Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:49

Tuy mới chớm hè nhưng tại các tỉnh thành trên cả nước, số ca mắc các bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) đang gia tăng. Theo thống kê, số bệnh nhân mắc bệnh chủ yếu tại các tỉnh phía Nam do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều.

Do bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh nên việc phòng bệnh là biện pháp cực kỳ quan trọng, tránh lây lan trong cộng đồng.

Phương pháp ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết

Diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng)

+ Dân gian thường diệt nơi sinh sản của muỗi bằng cách thả cá hoặc mê zô vào các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp…) để diệt bọ gậy.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa… lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Diệt muỗi, bọ gậy bằng cách thau rửa chum vại, lu, khạp…

+ Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hằng tuần.

+ Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa.

+ Phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng…

Phòng chống muỗi đốt

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn kể cả ban ngày.

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị SXH nằm trong màn.

+ Dùng nhang trừ muỗi, bình xịt muỗi, chất xông đuổi muỗi… (chọn sản phẩm có thương hiệu với hoạt chất thế hệ mới).

+ Phun hóa chất diệt muỗi rộng rãi trong cộng đồng…

Phương pháp ngăn chặn bệnh tay chân miệng

Nguyên nhân gây bệnh TCM là do Enterovirus (nhóm virut đường ruột) gây ra, thường gặp nhất là chủng virut Coxsackie A16. Vì vậy, để phòng bệnh cần thực hiện những nguyên tắc dưới đây:

+ Rửa tay sạch cho trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn.

Rửa tay sạch sẽ, rửa sạch dụng cụ, vật dụng, đồ chơi…để phòng bệnh tay chân miệng

+ Các cô nuôi dạy trẻ và nhân viên nhà bếp cần vệ sinh tay chân sạch sẽ khi chế biến thức ăn hoặc tiếp xúc trực tiếp với trẻ.

+ Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử khuẩn bằng cloramin B 5%.

+ Trong lớp học hoặc gia đình đã có trẻ bị bệnh TCM cần đeo khẩu trang cho trẻ để khi trẻ ho, hắt hơi, virut không khuếch tán vào không khí.

+ Tốt nhất là cách ly trẻ bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7 ngày).

+ Bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin trong thực đơn để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho trẻ…

Lời kết

Việt Nam với đặc tính khí hậu thay đổi theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rất thuận lợi cho cây trồng, mùa màng phát triển. Tuy nhiên thời tiết thay đổi liên tục cũng gây ra những bất lợi đến sức khỏe con người dẫn đến các bệnh đặc trưng theo mùa. Đối tượng mắc bệnh thường là người già và trẻ nhỏ, những người có sức đề kháng yếu. Vì vậy họ thường là những người bị nhiễm bệnh đầu tiên.

Để hạn chế tình trạng trên, đặc biệt là phòng tránh bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang tăng mạnh ở khắp các tỉnh thành, mỗi gia đình cần có biện pháp bảo vệ tổ ấm của mình.

Phương pháp phòng bệnh tốt nhất là tăng cường chất dinh dưỡng, vitamin cho cơ thể, nằm màn, mặc quần áo dài tay, thay nước trong chum, vại hàng tuần để tránh muỗi vào đẻ trứng…vệ sinh thân thể sạch sẽ, rửa sạch tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, để không bị lây nhiễm bệnh TCM. Đặc biệt, cần cách ly bệnh nhân bị sốt xuất huyết, tay chân miệng…để tránh lây lan rộng trong cộng đồng.

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook