Trong khi Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định biển miền Trung đã an toàn thì Cục An toàn thực phẩm lại cho rằng chưa thể đưa ra khuyến cáo về an toàn hải sản 4 tỉnh miền Trung? Xung quanh vấn đề này, PV báo Đại Đoàn Kết có cuộc phỏng vấn bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế.
PV: Thưa bà, có gì mâu thuẫn giữa kết luận của Bộ Tài nguyên Môi trường với ý kiến nhận định của Bộ Y tế mà cụ thể là với Cục ATTP về mức độ an toàn biển cũng như hải sản 4 tỉnh ở miền Trung hiện nay?
Bà Trần Việt Nga: Việc kết luận cá biển ăn được hay không cần có thời gian bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Chỉ cần có 1 mẫu cá thu thập được kiểm tra mà không an toàn, thì khả năng cá biển ô nhiễm gây hại cho sức khỏe con người vẫn còn. Vì vậy, phải cần có thêm thời gian để giám sát, xét nghiệm các mẫu cá. Chỉ đến khi các mẫu cá đều an toàn, các chỉ số nằm trong giới hạn cho phép mới công bố cá biển miền Trung đã ăn được.
Hiện những địa điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố có thể nuôi cá lồng bè trở lại, cá sống được trong môi trường nước biển an toàn đó thì có nghĩa là về cơ bản có thể khai thác cá ở những nơi đó. Tuy nhiên, Bộ Y tế thấy vẫn cần thận trọng, sẽ phải giám sát thêm để có kết luận chính xác nhất về việc liệu cá ở những nơi đó có thể ăn được hay không. Các kết quả kiểm nghiệm này sẽ được Hội đồng khoa học của Bộ Y tế đánh giá và dự kiến sẽ công bố chính thức vào đầu tháng 9 tới.
Nhưng thưa bà, mới đây, ngày 22/8 vừa qua, Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia thuộc Cục ATTP vừa mới có một kết quả kiểm nghiệm 9 mẫu thủy hải sản, được lấy bởi Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Tĩnh vào ngày 5/8 tại Kỳ Anh và Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy nhiều mẫu hải sản chưa đủ độ an toàn. Bà nghĩ sao về bản kết quả này?
– Tôi xin nhấn mạnh là thông tin mà Bộ Y tế công bố chỉ có 1/18 mẫu cá được xét nghiệm là không đạt về chỉ tiêu kim loại nặng, là kết quả xét nghiệm được thực hiện đến ngày 19/8, trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thông tin nước biển miền Trung an toàn vào ngày 22/8.
Về chỉ số Phenol và Cyunua hiện nay không có nước nào trên thế giới có quy định về ngưỡng giới hạn. Hai chỉ số này chỉ là để so sánh với chỉ số ô nhiễm môi trường trong suốt thời gian trong và sau khi xảy ra sự cố xả thải của Formosa.
Tháng 5/2016, Bộ Y tế đã từng công bố lấy 140 mẫu nước ăn, rau ăn và hải sản ở vùng biển bị ảnh hưởng kết quả xét nghiệm đều nằm trong ngưỡng an toàn. Đến nay lại công bố kết quả trên 420 mẫu hải sản tươi được lấy trong 2 tháng 5,6, cùng thời gian lấy 140 mẫu kể trên, thì tỷ lệ ô nhiễm kim loại rất cao. Bà có thể giải thích rõ hơn thông tin này không?
– Tôi xin khẳng định lại 420 mẫu là tổng số mẫu hải sản tươi sống được lấy trong khoảng thời gian từ khi sự cố môi trường xảy ra đến thời điểm công bố (tức là từ cuối tháng 4 đến ngày 19/8/2016). Ngoài các mẫu hải sản tươi sống, Bộ Y tế còn lấy mẫu đối với: hải sản chết, muối biển, nước biển, nước ăn, rau… ở các địa phương xảy ra sự cố.
Công bố của Bộ Y tế tháng 5/2016 là kết quả kiểm nghiệm 140 mẫu được lấy và kiểm nghiệm đến thời điểm đó, bao gồm nước ăn, rau ăn và một số hải sản tươi sống tại các vùng bị ảnh hưởng chứ không phải toàn bộ 140 mẫu là hải sản tươi sống nên xin khẳng định lại là: không có sự bất nhất trong kết quả kiểm nghiệm hải sản ở miền Trung.
Vậy đối với thủy hải sản đánh bắt về được lưu giữ tại các kho lạnh thì sao, thưa bà?
– Liên quan đến lượng hải sản đông lạnh được trữ trong các kho lạnh tại 4 tỉnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chỉ đạo phân loại hải sản đánh bắt trước và trong thời điểm xảy ra sự cố môi trường và gửi danh sách các lô cần xét nghiệm để ngành y tế lấy mẫu, kiểm nghiệm.
Đối với hải sản đánh bắt trong thời gian xảy ra sự số hoặc để lẫn lộn không phân định được thời gian đánh bắt thì cần tiêu hủy toàn bộ, không được phép bán ra thị trường. Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo người dân không được sử dụng những sản phẩm thủy hải sản chết và hải sản đông lạnh không rõ thời gian đánh bắt để làm thực phẩm.
Trân trọng cảm ơn bà!
Ngọc Minh (thực hiện)
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.