Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vừa tiến hành hai kíp mổ song song để vá toàn bộ da đầu bị lột của bé gái gặp nạn giao thông.
Bé bị thương khi xe máy của hai ông cháu bị chiếc xe tải cuốn vào gầm xe tối 27/9. Ông tử vong tại chỗ, cháu bị bóc gần như toàn bộ da đầu. Bé được đưa vào bệnh viện gần đó sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Việt Đức.
2 tuần sau ca mổ, tóc bé bắt đầu mọc trở lại. Ảnh: P.N. |
Bác sĩ Đào Văn Giang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bé được đưa vào viện trong tình trạng tỉnh, da đầu bị lột hoàn toàn từ ngang tai vòng qua trán sang tai bên kia rồi ra sau gáy, lộ cả xương sọ. Đến khi bác sĩ hỏi mảnh da đầu bị đứt của bé để khâu nối lại, gia đình mới điện thoại cho người nhà quay lại hiện trường tai nạn tìm. Rất may mắn là mảnh da đầu của trẻ vẫn còn, khi được nhặt lại mang đến bệnh viện thì vẫn còn gần như nguyên vẹn chỉ bị dập một chút.
“Chúng tôi bảo quản mảnh da đầu để chuẩn bị nối trong khi bé được xét nghiệm, chụp CT sọ não, cột sống. Xác định cháu không bị thương tổn nào khác, chúng tôi tiến hành phẫu thuật nối mảnh da đầu bị đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu”, bác sĩ Giang cho biết.
Hai kíp mổ đặc biệt được tiến hành song song: Một kíp dùng kính hiển vi phẫu thuật soi tìm mạch máu có thể nối được ở mảnh da bị đứt rời và một kíp chuẩn bị ở phần còn lại trên đầu. Sau đó các bác sĩ nối ghép các mạch máu bằng vi phẫu thuật. Ca mổ kéo dài 7 giờ thành công.
Hiện 2 tuần sau phẫu thuật, mảnh da đầu được nối ghép của bé đã sống, tóc bắt đầu mọc trở lại. Dự kiến 1-2 ngày nữa bé có thể xuất viện.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức cho biết, hiện chưa có phương pháp tạo hình nào phục hồi hoàn toàn cấu trúc giải phẫu, chức năng cũng như tính thẩm mỹ của da đầu. Cách duy nhất là nối lại ngay mảng da đầu bị đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu.
Đây là lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức nối ghép da đầu cho một bệnh nhi. Ảnh: P.N. |
Theo tiến sĩ Hà, tai nạn lột da đầu thường xảy ra do tai nạn lao động, phụ nữ để tóc dài bị cuốn vào máy đang hoạt động. Lột da đầu ở trẻ em càng hiếm gặp. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cho một bệnh nhi mới 2 tuổi.
Phẫu thuật nối ghép da đầu ở trẻ con gặp nhiều khó khăn do mạch máu có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 0,6-0,7 mm, nguy cơ tắc mạch sau nối khá cao nên đòi hỏi kỹ thuật cũng như phương tiện phẫu thuật. Mặt khác, quá trình gây mê hồi sức khi phẫu thuật cũng hết sức quan trọng. Sau mổ trẻ quấy khóc, giãy giụa nhiều ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.
Y văn thế giới chỉ mới ghi nhận ca nối ghép da đầu vi phẫu cho em bé nhỏ nhất là 4 tuổi. Tại Việt nam chưa thấy báo cáo nào về ca lột da đầu ở trẻ em dưới 2 tuổi được thực hiện nối ghép vi phẫu thành công.
Bác sĩ khuyến cáo, không may gặp tai nạn này, mọi người nên bảo quản phần da bóc, sơ cứu nạn nhân và chuyển đến bệnh viện chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Lưu ý cách bảo quản: Cho phần da đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại, nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó lại đặt vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C. Tránh để các phần này tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng. Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại phần da thì không nên cắt rời ra, kể cả trường hợp gần như đứt rời hoàn toàn. Thay vào đó dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt độ tương đối lạnh, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.
Từ ngày 16 đến 19/10, các chuyên gia đầu ngành về tạo hình tai của Anh cùng các bác sĩ Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ của Bệnh viện Việt Đức sẽ khám bệnh và phối hợp phẫu thuật cho bệnh nhân. Các chuyên gia chuyên về tạo hình tai do dị tật không có tai hoặc tai nhỏ bẩm sinh, đứt rời tai do chấn thương. Bệnh nhân có thể khám tại Bệnh viện Việt Đức, đăng ký lịch hẹn tư vấn điều trị qua điện thoại 04.38253531 (số máy lẻ 350). |
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.