Thứ Năm, 09/06/2016 | 09:50

Hiện số ca nhiễm mới HIV được phát hiện hàng năm đã giảm từ 18.000 người (năm 2010) xuống còn khoảng 10.000 người (năm 2015). Số tử vong giảm từ 3.200 ca (2010) xuống khoảng 2.000 ca (2015). Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã giảm…Thế nhưng theo Bộ Y tế, mặc dù đã bước đầu kiểm soát được dịch HIV nhưng Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều thách thức lớn.

Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến thời điểm năm 2016 cả nước phát hiện khoảng 254.000 người nhiễm HIV, mỗi năm khoảng 12.000- 14.000 trường hợp nhiễm mới HIV. Trong số những người mới phát hiện nhiễm HIV trong năm 2015, nữ chiếm 34,1%, nam chiếm 65,9%; lây truyền qua đường tình dục chiếm phần lớn với 50,8%, lây qua đường máu chiếm 36,1%, mẹ truyền sang con chiếm 2,8% và không rõ nguyên nhân chiếm 10,4%…

Các nguy cơ lây nguyền HIV ở Việt Nam hiện nay vẫn là lây truyền trong nhóm nghiện chích ma túy và từ nhóm nghiện chích ma túy nhiễm HIV sang vợ, bạn tình của họ. Ngoài ra, có yếu tố nguy cơ mới làm lây truyền HIV trong sử dụng ma túy tổng hợp ở giới trẻ và phụ nữ bán dâm, dẫn đến tăng nguy cơ quan hệ tình dục tập thể không được bảo vệ, và mại dâm nam, gồm nam bán dâm cho nam đồng tính, người chuyển giới nữ.

Trong 5 năm qua, số người nhiễm HIV/AIDS và tử vong tiếp tục có xu hướng giảm. Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu như số ca nhiễm mới được phát hiện hàng năm đã giảm từ 18.000 người (năm 2010) xuống còn khoảng 10.000 người (năm 2015). Số tử vong giảm từ 3.200 ca (2010) xuống khoảng 2.000 ca (2015). Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễmHIV đã giảm.

Tuy nhiên, theo đại diện của Bộ Y tế, những năm qua, mặc dù đã bước đầu kiểm soát được dịch HIV nhưng Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều thách thức to lớn. Đó là tình trạng lây nhiễm HIV đang tăng lên trong phụ nữ có chồng/bạn tình là nam giới có hành vi nguy cơ cao, trong nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ chuyển giới.

Ngoài ra, có một điều rất đáng quan tâm, đó là nguồn ngân sách hỗ trợ tài chính của quốc tế chiếm phần lớn trong chi tiêu cho phòng chống AIDS nhưng đang bị sụt giảm nhanh. Điều này khiến cho thách thức đối với việc thực hiện các chỉ tiêu ngày càng cao và khó đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng chuyên môn.

Hiện Chính phủ đang tiếp tục tăng đầu tư trong nước cho phòng chống HIV, tăng ngân sách từ trung ương và địa phương, tăng sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế và kêu gọi quốc tế cùng hành động để ngăn dịch HIV bùng phát trở lại.

Hạnh Nhi

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook