Điện Kremlin có biệt đội chim săn mồi chuyên đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ các tòa tháp cổ của khu vực này.
Biệt đội chim săn mồi tại Điện Kremlin có nhiệm vụ bảo vệ các tòa tháp của khu vực này khỏi loài quạ và các loại chim cư trú khác. Biệt đội này có lịch sử hoạt động từ những năm 1960, dưới thời kỳ Liên Xô.
“Vào những năm 1960, trung đoàn bảo vệ Điện Kremlin có 1 đơn vị đặc biệt được gọi là ‘thợ săn quạ’. Những người lính thuộc đơn vị này đuổi lũ quạ khỏi các tòa nhà của điện Kremlin, đóng các lỗ hổng và các cửa sổ, ngăn lũ quạ xâm nhập và làm tổ bên trong các gác xép. Đó là trận chiến thực sự!”, Kirill Voronin, người đứng đầu nhóm các nhà điểu học tại Điện Kremlin, hồi tưởng lại.
Bồ câu, quạ gáy xám nhưng chủ yếu là quạ đen có số lượng đông đảo ở Matxcơva, trở thành cơn đau đầu của những người phụ trách hoạt động ở Điện Kremlin. Những loài chim này lấy hạt được gieo ở các khu vườn của Điện Kremlin và thậm chí còn mang dịch bệnh đến đây.
Huấn luyện viên của biệt đội chim săn mồi của Điện Kremlin trong buổi lễ trên Quảng trường Đỏ. (Ảnh: TASS)
Phân của chúng cũng là vấn đề nghiêm trọng. Điện Kremlin gồm các cấu trúc kiến trúc trang trí phức tạp và trên một số tòa tháp của Điện Kremlin có những ngôi sao đỏ cỡ lớn. Việc vệ sinh các cấu trúc kiến trúc này rất phức tạp và tốn kém, do đó việc đuổi những loài chim cư trú ở đây được xem là công việc dễ dàng hơn nhiều.
Đó là lý do tại sao vào những năm 1980, các loài chim săn mồi trong đó có chim ưng được tuyển dụng vào biệt đội chim săn mồi và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ những tòa tháp của Điện Kremlin. Song trước Cách mạng tháng Mười 1917, các loài chim săn mồi đã cư trú ở khu vực này trong thời gian khá dài.
Sứ thần Italia Calvucci vẽ chân dung con chim ưng ưa thích của Sa hoàng Alexis. (Tranh: Alexandr Litovchenko)
Trước khi biệt đội chim săn mồi được thành lập, những người vận hành Điện Kremlin cố gắng đuổi quạ bằng băng ghi âm tiếng gào rít của chim ưng nhưng nhà điểu học Voronin cho biết lũ quạ sớm quen với những tiếng động này. Do đó các nhân viên Điện Kremlin chuyển sang sử dụng chim săn mồi thật – lúc đầu họ sử dụng chim ưng, sau đó chuyển sang diều hâu.
Khi chim ưng săn mồi, nó bay lên rất cao và sau đó bổ nhào thẳng vào con mồi và dùng móng để tấn công. Nếu trượt, nó lại vút lên cao và thực hiện lại động tác này. Nhưng trong điều kiện thành phố, tập tính săn mồi này có thể khiến chim ưng gặp tai nạn khi đâm vào các tòa nhà cao tầng hoặc chúng có thể bị lạc đường.
Tiếng ồn trong thành phố có thể khiến chim ưng sợ hãi, thêm vào đó loài chim này có giá rất cao lên đến hàng chục ngàn USD một con, đồng thời chi phí chăm sóc cho chúng cũng cao không kém. Đó là lý do những nhân viên Điện Kremlin quyết định không sử dụng loài chim này nữa. Ngoài ra con mồi chủ yếu của chim ưng là các loài gặm nhấm chứ không phải quạ.
Hiện tại, Điện Kremlin được canh gác bởi diều hâu, loài chim này coi quạ là con mồi truyền thống của mình. Không giống chim ưng, loài diều hâu núp trong những tán cây và chờ đợi con mồi bay qua, khi ấy chúng bay với vận tốc cực cao trong khoảng 20-30 m. Tập tính săn mồi này phù hợp hơn với môi trường ở khu vực bên trong Điện Kremlin. Chi phí chăm sóc cho diều hâu cũng rẻ hơn rất nhiều so với chim ưng.
“Tuần tra bên trong Điện Kremlin, khi chúng tôi nhìn thấy quạ thì đó là thời khắc chúng tôi cho diều hâu xuất kích”, ông Voronin cho biết. Quạ có thể truyền bệnh cho các loài chim săn mồi, do đó các huấn luyện viên phải đảm bảo cho chúng không ăn con mồi sau khi săn được.
Huấn luyện viên và “chiến binh lông vũ” của biệt đội chim săn mồi Điện Kremlin. (Ảnh: Sputnik)
Sức khỏe của những “chiến binh lông vũ” trong Điện Kremlin cũng được theo dõi sát sao, các huấn luyện viên gắn vào đuôi chúng thiết bị định vị GPS. Ngoài ra chân của những con chim săn mồi này còn được đeo chiếc chuông nhỏ để bọn quạ biết rằng đang chim săn mồi đang chuẩn bị tấn công chúng để chúng trốn chạy trước khi những con chim săn mồi tấn công.
Mỗi con chim săn mồi của biệt đội này được huấn luyện trong vòng 6 tháng trước khi chúng được biên chế chính thức vào lực lượng. Chim săn mồi trong biệt đội này có tuổi thọ lâu hơn một chút so với đồng loại hoang dã do chúng được chăm sóc cẩn thận và được cho ăn đầy đủ. Một con chim săn mồi thuộc biệt đội này có thể làm việc từ 10 đến 15 năm trước khi “nghỉ hưu”.
Con cú đại bàng duy nhất của biệt đội chim săn mồi Điện Kremlin, chuyên thực hiện nhiệm vụ ban đêm. (Ảnh: Sputnik)
Con chim ưng mái già nhất của biệt đội chim săn mồi Điện Kremlin có tên là Alpha ở trong biên chế của biệt đội này hơn 20 năm nay. “Loài chim cũng thay đổi theo tuổi tác. Đôi khi Aplha bị khó thở và mỏ của nó đòi hỏi việc chăm sóc thường xuyên, nhưng nó vẫn bắt được quạ. Có lẽ không phải nhờ tốc độ mà là nhờ kinh nghiệm mà nó có được”, nhà điểu học Voronin cho biết.
Bên cạnh diều hâu, trong biên chế biệt đội chim săn mồi của Điện Kremlin còn có 1 con cú đại bàng. Đây là loài cú lớn cư trú ở lục địa Á – Âu và là loài chim lớn thuộc họ cú mèo. Con cú duy nhất của biệt đội chim săn mồi này cũng ưa thích việc săn quạ, nhưng nó chỉ đảm nhận công việc khi màn đêm buông xuống và những ngôi sao đỉnh tháp Kremlin bắt đầu tỏa sáng rực rỡ.
Theo VTC News
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.