúng về nghề y và luôn nỗ lực, tận tụy, chăm sóc người bệnh chu đáo.

* Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Bài, ảnh: T.D

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook