Dù tài năng không được sử dụng đúng chỗ nhưng bất kỳ ai khi nói về hacker này đều phải công nhận rằng gã thực sự giỏi.
Năm 2002, một thông báo kỳ lạ xuất hiện trên màn hình máy tính của quân đội Mỹ: “Hệ thống an ninh của quân đội Mỹ có quá nhiều sai lầm. Tôi là Solo. Tôi sẽ tiếp tục phá hoại ở mức cao nhất”. Về sau, bức thư được xác định là của Gary McKinnon, hacker được đánh giá là nguy hiểm nhất trên thế giới.
Tài năng đặt nhầm chỗ
Gary McKinnon sinh ngày 10/2/1966 tại Glasgow (Scotland) vốn là kỹ thuật viên máy tính tự do ở Anh.
Tài năng nhưng McKinnon không có việc làm chính thức vì không muốn theo chỉ đạo của người khác. Bản tính tò mò, ưa khám phá ngay từ khi còn nhỏ, gã sử dụng phần lớn thời gian để thử thách các hệ thống máy tính được bảo mật nghiêm ngặt nhất.
Muc tiêu nào càng “khó nhằn”, McKinnon lại càng tỏ ra hứng thú. Hệ thống máy tính của Lầu Năm Góc và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chính là những chướng ngại vật như vậy.
Gary McKinnon từng là nỗi ám ảnh của NASA cũng như quân đội Mỹ.
Theo các báo cáo điều tra, trong thời gian 13 tháng từ tháng 2/2001 đến tháng 3/2002, McKinnon với nickname “Solo” đã đột nhập vào 97 máy tính của quân đội Mỹ và NASA. Gã dùng phần mềm điều khiển từ xa để khiến máy tính vận hành theo ý muốn, xóa sạch các tập tin quan trọng, khiến các máy tính nhiễm virus.
Ngoài ra, hacker này còn từng đánh sập hoàn toàn hệ thống gồm 2000 máy tính toàn thủ đô Washington trong vòng 24 giờ.
Theo chính phủ Mỹ, hacker này đã gây ra tổn thất ước tính lên tới 700 ngàn USD khi phá hủy những hệ thống kiểm soát các tên lửa và dữ liệu quan trọng, trong lúc tìm kiếm các thông tin về năng lượng và UFO. Đây được coi là ‘vụ tấn công hệ thống máy tính quân sự lớn nhất lịch sử’, do một người duy nhất thực hiện.
Là một tin tặc thông minh và rất cẩn thận, giới chức trách đã gặp rất nhiều khó khăn để lần ra tung tích kẻ phá hoại nguy hiểm này. Tuy nhiên, trong một lần sơ sẩy khi tính sai múi giờ, hắn đột nhập và dùng phần mềm điều khiển từ xa trên một máy tính đúng lúc chủ nhân của nó đang ngồi trước màn hình. Sai lầm này khiến hành tung của McKinnon bắt đầu bị bại lộ.
Hacker mắc bệnh tự kỷ
Sau khi bị bắt, McKinnon biện hộ rằng mình không có ý phá hoại mà chỉ muốn chứng minh rằng hệ thống máy tính của quân đội Mỹ và NASA vẫn còn nhiều kẽ hở. Ngoài ra, gã còn muốn xem tài liệu mật của Mỹ về vật thể bay không xác định.
Theo luật pháp Mỹ, một khi bị kết tội, McKinnon có thể phải ngồi tù 70 năm. Như vậy, gã có khả năng phải ngồi bóc lịch sau song sắt trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời. Không chỉ có vậy, nhiều thông tin cho rằng gã sẽ bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo ở Cuba, “ngôi nhà thứ hai” của những tội phạm khủng bố nguy hiểm.
McKinnon mắc hội chứng rối loạn về sự phát triển Asperger, một dạng bệnh tự kỷ trầm trọng.
Tuy nhiên, động thái này rốt cuộc bị vô hiệu hóa năm 2012 sau nhiều năm tố tụng kéo dài, khi các chuyên gia y tế tuyên bố rằng, McKinnon mắc hội chứng rối loạn về sự phát triển Asperger, một dạng bệnh tự kỷ trầm trọng.
Các triệu chứng của hội chứng Asperger rất phù hợp với các hành động của Gary: đó là rất thông minh và có hiểu biết đặc biệt về các hệ thống phức tạp. Mặc dù chứng bệnh này khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong một số giao tiếp xã hội, nhưng họ lại có xu hướng là thiên tài trong một lĩnh vực nào đó. Và đối với McKinnon, đó là máy tính.
Tháng 11/2012, McKinnon được thông báo rằng sẽ không phải chịu sự cáo buộc nào và có thể sử dụng máy tính trở lại dù trước đó bị cấm.
Hiện tại, hacker này đang làm chủ công ty Small SEO, chuyên can thiệp vào các trang web để nâng cao kết quả tìm kiếm lên vị trí cao hơn trên các công cụ tìm kiếm.
Hacker là thuật ngữ để nói về những người vô cùng giỏi trong công nghệ máy tính, đặc biệt là về bảo mật. Tuy nhiên, không ít người trong số họ sử dụng tài năng của mình để làm những điều phi pháp. Lịch sử thế giới đã nhiều lần chứng kiến những thảm họa mà “hacker mũ đen” gây ra, từ những vụ trộm tiền với số lượng khổng lồ tới các thông tin mật bị đánh cắp rồi rao bán…
Video: Cao thủ bấm máy tính nhanh chóng mặt
Theo: Dân Việt
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.