Những chuẩn bị cho một ngày mới đến trường của cậu bé Lê Công Đạt-học sinh lớp 11B4, Trường Phổ thông Trung học Lê Lợi, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vào buổi sớm của ngày 12/4/2016 có một sự khác biệt là Đạt ăn sáng ở nhà với ba, mẹ. Lý do rất cần kíp là sáng nay Đạt sẽ cùng học sinh lớp 11, lớp 12 của Trường Phổ thông trung học Lê Lợi sẽ bắt đầu được tiêm vaccine sởi-rubella tại trường theo thông báo của Nhà trường và cơ quan y tế. Khi tiết học thứ hai vừa kết thúc, Đạt cùng các bạn trong lớp ùa tới hội trường để được tiêm chủng theo hướng dẫn của cô giáo phụ trách y tế học đường và cán bộ, nhân viên của Trạm Y tế phường Đông Lễ và Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà. Những ái ngại, lo lắng bởi cảm giác và ý nghĩ sợ đau khi tiêm của Đạt và các bạn đã nhanh chóng được thay thế bằng rất nhiều nụ cười hồn nhiên, vui mừng sau những mũi tiêm an toàn.
Để nhận được từ học sinh lớp 11 và lớp 12 nụ cười tươi vui sau mỗi mũi tiêm vaccine sởi-rubella, từ tháng 3/2016, 9 trung tâm y tế huyện, thị, thành phố và 141 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã triển khai các hoạt động chuyên môn của chiến dịch Tiêm vaccine sởi-rubella cho nhóm đối tượng từ 16 đến 17 tuổi theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Sau hội nghị phổ biến, hội thảo triển khai chiến dịch và tập huấn kỹ năng của Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các đơn vị y tế cơ sở trong toàn tỉnh đã tổ chức điều tra và lập danh sách đối tượng cần được tiêm vaccine sởi-rubella theo từng lớp các học sinh đang học lớp 11, lớp 12 và cả những học sinh lớp 11, lớp 12 tại các trường nhưng ngoài độ tuổi sinh từ ngày 1/1/1998 đến ngày 31/12/1999 đồng thời lập danh sách đối tượng 16-17 tuổi không đi học sẽ được tiêm vaccine sởi-rubella tại cộng đồng. Học sinh Lê Công Đạt cho biết: “Ba, mẹ của em đã được cô giáo và cán bộ y tế nói về tác dụng của tiêm vaccine sởi-rubella khi nhận giấy mời mấy ngày trước. Trên giấy mời cũng in rõ các câu hỏi là em có tiêm vaccine sởi-rubella trong một tháng gần đây và có dị ứng sau khi tiêm không, em có đang bị bệnh hay bị sốt và dị tật bẩm sinh không… để ba, mẹ và em trả lời cụ thể. Lúc nãy khám, bác sỹ bảo sức khỏe của em đủ điều kiện để tiêm nên em vừa được tiêm vaccine và em tin là sau này mình sẽ không bị mắc bệnh sởi, bệnh rubella”. Về phía nhà trường, Ban Giám hiệu và cán bộ phụ trách y tế học đường của Trường Phổ thông Trung học Lê Lợi đã lên lịch lên lịch tiêm phù hợp, lồng ghép tuyên truyền về việc tiêm vaccine phòng bệnh sởi-rubella trong giờ chào cờ và nhắc nhở học sinh ăn trước khi tiêm. Bác sỹ Tô Quỳnh Loan-Trưởng Trạm Y tế phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà nói: “Đợt tiêm vaccine sởi-rubella này được Ban Giám hiệu Trường Phổ thông trung học Lê Lợi rất quan tâm, tạo điều kiện rất thuận lợi. Kế hoạch của Trung tâm Y tế hôm nay tiêm 5 lớp thì được Nhà trường bố trí học sinh đến tiêm đúng giờ đồng thời cử giáo viên, cán bộ y tế học đường tham gia và hỗ trợ cán bộ y tế, nhân viên tiêm chủng. Điểm tiêm chủng được bố trí tại hội trường rất sạch sẽ, thoáng mát và theo nguyên tắc điểm tiêm một chiều với bàn đón tiếp, bàn khám và tư vấn, bàn tiêm, bàn ghi chép sổ sách, phòng theo dõi sau tiêm và có đủ nước uống, nước sạch, bàn, ghế, quạt mát,… Và sự hợp tác tốt của nhà trường sẽ giúp chúng tôi thực hiện tốt kế hoạch tiêm vaccine sởi-rubella cho 824 học sinh lớp 11, lớp 12 của trường hiện nay”.
Cũng trong hai ngày 11 và 12/4/2016, một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như huyện Hướng Hóa, huyện Vĩnh Linh đã triển khai tiêm vaccine sởi-rubella cho đối tượng từ 16 đến 17 tuổi. Theo danh sách dự kiến, đối tượng từ 16 đến 17 tuổi ở huyện Vĩnh Linh là 2.580 người, huyện Hướng Hóa là 4.120 người, thành phố Đông Hà là 3.600 người. Với sự chỉ đạo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các đơn vị tổ chức triển khai tiêm vaccine sởi-rubella cho đối tượng từ 16 đến 17 tuổi phù hợp điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đặc biệt, quá trình triển khai chiến dịch của các địa phương ở miền núi có biên giới với nước bạn Lào như huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông thì bên cạnh đội ngũ cán bộ trạm y tế và nhân viên y tế thôn, bản, cộng tác viên dân số, các trưởng thôn và trưởng bản, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên còn có sự tham gia của Hội Cựu chiến binh, Bộ đội Biên phòng. Thực hiện kế hoạch, Trung tâm y tế các địa phương nhận vaccine và vật tư, dụng cụ tiêm chủng theo nhu cầu thực tế đã đăng ký từ 1 đến 3 ngày trước khi triển khai tiêm; tiếp nhận, bảo quản tốt vaccine, dung môi và vật tư tiêm chủng; tiến hành tư vấn tiêm vaccine sởi-rubella đúng quy định của Bộ Y tế; tổ chức tiêm tối đa cho 50 đối tượng/1 buổi tiêm chủng tại mỗi bàn tiêm; khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng, tiêm đúng liều lượng và đường tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng; chuẩn bị hộp an toàn, hộp cấp cứu chống sốc ở mỗi điểm tiêm chủng cố định tại trạm y tế, điểm tiêm chủng lưu động tại trường học và ngoài cộng đồng; ghi chép đầy đủ, chính xác thông tin về đối tượng được tiêm chủng; cấp giấy xác nhận đã tiêm vaccine sởi-rubella đúng với mỗi đối tượng và đầy đủ với tất cả đối tượng đã được tiêm,…
Mỗi một và toàn bộ hoạt động trong suốt quá trình tổ chức triển khai tiêm vaccine sởi-rubella cho đối tượng từ 16 đến 17 tuổi trong phạm vi toàn tỉnh Quảng Trị đều được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp Trung tâm y tế các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới mục tiêu trên 90% đối tượng từ 16 đến 17 tuổi của tỉnh được tiêm vaccine sởi-rubella trong chiến dịch, đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng, giảm tỷ lệ mắc bệnh sởi và hội chứng rubella bẩm sinh, góp phần cùng cả nước thực hiện loại trừ bệnh sởi và bệnh rubella trong thời gian tới.
Nguyễn Bội Nhiên
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.