Đánh giá kết quả 05 năm triển khai thực hiện Quyết định 2166/QĐ-BYT của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn từ 2011-2015 và Kế hoạch hành động phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong những năm qua, y, dược cổ truyền đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Thành công này có được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo và chủ trương khuyến khích phát triển y học cổ truyển của Đảng, Nhà nước, cùng với những nỗ lực của các cán bộ y tế hoạt động trong lĩnh vực y, dược cổ truyền. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và sự mong đợi, vì vậy, giai đoàn 2016-2020, các nhà quản lý, phát triển y, dược cổ truyền cần đề ra những giải pháp mang tính đột phá để phát triển y, dược cổ truyền tương xứng với tiềm năng của nó.
Những kết quả nổi bật trong phát triển y, dược cổ truyền giai đoạn 2011-2015
Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành; Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu để thực hiện có hiệu quả công tác phát triển y, dược cổ truyền trong chiến lược, chương trình, đề án, chính sách chung của ngành Y tế và 07 nhiệm vụ chủ yếu trong Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền đến năm 2020. Giai đoạn 2011-2015, công tác phát triển y, dược cổ truyền đã đạt được một số kết quả nổi bật như: thành lập được Cục Quản lý y, dược cổ truyền; mạng lưới quản lý nhà nước; mạng lưới quản lý Nhà nước về y, dược cổ truyền được củng cố và hoàn thiện. Số bệnh viện y học cổ truyền (YHCT) tăng từ 53 bệnh viện năm 2010 lên 58 bệnh viện năm 2015; các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ở các tuyến thành lập khoa hoặc tổ YHCT đạt tỷ lệ 92,7%, đã góp phấn tích cực trong công tác giảm tải bệnh viện; tỷ lệ khám bệnh YHCT, kết hợp YHCT và y học hiện đại tăng 6,2% ở tuyến huyện so với năm 2010, giúp cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; cơ bản xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực y, dược cổ truyền…
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện kế hoạch hành động của Chính phủ về phá triển y, dược cổ truyền đến năm 2020, giai đoạn 2011-2015 vẫn còn những khó khăn như: chưa có chính sách ưu tiên phát triển công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; nhiều cấp chính quyền, cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của y dược cổ truyền, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển nền y dược cổ truyền trong chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương với UBND các địa phương và giữa các ban ngành của địa phương trong việc triển khai kế hoạch phát triển y dược cổ truyền chưa cao…
Cần những giải pháp đột phá
Khơi gợi những giải pháp phát triển y, dược cổ truyền giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, y, dược cổ truyền cần có những giải pháp mang tính đột phá để có sự phát triển tương xứng năng lực đáp ứng của nền YHCT Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để làm được điều này cần chú trọng đến các yếu tố: xây dựng hệ thống chính sách; phát triển con người, nguồn dược liệu và cơ sở điều trị. Trong các yếu tố này, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển y, dược cổ truyền. Bộ trưởng dẫn chứng, tại Trung Quốc, 40% số lượng khám chữa bệnh là do YHCT và số lượng cán bộ y tế thuộc lĩnh vực y học cổ truyền chiếm đông đảo trong các bệnh viện. Bộ trưởng đề nghị Cục Quản lý y, dược cổ truyền phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành y, dược cổ truyền nước nhà.
Đối với công tác phát triển nguồn dược liệu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hiện nay, nước ta đang phải nhập khẩu tới gần 80% nguồn dược liệu. Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển các khu nuôi trồng dược liệu phục vụ YHCT. Vì vậy, cần tăng cường phát triển các khu nuôi trồng dược liệu với sự phối hợp có hiệu quả của 04 Nhà nhằm giải quyết đầu ra, tăng giá trị kinh tế, khuyến khích người nông dân tham gia hoạt động này. Bộ trưởng nhấn mạnh: cần thương mại hóa các sản phẩm nam dược và tạo vị thế cho các sản phẩm nam dược trên thị trường.
Đối với công tác phát triển hệ thống điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố cân nhắc trong việc xây dựng bệnh viện YHCT do khó khăn chung về kinh phí, mà cần nâng cấp, phát triển hệ thống YHCT trong các bệnh viện, lồng ghép khám chữa bệnh YHCT với y học hiện đại; đề nghị BHXH xem xét thông tuyến sớm trong khám chữa bệnh bằng YHCT để người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với YHCT. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề xuất lồng ghép một số dự án phát triển y, dược cổ truyền với các dự án y tế có nguồn vốn ODA nhằm giải quyết nhưng khó khăn về tài chính trong phát triển y, dược cổ truyền.
Ngày 20/5/2016, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Quyết định 2166/QĐ-BYT của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến 2020, giai đoạn từ 2011-2015, các nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016-2020. Tham dự Hội nghị có đồng chí Lâm Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành của Chính phủ, Quốc hội; lãnh đạo một số vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế; các cơ quan quản lý, đơn vị y tế thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền tại 63 điểm cầu ở các tỉnh/thành trên cả nước. Hội nghị nhằm đáng giá những kết quả đạt được trong phát triển y, dược cổ truyền giai đoạn 2011-2015, đồng thời, thảo luận kế hoạch hành đồng phát triển y, dược cổ truyền giai đoạn 2016-2020. Tại Hội nghị, 03 tập thể và 04 cá nhân đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phát triển y, dược cổ truyền; 51 tập thể, 57 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển của y học cổ truyền Việt Nam. |
Bài ảnh: Như Hiển
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.