Quà tặng chính thức Việt Nam gửi đến lãnh đạo 21 nền kinh tế tham dự Hội nghị cấp cao APEC là tuyệt tác chén ngọc nạm vàng, thành quả từ một giấc mơ được ấp ủ một thập kỷ.
Dồn tất cả tình yêu, hoài bão và cả kiến thức của một đời, ông Lý Ngọc Minh – Giám đốc Công ty Minh Long 1 trở thành tổng công trình sư của bộ sản phẩm phục vụ APEC 2017. Từng công đoạn thiết kế, sáng tạo họa tiết, làm khuôn, vẽ màu đều do chính ông giám sát và yêu cầu chỉnh sửa hàng trăm lần, cho đến khi sản phẩm đạt chuẩn cao nhất mới thôi.
Và lần đầu tiên, Minh Long dùng đến hơn 200 công nhân để nguồn nguyên liệu quý giá tinh tuyển từ hơn 10 quốc gia được thổi hồn qua lửa, dát vàng, làm nên chén ngọc – món quà trang trọng cho các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.
Điểm nhấn trong bộ sản phẩm của Minh Long phục vụ APEC 2017 là chiếc cúp quà tặng với tên gọi vô cùng mỹ miều: chén ngọc APEC.
Ý tưởng cho chiếc cúp là sự học hỏi văn hóa phương Tây, họ nhân cách hóa chiếc ly sử dụng hàng ngày để làm quà tặng thì ông Lý Ngọc Minh – Tổng giám đốc Minh Long I, dùng chiếc chén ăn thân quen để làm biểu tượng cho món quà gửi tặng các lãnh đạo cấp cao.
Còn về tên gọi, chiếc chén hay còn được gọi là bát, theo như tra cứu của ông Lý Ngọc Minh thì sau khi du nhập vào miền Nam, chúa Nguyễn dùng chiếc bát để dùng trong cung đình với tên gọi là chén. Như vậy, danh xưng này bao hàm ý nghĩa quyền quý nhưng vẫn đảm bảo mộc mạc, thân tình và đậm bản sắc phương Đông – đủ để đặt tên cho món quà tầm quốc gia.
Chén ngọc APEC có trọng lượng 2,6 kg, cao 39,5 cm và ngang 26 cm, bao gồm thân chén, nắp, núm sen, 3 linh vật, chân đế.
Các đường nét họa tiết đều được nhấn nhá bởi vàng 24k nhập từ hãng Heraeus (với hơn 260 năm kinh nghiệm) của Đức, nổi bật trên nền tông vàng nhạt, phối kết cùng màu xanh cobalt sang trọng, quyền quý mà vẫn trang nhã, nhẹ nhàng.
Kiểu dáng mô phỏng lu mái vú của miền quê Nam Bộ và những chiếc nón lá, hội tụ nét đẹp Á đông mà vẫn sang trọng với tinh thần quốc tế.
Thân chén: Kỹ thuật phối màu ở 2 bức tranh sen nhìn qua tưởng đơn giản nhưng khi ngắm kỹ mới hiểu hết được sự đầu tư của nhà chế tác. Khung cảnh vàng làm nổi bật những cánh sen xanh bung thắm đầy kỳ công được sáng tạo và điều chỉnh đến chục lần.
Nắp chén: Phần nắp đậy có họa tiết rồng – vương và bông sen cách điệu – hậu, phía trên là bông sen cách điệu, 2 bên là chòm hoa dương xỉ nở bung kiêu hãnh, mang thông điệp về sự phát triển đỉnh cao, liên tục của đất nước.
3 linh vật: Phía dưới thân cúp được cẩm bởi 3 linh vật là hình tượng rồng Việt. Thông thường, các chiếc cúp khác chỉ có 2 linh vật để chầu. Còn chén ngọc APEC được nâng bởi 3 linh vật đầu rồng mỏ phượng thời Lý – Trần.
Nhận xét về chi tiết 3 linh vật đầu rồng mỏphượng thời Lý – Trần cõng Chén ngọc lên cao, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Những linh vật này có thể lạ lẫm với một số người, nhưng là sự tích hợp giữa những yếu tố rất truyền thống của rồng, của phượng, gắn liền với cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Tôi cho rằng đây là chế tác hoàn toàn xứng đáng được chọn để dành tặng các nguyên thủ”.
Điểm đặc biệt của sản phẩm này là sự hội tụ kỹ thuật cao nhất của ngành sứ thế giới vì với sản phẩm nhiều chi tiết, thông thường phải được dán keo, bắt ốc; nhưng Minh Long đã có thể nung liền khối ở 1.380 độ C – nhiệt độ cao nhất trong kỹ thuật chế tác đồ sứ hiện nay của thế giới.Mỗi phần đều được chế tác riêng đầy tỉ mỉ, trau chuốt và trải qua 30 công đoạn mới có thể hoàn thành. Riêng công đoạn nung đã bao gồm 5 lần nung.
Nung ở nhiệt độ cao rất khó vì dễ sinh ra biến dạng, hình dáng sản phẩm bị nghiêng. Thêm nữa, trọng lượng nặng đè lên khiến bệ đỡ bên dưới là các phần cánh rồng bị méo mó. Áp lực của sự biến dạng vì co rút cũng là một trong những nỗi lo của nhà chế tác.
Tổng quan về chiếc Chén ngọc, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: “Quà tặng cấp nhà nước phải là sản phẩm thể hiện được chính quốc gia đó, với trình độ phát triển gắn với giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chén ngọc APEC là sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng chứa đựng được những yếu tố truyền thống của văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt là của gốm sứ dân tộc, dù hòa nhập với phong cách của thế giới nhưng vẫn giữ được sắc thái riêng”.
Để có một công trình cho APEC, công ty Minh Long đã mất 10 năm ấp ủ ý tưởng cho đến khi hoàn thành.
Năm 2006, ông Lý Ngọc Minh dự bữa tiệc cấp quốc gia cùng nhiều nhân vật nổi tiếng. Khi nhìn thấy sự không đồng bộ của bộ bàn ăn làm giảm bớt tính trang trọng cho bữa tiệc, ông đã ấp ủ kế hoạch tạo nên một bộ bàn ăn hoàn chỉnh, phù hợp với bữa tiệc quốc gia.
Xuất phát điểm của hành trình là công đoạn phác thảo, tạo hình. Nhắm đến văn hóa Việt Nam, chủ đề được chọn chính là đóa hoa sen. Loài hoa này được ca ngợi bởi vẻ đẹp thánh thiện từ trong sử sách cho đến giáo lý nhà Phật, quốc hoa của đất nước. Tuy vậy, đóa sen phải được cách điệu để thể hiện rõ tính cao quý của cung đình. Từ đó các đòi hỏi về hội họa, mỹ thuật, bố cục phải đạt đến đẳng cấp cao nhất.
Loài sen bình dị được chọn kết hợp cùng hoạt tiết dương xỉ – loài cây có mặt từ rất sớm trong lịch sử, mang ý nghĩa bất biến với thời gian. Nhưng điểm đặc biệt nhất là trên bộ chén này là Minh Long đã nghệ thuật hóa thành công đóa hoa dương xỉ. Loài cây sinh sản vô tính nhưng vẫn có hoa bởi nó chứa đựng thông điệp của sự nối dõi, luôn luôn có thế hệ kế tiếp sự nghiệp của ông cha.
Một biểu tượng khác đầy ý nghĩa trong bộ chén là linh vật với thân rồng, mỏ phượng cánh tiên. Lấy ý tưởng từ con rồng ở Hoàng Thành Thăng Long, linh vật trên chén ngọc APEC được cải biến ở nhiều chi tiết để thể hiện được tinh thần một dân tộc “con rồng cháu tiên”.
Các họa tiết quá rườm rà, rối rắm bị lược bỏ đi, định hình lại phần đầu cho rõ hình thù của chiếc sừng, miệng, mắt. Thân rồng được họa lại cứng cáp, phần cánh cũng được tỉa cho mềm mại và đẹp hơn. Những bộ phận khác được chỉnh sửa tạo nét cân đối, rõ ràng, nghệ thuật hơn.
Khi ý tưởng đã thành hình, Minh Long lại mất đến một năm ròng để thiết kế hình họa 3D. Các họa tiết dù theo lối cung đình nhưng không rườm rà, kiểu cách mà thể hiện tinh thần quốc tế, hiện đại. Sản phẩm sử dụng tông vàng nhạt phối kết cùng màu xanh cobalt để làm nên sự sang trọng, quyền quý mà vẫn trang nhã, nhẹ nhàng.
Kế tiếp là giai đoạn sản xuất sản phẩm mẫu để đánh giá và hiệu chỉnh. Suốt nửa năm, xưởng Minh Long liên tục đỏ lửa, mỗi sản phẩm đều được nghiên cứu kỹ càng, trải qua hàng chục cuộc kiểm định khác nhau để mỗi chi tiết đều hoàn hảo nhất.
Để có đầy đủ sản phẩm phục vụ sự kiện đối ngoại quan trọng nhất năm, hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ kỹ thuật cùng các nghệ nhân giàu kinh nghiệm của Minh Long đã dành thêm 4 tháng nữa để chăm chút, dõi theo từng sản phẩm ra lò. Dù là vật dụng nhỏ nhất như đồ gác đũa, giắt khăn vẫn đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật.
“Tôi không biết nhà nước có cho mình làm bộ đồ ăn nếu APEC được tổ chức tại Việt Nam nữa hay không, nhưng ở thời điểm đó (từ sau APEC 2006), tôi đã hình dung bộ đồ ăn trong đầu. Đồ sứ là một sứ giả quảng bá truyền thống, văn hóa của một đất nước rất tuyệt vời, nên tôi nghĩ, nếu có APEC tại Việt Nam nữa, mình nhất định phải làm cho bằng được” – tổng công trình sư Lý Ngọc Minh tự hào chia sẻ.
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.