Để phòng lây nhiễm Zika, cần trì hoãn hiến máu tối thiểu 28 ngày đối với trường hợp đã được xác định nhiễm virus hoặc xuất hiện triệu chứng sốt, nổi ban, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt.
Virus Zika được cho là gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ. Ảnh: indiaexpress. |
Virus Zika thuộc họ Flavivirus do muỗi Aedes truyền cho người, đây cũng là loại muỗi gây dịch sốt xuất huyết Dengue. Ngoài đường lây do muỗi, virus này còn truyền qua đường máu và quan hệ tình dục không an toàn. Thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần, chỉ khoảng 20% người nhiễm có biểu hiện triệu chứng lâm sàng như sốt nhẹ, ban dát sẩn trên da, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt. Có thể phát hiện virus bằng xét nghiệm RNA trong máu, nước tiểu, nước bọt và tinh dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nghi ngờ có mối liên quan giữa hội chứng não nhỏ ở trẻ sinh khi người mẹ nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ. Để phòng chống lây truyền virus Zika trong các hoạt động truyền máu, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tuân thủ hướng dẫn hoạt động truyền máu an toàn như sau:
Phòng ngừa lây truyền virus Zika trong hiến máu, cần trì hoãn hiến máu tạm thời tối thiểu 28 ngày đối với những người:
– Đã được chẩn đoán khẳng định nhiễm virus Zika.
– Tất cả người ở vùng dịch (trong phạm vi thôn ấp hoặc phường) trong vòng 28 ngày kể từ ngày thông báo hết dịch.
– Xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng sốt nhẹ, ban dát sẩn trên da, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt.
– Người có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue mà xét nghiệm Dengue âm tính.
– Có quan hệ tình dục không an toàn với người đã được chẩn đoán nhiễm virus Zika hoặc người bị một trong các dấu hiệu lâm sàng có liên quan đến Zika.
Tất cả những người đã hiến máu cần được hướng dẫn cách để thông báo nhanh cho các cơ sở tiếp nhận hiến máu khi xuất hiện những dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng có liên quan đến nhiễm virus Zika trong vòng 14 ngày sau khi hiến.
Phòng ngừa lây truyền Zika trong lưu trữ máu và chế phẩm máu
Đối với những đơn vị máu tiếp nhận ở nơi gần vùng có dịch hoặc nghi ngờ có dịch thì chỉ được sử dụng sau khi đã lưu trữ từ 14 ngày trở lên. Các đơn vị máu, thành phần máu lấy từ những người có nguy cơ được quy định ở trên thì không được cấp phát để truyền máu.
Phòng ngừa lây nhiễm virus Zika đối với người nhận máu: Quy định này áp dụng đối với bệnh nhân cần truyền máu, đặc biệt là phụ nữ đang có thai trong 3 tháng đầu thai kỳ. Trong trường hợp cần truyền máu thì nên sử dụng:
– Máu và chế phẩm máu lấy từ vùng hoàn toàn không có dịch. Nếu nguồn máu lấy từ vùng nghi ngờ thì chỉ dùng sau thời gian lưu trữ trên 14 ngày.
– Máu và chế phẩm máu đã được bất hoạt virus (chiếu xạ túi máu bằng tia UV giúp phá hủy đồng thời các loại virus có vỏ, virus không có vỏ, vi khuẩn, vi sinh vật, bất hoạt bạch cầu…).
– Máu và chế phẩm máu đã được xét nghiệm sàng lọc virus Zika.
Đối với người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cần truyền máu cấp cứu vì tính mạng bị đe dọa, nếu có các loại máu và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn như trên thì sử dụng cho bệnh nhân. Cũng có thể lấy máu từ những người có tình trạng sức khỏe bình thường thuộc lực lượng hiến máu dự bị của ngân hàng máu sống ở địa phương. Sau khi truyền máu cho bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi các triệu chứng lâm sàng của tình trạng nhiễm virus Zika ở cả người hiến máu và người sử dụng máu và nếu phát hiện nhiễm virus Zika thì nên khám chuyên khoa.
Đối với các chế phẩm máu có thời gian sử dụng ngắn (khối tiểu cầu, yếu tố VIII), chỉ được lấy từ những người hiến máu ở vùng hoàn toàn không có dịch và không thuộc các nhóm nguy cơ. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thì cần có thêm biện pháp bất hoạt virus.
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.