Ngày khai giảng đầu tiên, cô giáo Thompson đứng trước mặt các học sinh lớp 5 của mình và nói dối một câu. Cô nhìn học sinh một cách trìu mến và nói rằng cô sẽ yêu thương mỗi em nhiều như nhau. Nhưng dường như điều này là không thể...
Bởi vì, ngồi ở hàng ghế đầu tiên có một học sinh nam tên là Teddy Stoddard. Cô phát hiện rằng Teddy luôn tách biệt mình khỏi các bạn trong lớp. Cậu bé lúc nào cũng ăn mặc nhếch nhác, quần áo lấm lem bụi bẩn, người cũng không sạch sẽ, hơn nữa lại thường xuyên bị các bạn học chế giễu. Hơn nữa, cô Thompson lại rất hay dùng bút đỏ gạch chéo lên bài thi của Teddy.
Không lâu sau, nhà trường yêu cầu các giáo viên rà soát lại quá trình học tập của học sinh trong những năm học trước. Cô Thompson đã xem kết quả học tập của Teddy sau cùng. Nhưng sau khi xem bảng nhận xét quá trình học tập qua từng năm, cô đã vô cùng kinh hãi.
Năm lớp 1, thầy chủ nhiệm của Teddy viết: “Teddy là một đứa bé thông minh, gương mặt luôn nở nụ cười. Bài tập ghi rất sạch sẽ, rất có lễ phép, cậu bé mang đến niềm vui cho mọi người xung quanh”.
Năm lớp 2, thầy giáo viết: “Teddy là một học sinh ưu tú, luôn được bạn bè yêu mến, nhưng cậu bé lại buồn rầu bởi căn bệnh ung thư của mẹ đã đến giai đoạn cuối, cuộc sống gia đình cũng vô cùng khó khăn”.
Năm lớp 3, thầy giáo viết: “Mẹ qua đời là một bi kịch rất lớn đối với Teddy. Cậu bé muốn cố gắng nhưng cha lại không có ý thức trách nhiệm, nếu không áp dụng biện pháp nào đó thì chuyện gia đình sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi đối với Teddy”.
Năm lớp 4, thầy giáo viết: “Tính tình của Teddy rất quái gở, không có hứng thú với học tập. Cậu bé không có người bạn nào và hay ngủ trên lớp”.
Đọc đến đây, cô Thompson bất chợt ý thức được hành vi của mình mà cảm thấy xấu hổ.
Đến lễ Giáng Sinh năm đó, khi các em học sinh tặng quà, cô Thompson càng cảm thấy xấu hổ hơn nữa. Quà của các em khác đều được bọc trong giấy lụa sặc sỡ, bên trên còn có dải ruy băng thắt nơ xinh xắn, duy chỉ có gói quà của Teddy là không như vậy.
Món quà của cậu bé bọc trong loại giấy rất dày và thô ráp, có lẽ đó là giấy tận dụng từ chiếc túi tạp hóa. Cô Thompson phải rất khó khăn mới mở được món quà. Đó là một chiếc vòng tay bằng đá thủy tinh đã mất một viên và một lọ nước hoa chỉ còn 1/4 lọ. Các em học sinh khác trong lớp nhìn thấy liền bật cười nhưng cô vội ngăn lại. Không những thế, cô còn khen chiếc vòng tay thật đẹp và liền đeo vào tay của mình, rồi cô thoa lên cổ tay chút nước hoa mà Teddy mang tặng.
Sau buổi học hôm đó, Teddy Stoddard cứ nấn ná ở lại cuối cùng để nói với cô giáo một câu: “Cô Thompson, mùi hương trên người cô hôm nay giống mẹ con trước kia lắm!” Sau khi các học sinh ra về hết, cô đã khóc hàng giờ liền.
Cũng từ ngày đó trở đi, cô Thompson không hề nghiên cứu cách dạy đọc, viết văn, làm phép toán, mà cô đặt tâm vào việc làm thế nào để dạy bảo các em nhỏ. Cô bắt đầu quan tâm Teddy một cách đặc biệt, cả cô và trò cùng học, Teddy đã thể hiện ra sự thông minh vốn có, suy nghĩ linh hoạt và bắt đầu có hứng thú với việc học tập. Mỗi khi được cô Thompson động viên khích lệ, phản ứng của Teddy càng nhanh hơn.
Đến cuối năm, Teddy đã trở thành học sinh thông minh nhất lớp, cho dù cô đã từng nói sẽ yêu thương các học sinh đều như nhau, nhưng không biết từ lúc nào Teddy đã trở thành “học trò cưng” của cô. Một năm sau, cô Thompson phát hiện một mảnh giấy ở khe cửa nhà mình. Dòng chữ trên đó là của Teddy, cậu bé viết rằng, cô là cô giáo tuyệt vời nhất mà cả đời cậu bé gặp được. 6 năm sau, cô lại nhận được một lá thư khác của Teddy. Cậu bé giờ đã tốt nghiệp trung học, thành tích xếp hạng đứng thứ 3 trong lớp và cô vẫn là cô giáo tuyệt vời nhất mà cậu bé từng gặp.
Nhiều năm sau, cô Thompson nhận được một phong thư, lần này Teddy kể rằng sau khi tốt nghiệp đại học, cậu quyết định ở lại trường để đào tạo chuyên sâu. Cậu còn nói cô Thompson vẫn là cô giáo tuyệt vời nhất mà cả đời cậu gặp được. Cuối thư là chữ ký Tiến sĩ y khoa Teddy F. Stoddard.
Mùa xuân năm đó, Teddy lại gửi một phong thư kể rằng mình sắp kết hôn, không biết cô Thompson có thể tham dự lễ cưới của cậu không? Và cô sẽ ngồi ở chiếc ghế dành cho mẹ của chú rể.
Và đương nhiên là cô Thompson đã đi dự. Cô đeo chiếc vòng tay thủy tinh, xịn lọ nước hoa mẹ Teddy đã từng dùng. Khi cô trò gặp lại nhau, Tiến sĩ Teddy Stoddard ôm chầm lấy cô giáo và nghẹn ngào: “Cảm ơn cô Thompson nhiều, cảm ơn cô đã cho con biết rằng mình còn có giá trị”.
Đôi mắt ngấn lệ, cô Thompson thì thầm: “Teddy, con đã lầm rồi, là con đã dạy cô, mãi đến khi gặp con cô mới biết làm cô giáo là như thế nào”.
Hy vọng câu chuyện trên đây sẽ truyền cảm hứng đến tất cả những người làm nghề giáo. Trong câu chuyện xưa về giáo dục này, chúng ta đã tìm thấy được một phương thức giáo dục vô cùng hữu hiệu, đó là xem lại quá trình học tập của các em qua lời nhận xét của giáo viên. Nhìn lại quá trình giảng dạy của một nhà giáo ưu tú, điều khiến chúng ta ngưỡng mộ hơn không chỉ bởi khả năng truyền thụ kiến thức mà còn bởi tấm lòng yêu mến học trò của vô điều kiện của thầy cô, dùng hành động thực tế để khích lệ học trò cố gắng vươn lên.
Có người nói rằng, chúng ta thường vì người xa lạ và quyên tiền giúp đỡ nhưng lại quên trợ giúp người ngay bên cạnh mình. Còn cô Thompson đã trực tiếp giúp đỡ những học trò thân yêu của mình, hành động này mới thật sự đem đến cho mỗi người thầy và trò cảm nhận nguồn năng lượng thuần chính. Đối với mỗi học trò, cô giáo nên quan tâm và yêu thương các em nhiều hơn bởi em học sinh nào cũng cần điều đó.
Video: Cô giáo là người mẹ thứ hai của chúng ta
San San (TH)
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.