Thứ Tư, 25/05/2016 | 14:01

Ngày 24/5, Bộ Y tế tổ chức hội thảo về vấn đề chuyển giới theo tinh thần của Luật Dân sự (sửa đổi) cho phép công dân được chuyển đổi giới tính. “Đây là dịp các nhà thực thi chính sách cũng như các cơ quan chức năng có thể cụ thể hoá bộ luật nói trên và tiến tới bàn thảo xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính”, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết.

Cần xây dựng Luật Chuyển giới

GS Viviane Namaste phát biểu tại hội thảo.

Theo một kết quả nghiên cứu mang tên “Có bao nhiêu người là người đồng tính, song tính và chuyển giới” do Gary Gate chủ biên (Học viện Williams, UCLA, 2011), được Trung tâm ICS công bố tại hội thảo, ở Mỹ, cộng đồng chuyển giới chiếm đến 0,3% dân số. Nếu đưa tỷ lệ này áp dụng tại Việt Nam thì với hơn 91,3 triệu dân nước ta, nước ta hiện có đến 270.000 người chuyển giới mà 4/5 trong số đó có nhu cầu phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Theo GS Viviane Namaste, nếu việc phẫu thuật chuyển giới này được hợp pháp hoá và thực hiện thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những người chuyển giới trong sinh hoạt cộng đồng như dịch vụ khám chữa bệnh, làm giấy tờ tuỳ thân… Vậy, làm thế nào chúng ta có thể hỗ trợ cho họ những dịch vụ nói trên cũng như phá bỏ được những rào cản kỳ thị và hành chính, nhất là đối với những người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa?

Tại cuộc hội thảo này, TS Nguyễn Huy Quang cũng đặt ra nhiều vấn đề rất cấp bách mà chúng ta phải quan tâm. Phẫu thuật là chuyên ngành y tế rất hẹp và không phải có nhiều người có thể am hiểu, thành thạo kỹ thuật này. Làm thế nào để có thể hỗ trợ người chuyển giới phẫu thuật chuyển đối giới tính cũng như được chăm sóc sức khoẻ như người khác… Những người chuyển giới sẽ được kết hôn ra sao trong khi Nhà nước tuy công nhận quyền được chuyển giới nhưng chưa chấp nhận cho những người được cho là cùng giới kết hôn với nhau?

Đến từ khoa Y dược, ĐHQG Hà Nội, bác sĩ Phẫu thuật tạo hình Bạch Sĩ Minh, người đã từng tham gia phẫu thuật 3 ca chuyển giới tại Lào, đóng góp ý kiến: “Đối với người chuyển giới, quan trọng nhất là trong não họ nghĩ mình là ai, cũng như xu hướng tình dục muốn dành cho ai, nam hay nữ”. Theo bác sĩ Minh, việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ có phần dễ dàng hơn, tuy nhiên hay gặp các vấn đề hẹp niệu đạo hoặc hay bị viêm nhiễm. Trong việc phẫu thuật từ nữ sang nam, rất khó có thể đem lại cảm xúc thật cho họ sau này khi quan hệ tình dục.

Đến dự hội thảo còn có nhiều người chuyển giới. Họ mang theo nhiều tâm sự. Đó không chỉ là những khó khăn trong việc tìm việc, học hành, khám chữa bệnh mà họ bị không ít người còn đem việc chuyển giới của họ ra để đàm tiếu, đánh giá, bình phẩm về phẩm chất cũng như chất lượng công việc. Họ mong muốn sớm có được cơ hội phẫu thuật chuyển giới trong nước. Được như vậy, chi phí sẽ giảm rất nhiều. Bởi một cuộc phẫu thuật tại Thái Lan hay Lào, chi phí có thể sẽ lên đến hàng trăm triệu đồng, trong khi đó, tại Việt Nam, số này chỉ ở vào khoảng vài chục triệu đồng.

Chuyển giới đã thực sự là một nhu cầu có thực và đang được pháp luật nước ta thừa nhận quyền này. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải đặt ra phải giải quyết để quyền này được thực thi trong cuộc sống, theo TS Nguyễn Huy Quang. Nếu không được chuyển giới, họ sẽ không được sống với cảm xúc thật của chính mình. Nếu không được phẫu thuật trong nước mà phải ra chuyển giới nước ngoài ngoài sẽ rất tốn kém. Về nước nếu không thay đổi quan niệm cũng như những định kiến trong xã hội cũng như trọng giới y khoa, họ sẽ không được chăm sóc sức khỏe một cách bình thường như mọi người, không được tạo điều kiện làm giấy tờ tuỳ thân…

Tất cả những khó khăn này đang đẩy người chuyển giới vào tình thế hết sức thương tâm trong khi họ đang phải chấp nhận những rủi ro, nguy cơ tuổi thọ của họ có thể giảm đến 20 năm do hóc môn đem lại “Chỉ có thể được giải quyết khi ta có Luật chuyển giới” – TS Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.

Trần Ngọc Kha

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook