Bệnh loãng xương diễn biến âm thầm, không có triệu chứng gì đặc biệt, cho nên rất khó phát hiện. Thường chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã nặng hoặc có biến chứng gãy xương. Đặc biệt, không nhiều người biết trong khẩu phần mỗi bữa ăn hàng ngày của người Việt rất thiếu canxi – một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh loãng xương.
Loãng xương thường gặp ở người 60 tuổi trở lên, trong đó, nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn nam. Theo thống kê ở châu Âu cứ 30 giây có 4 trường hợp gãy xương. Còn ở Việt Nam mỗi năm có 2,5 triệu người bị loãng xương, 150.000 trường hợp gãy xương do loãng xương, nữ giới chiếm đến 76%.
Có lẽ loãng xương là bệnh rất ít người để ý, thậm chí chủ quan và thờ ơ khi nói về bệnh này. Qua 4 cuộc tổng điều tra về thực trạng dinh dưỡng của người Việt Nam do Viện dinh dưỡng tiến hành cho thấy trong 25 năm qua, khẩu phần ăn chứa canxi của người Việt Nam vẫn không thay đổi với 500mg/người/ngày, chỉ đáp ứng nhu cầu từ 57-64% nhu cầu canxi của mỗi người trong một ngày. Nhiều phụ nữ được hỏi đều cho rằng, không mấy khi để ý xem bữa ăn hàng ngày có thành phần canxi hay không.
Ngoài nguyên nhân thiếu canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày, theo các bác sĩ ở Viện Dinh dưỡng, do những năm gần đây nhu cầu sử dụng nước ngọt có ga tăng mạnh, việc sử dụng nước ngọt có ga hằng ngày cũng ảnh hưởng đến đào thải canxi, vì loại nước này làm cho canxi trong khẩu phần ăn không được hấp thụ. Thêm vào đó, thói quen ăn mặn của người Việt cũng làm ảnh hưởng đến việc hấp thụ giá trị khẩu phần ăn chứa canxi.
Theo Tiến sỹ Trương Hồng Sơn – Viện Dinh dưỡng, loãng xương gây ra bởi sự mất khối lượng xương của cơ thể dẫn đến tình trạng xương yếu hơn bình thường. Với sự yếu đi này, những người bị loãng xương có nguy cơ bị gãy xương khi bị ngã. Việc thiếu canxi kéo dài sẽ làm cho cơ thể bị rối loạn khoáng hóa tại xương, thậm chí có trường hợp còn bị co cứng cơ, co giật các cơ…
Theo các chuyên gia, từ khoảng 30 tuổi, khối lượng xương ở cả nam và nữ giới đều bắt đầu giảm. Đặc biệt, ở nữ giới giảm nhanh sau khi mãn kinh. Vì vậy, mỗi người cần có chế độ ăn uống hợp lý và lối sống phù hợp cùng với đó luyện tập thể thao đều đặn để quá trình này có thể giảm chậm hơn. |
Những diễn biến âm thầm
Bệnh loãng xương thường diễn biến âm thầm, với các triệu chứng như Đau xương: Đau nhức các đầu xương, đau nhức mỏi dọc các xương dài, đau nhức như châm chích toàn thân, đau tăng về đêm. Đau cột sống: Đau thắt ngang cột sống hoặc lan sang một hoặc hai bên mạn sườn. Đau cột sống thường kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống, giật cơ khi thay đổi tư thế. Triệu chứng toàn thân thường gặp là cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, hay bị chuột rút, thường ra mồ hôi.
Thường loãng xương chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã nặng hoặc có biến chứng gãy xương. Lúc này việc điều trị chủ yếu là điều trị biến chứng và điều trị hậu quả do loãng xương gây ra, việc điều trị cũng chỉ góp phần làm giảm sự phát triển của bệnh. Bởi vậy, hiểu biết về bệnh loãng xương từ đó có các biện pháp dự phòng loãng xương là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó phát hiện và điều trị sớm cũng có tác dụng làm giảm biến chứng của loãng xương.
Cũng theo các chuyên gia, từ khoảng 30 tuổi, khối lượng xương ở cả nam và nữ giới đều bắt đầu giảm. Đặc biệt, ở nữ giới giảm nhanh sau khi mãn kinh. Vì vậy, mỗi người cần có chế độ ăn uống hợp lý và lối sống phù hợp cùng với đó luyện tập thể thao đều đặn để quá trình này có thể giảm chậm hơn.
Ngoài ra, người có tuổi cần đặc biệt quan tâm đến các thành phần khoáng chất trong đó có canxi trong khẩu phần ăn vì ở người có tuổi khả năng ăn uống và hấp thu các chất dinh dưỡng và khoáng chất đều bị hạn chế. Chính vì vậy sữa là một loại thức ăn lý tưởng để cung cấp cả canxi và protid cho người có tuổi. Lượng sữa cần thiết mỗi ngày từ 500 đến 1.000 ml (có thể là sữa tươi, sữa chua hoặc sữa pha từ sữa bột).
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.