Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế chiều 20/7 yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức xác định nguyên nhân và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm trong ca mổ nhầm chân bệnh nhân Trần Văn Thảo.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng nhắc nhở bệnh viện nghiêm túc áp dụng Bảng kiểm tra an toàn phẫu thuật. Theo đó, “bệnh viện phải bảo đảm an toàn phẫu thuật, xác định chính xác người bệnh trước khi cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân”. Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện “đào tạo lại về an toàn người bệnh” cho cán bộ nhân viên y tế, theo tài liệu hướng dẫn của Bộ.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu bệnh viện công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý kỷ luật những bộ phận, cá nhân có liên quan đến vụ việc, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 26/7.
Bệnh nhân Thảo bị mổ nhầm chân, đang được chăm sóc tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Lê Nga. |
Ngày 18/7, anh Trần Văn Thảo ở Hà Nội nhập viện Việt Đức, bác sĩ chẩn đoán bị liệt thần kinh mác chung chân trái nên đi tập tễnh, chỉ định phẫu thuật chân trái để chuyển cơ chày sau ra trước nhằm phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Trong ca phẫu thuật ngày 19/7, bác sĩ Phan Văn Hậu đã mổ nhầm chân phải của bệnh nhân và ngay sau khi phát hiện nhầm lẫn đã mổ lại chân trái cho anh.
Sáng 20/7 lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đã họp báo thông tin vụ việc, thừa nhận sai sót được cho là “sự cố hy hữu mang tính lịch sử trong vòng 110 năm Bệnh viện Việt Đức” và xin lỗi bệnh nhân. Bệnh viện miễn phí toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân, theo dõi sức khỏe để hỗ trợ về sau. Ê kíp phẫu thuật đã bị tạm đình chỉ công việc trong khi hội đồng chuyên môn rà soát lại toàn bộ quy trình từ chẩn đoán đến phẫu thuật để xác định nguyên nhân lỗi và xử lý kỷ luật.
Bệnh nhân Trần Văn Thảo 37 tuổi có hai con nhỏ, gia đình thuộc diện hộ nghèo, cả 2 vợ chồng không có công việc ổn định. Hiện anh Thảo đã tỉnh táo song hai chân vẫn còn đau nhức, đặc biệt là chân bị mổ nhầm.
10 mục tiêu an toàn phẫu thuật (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) 1. Phẫu thuật đúng bệnh nhân, đúng vùng mổ. 2. Khi làm giảm đau, sử dụng các phương pháp phù hợp tránh gây tổn hại cho bệnh nhân. 3. Đánh giá và chuẩn bị đối phó hiệu quả với nguy cơ tắc đường thở và chức năng hô hấp. 4. Đánh giá và chuẩn bị tốt để xử lý nguy cơ mất máu. 5. Tránh sử dụng đồ hay thuốc gây dị ứng ở những bệnh nhân biết có nguy cơ dị ứng. 6. Áp dụng tối đa các phương pháp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng ngoại khoa. 7. Tránh để quên dụng cụ mổ hay bông gạc trong vùng mổ. 8. Kiểm tra đối chiếu kỹ bệnh phẩm phẫu thuật. 9. Thông báo kết quả và trao đổi thông tin đến người tổ chức thực hiện an toàn phẫu thuật. 10. Các bệnh viện và hệ thống y tế thành lập bộ phận có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi số lượng và kết quả phẫu thuật. |
Video: Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức xin lỗi bệnh nhân
.>> Xem thêm
Bệnh nhân đau chân trái, bác sĩ mổ nhầm chân phải
Tạm đình chỉ công tác kíp mổ nhầm chân bệnh nhân Hà Nội
Lê Nga
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.