Thứ Năm, 05/05/2016 | 08:01

Không chỉ là vấn nạn, thực phẩm bẩn phải được coi là quốc nạn khi nó đang len lỏi vào từng ngóc ngách, từ bữa cơm của người tiêu dùng. Thực phẩm bẩn còn xâm lấn cả các siêu thị lớn gây hoang mang cho người dân – giới chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý đã nhận định như vậy tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn” do VCCI tổ chức sáng 4/5, tại Hà Nội.

Chống thực phẩm bẩn: Mới kiểm soát phần ngọn

Thực phẩm bẩn len lỏi vào bữa cơm của mỗi gia đình
khiến người dân hoang mang, lo lắng. (Ảnh: Hoàng Long).

Thực phẩm bẩn đe dọa tính mạng người dân

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Lê Đức Thịnh – Cục Phó cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nêu thực tế: Vấn nạn thực phẩm bẩn đang khiến toàn xã hội hoang mang. “Chúng ta đang chứng kiến cảnh người tiêu dùng bước chân ra chợ là mang theo dụng cụ thử thực phẩm, nhà nhà trang bị máy khử độc ozone… Điều đó cho thấy, người tiêu dùng đã không còn tin tưởng vào nhiều sản phẩm hàng hóa được bày bán trên thị trường”. Theo TS. Thịnh, Bộ NN&PTNT đã vào cuộc tuyên chiến với thực phẩm bẩn từ rất sớm, chính Bộ trưởng Cao Đức Phát đã khẳng định rằng: “Sản xuất ra sản phẩm độc hại là một tội ác”.

Và thực sự đó là một tội ác khi mà nó đang đe dọa tính mạng của hàng triệu người dân Việt Nam. Theo dự đoán của các nhà khoa học, đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát sinh thêm 200 ngàn ca ung thư mới, 30% số ca ung thư đó do thực phẩm bẩn gây nên.

Theo ông Lê Văn Hưng, Chuyên gia cao cấp – Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, đây thực sự là vấn đề đáng báo động, bởi nó không chỉ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng trong nước mà nó còn tác động đến uy tín của Việt Nam khi đưa hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Trong nhiều năm qua, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đã trả lại Việt Nam nhiều lô hàng xuất khẩu vì hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm. “Rõ ràng vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của các DN sản xuất mà còn làm xấu hình ảnh của Việt Nam” – ông Hưng nhận định.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị Hà Nội, cần phải coi thực phẩm bẩn là quốc nạn, bởi hiện nay thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ, ở những gánh hàng rong mà nó đã len lỏi vào cả các siêu thị uy tín – nơi mà rất đông người tiêu dùng gửi gắm niềm tin. Người dân bây giờ đi ra chợ giống như lạc và “ma trận” hàng hóa, họ không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch.

Ông Phú cho rằng, chúng ta cứ hô hào “Mỗi người tiêu dùng Việt Nam phải là người tiêu dùng thông thái, nhưng làm sao mà thông thái được khi bản thân mỗi chúng ta không thể phân biệt được đâu là quả táo sạch, đâu là quả táo ngâm hóa chất?”. Nêu lên vấn đề này, ông Phú cho rằng, lỗi chính ở đây thuộc về nhà quản lý.

Chống thực phẩm bẩn: Mới kiểm soát phần ngọn

Thực phẩm bẩn đang tấn công người tiêu dùng. (Ảnh: Hoàng Long).

Nhà quản lý ở đâu?

Trả lời câu hỏi: Tại sao trong vấn nạn này, nhà quản lý đã và đang vào cuộc với nhiều động thái, nhưng càng làm lại càng gia tăng, thực phẩm bẩn vẫn tràn lan trên thị trường? Vị Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, lý do là bởi cách làm của nhà quản lý hiện nay chưa khoa học. “Tại sao việc kiểm soát không được thực hiện ở khâu sản xuất mà lại kiểm soát ở khâu bán lẻ là chính? Có nghĩa là, cơ quan quản lý đang kiểm soát phần ngọn, còn gốc thì để hổng” – ông Phú đánh giá và cho rằng, theo quyết định 27/CP năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, người sản xuất những mặt hàng thiết yếu phải chịu trách nhiệm đến cùng chất lượng và giá cả khi đến tay người tiêu dùng. Nhưng thực tế, chúng ta chưa bao giờ làm được điều này. Việc kiểm soát, quy trách nhiệm vẫn không đến đâu. Ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng cũng không khẳng định được… “Nếu chúng ta vẫn làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay thì đến 10 năm nữa, thực phẩm của chúng ta “bẩn vẫn hoàn bẩn”. Và cuối cùng, chỉ người tiêu dùng “lãnh đủ”. Bởi vậy, theo ông Phú, vấn đề quan trọng hiện nay là nhà quản lý cần phải thiết lập lại được kỷ luật thị trường, kỷ luật trong chuỗi cung ứng một cách nghiêm khắc. Phải làm sao để người sản xuất, nhà phân phối tự nhận thức được rằng, làm ra sản phẩm sạch không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn bảo vệ chính uy tín, thương hiệu của họ.

Đứng ở góc độ là DN sản xuất, kinh doanh, ông Vũ Doãn Duy – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hà Nội Food cho rằng, nhà quản lý coi việc sản xuất ra thực phẩm bẩn như mội tội ác song, không thấy có động thái gì để ngăn chặn triệt để tội ác đó. Để hạn chế mối nguy về thực phẩm bẩn, ông Duy cho rằng, các DN cần phải liên kết với nhau tạo thành chuỗi cung ứng và xây dựng “luật chơi” trong chuỗi đó. “Hiện đã có nhiều DN lớn như Vingroup có thể tự xây dựng hệ sinh thái sản xuất, tạo ra chuỗi khép kín. Ở Việt Nam, phần lớn là các DN nhỏ và vừa nên các DN cần phải có sự liên kết, để tạo thành những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm, mới hạn chế được vấn nạn này” – ông Duy nêu quan điểm.

Đánh thức lương tâmnhà sản xuất

“Chúng ta đã có khung pháp lý để quản lý vấn đề an toàn thực phẩm, tất nhiên là không tuyệt đối nhưng cũng là giải pháp tốt cho người tiêu dùng. Chúng ta đã có các khung hình phạt nhưng không thể triệt tiêu được tận gốc vấn đề. Tôi nghĩ không thể có một cái máy để có thể kiểm soát hết được tất cả những sản phẩm từ A-Z. Quan trọng là người sản xuất, doanh nghiệp chế biến, người kinh doanh cần phải nghĩ đến sức khỏe của người tiêu dùng cũng như chính bản thân họ, con cái họ. Và để làm được điều này, điều quan trọng là chúng ta phải nâng cao khoa học kỹ thuật, đánh thức lương tâm của người chế biến sản xuất, phải xem lại phương pháp, cách thức giáo dục, truyền thông để nâng cao ý thức của mỗi người dân”.

Duy Phương

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook