Hiện tại, các chuyên gia nhận định uống nhiều rượu sẽ dẫn tới bệnh ung thư liên quan đến những bộ phận như ruột, thực quản, thanh quản, miệng, hầu họng, vú (ở phụ nữ), và gan.
Trong viện bảo tàng London có một tấm bia đá khoảng 5300 năm tuổi, nó xuất hiện từ thời kỳ của nền văn minh Lưỡng Hà với những dòng ký tự nguệch ngoạc ghi lại khẩu phần bia của những người dân tại khu vực này. Rõ ràng, mối quan hệ giữa con người và các loại đồ uống có cồn đã kéo dài hàng nghìn năm nhưng chắc chắn đây không phải là một mối quan hệ có lợi cho sức khỏe của chúng ta.
Chúng ta đều biết rằng rượu, bia có thể làm tổn hại sức khỏe của bản thân theo nhiều cách khác nhau nếu sử dụng chúng một cách bừa bãi và không có định mức. Các nhà khoa học trên thế giới đã viết rất nhiều về mối liên hệ giữa đồ uống có cồn và bệnh ung thư, mặc dù vậy nó vẫn có gì đó chung chung và không cụ thể. Trung tâm nghiên cứu ung thư Anh quốc đã công bố một nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này trả lời mọi câu hỏi từ việc việc rượu gây hại tế bào như thế nào cho tới việc những tác động này sẽ khiến tế bào bình thường biến thành tế bào ung thư như thế nào.
Hiện tại, các chuyên gia nhận định uống nhiều rượu sẽ dẫn tới bệnh ung thư liên quan đến những bộ phận như ruột, thực quản, thanh quản, miệng, hầu họng, vú (ở phụ nữ), và gan. Ngoài ra, một số bằng chứng khác cũng cho thấy đồ uống có công ít nhiều có liên quan đến ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, tiến sỹ Ketan Patel cho biết: “Chúng tôi thực sự chưa thể tìm hiểu hết tại sao rượu chỉ gây ung thư đối với những bộ phận cơ thể này mà không phải những bộ phận khác”.
Bằng chứng đáng tin cậy nhất hiện nay là về ung thư miệng và cổ họng – nơi rượu sẽ có tác động trực tiếp với lớp mô tế bào ở đây, ngoài ra vài loại vi khuẩn có trong miệng, ruột và gan cũng được cho là có liên quan đến vấn đề này. Bên cạnh đó, rượu cũng được nhận định là một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng xơ gan và điều này khiến cho khả năng mắc ung thư gan tăng lên đáng kể. Mặc dù vậy, bản thân kiến sỹ Patel một lần nữa nhấn mạnh rằng mọi bằng chứng khoa học chưa đủ và họ vẫn cần phải nghiên cứu nhiều dữ liệu hơn nữa. Ngoài ra, rượu cũng được cho là có liên quan trực tiếp đến một số loại hormone gây ra ung thư vú ở phụ nữ.
Thêm vào đó, không ít người quan niệm chỉ những “con sâu rượu” mới phải gánh chịu hậu quả của của những tác hại xấu từ thứ đồ uống này nhưng một nghiên cứu của các bác sỹ cũng chỉ ra rằng uống rượu một lượng nhỏ, ví dụ như 1-2 chén mỗi ngày, cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Chính vì lẽ đó, các nhà khoa học đã quyết tâm tìm hiểu làm thế nào rượu lại có thể gây ung thư cho cơ thể.
Giống như hầu hết các thực phẩm, đồ uống khác, rượu sau khi đưa vào cơ thể sẽ được hấp thụ bởi các tế bào. Đối với các loại rượu chúng ta thường sử dụng có danh pháp hóa học là ethanol, tế bào sẽ phân hủy chúng để tạo ra năng lượng. Quá trình này được bắt đầu khi enzym có tên alcohol dehydrogenase (ADH) sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde (CH3CHO), hợp chất này sẽ được enzym acetaldehyde dehydrogenase (ADHL) chuyển hóa lần nữa thành acetate – đây chính là thứ mà tế bào có thể sử dụng như một nguồn năng lượng.
Các chuyên gia khẳng định đây là một sự chuyển hóa cơ bản mà quá trình tiến hóa đã trang bị cho cơ thể con người để đối phó với việc tiêu thụ đồ uống có cồn. Vậy tại sao uống 1-2 chén mỗi ngày cũng nguy hại không khác gì uống 1 chai? Đó chính là lúc những nhà khoa học phát hiện ra sự nguy hiểm của hợp chất trung gian của quá trình chuyển hóa này – acetaldehyde.
Tiến sỹ Ketan Patel nói thêm rằng: “Bản thân ethanol không hề để lại tác động xấu nào đến tế bào hoặc ADN của chúng ta ngoài việc khiến người uống say xỉn. Nhưng quá trình chuyển hóa nó thành một thứ mà các tế bào có thể dung nạp lại tạo ra một chất kịch độc: acetaldehyde. Và chính sự tích tụ lâu ngày của hợp chất này đã tạo ra những căn bệnh ung thư chết người”.
Thực tế, cơ thể con người cũng có sẵn một cơ chế hạn chế việc tích trữ acetaldehyde lâu dài trong cơ thể nhờ sự xuất hiện của 3 loại enzym ALDH khác nhau: ALDH1A1, ALDH2 và ALDH1B1. Sau khi acetaldehyde xuất hiện, nó sẽ bị 3 enzym trên chuyển hóa thành acetate. Mặc dù vậy, cơ chế này sẽ bị quá tải nếu xảy ra tình trạng cồn trong máu.
Thêm vào đó, cơ chế này không hề giống nhau đối với từng người khi những đột biến di truyền nhỏ sẽ khiến nhiều người không có đủ 3 loại enzym này hoặc chúng không thể hoạt động hiệu quả như bình thường. Chính vì thế mà acetaldehyde sẽ tích tụ nhiều lên và tấn công ADN của người. Tiến sỹ Patel cho biết dạng đột biến này xuất hiện nhiều tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, đặc biệt là Đài Loan khi có tới 70% dân số tại đây có những dấu hiệu của việc tích tụ acetaldehyde lâu ngày.
Những người sở hữu một hệ thống enzym đột biến sẽ dễ bị đỏ mặt và cảm thấy mệt mỏi khi uống rượu. May mắn là tế bào con người sở hữu một bộ công cụ sửa chữa những đoạn ADN bị hư hại do tác động của acetaldehyde, tuy nhiên nếu lượng acetaldehyde trở nên quá nhiều thì hệ thống bảo vệ này cũng trở nên vô dụng. Tiến sỹ Patel tiếp tục: “Hầu hết những sinh vật đều có 2 lớp bảo vệ hệ thống ADN của mình, chỉ cần bạn khiến chúng bị quá tải là mọi nỗ lực đều trở nên vô dụng. Những hư hại trong ADN sẽ dẫn đến các tế bào có những hoạt động khác thường như liên tục phân chia – nguyên nhân chính dẫn đến ung thư”.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên kết chặt chẽ giữa rượu và nguy cơ ung thư. Sau nhiều năm nghiên cứu, quá trình acetaldehyde tấn công ADN của chúng ta đã dần dần được sáng tỏ. Dưới đây là những hình thái hư hại tiêu biểu nhất:
– Thay đổi các chữ cái trong mã di truyền: acetaldehyde có thể gây ra tình trạng đột biến điểm của hệ thống ADN. Mã di truyền là phần mật mã quy định thông tin về trình tự các axit amin đã được mã hoá dưới dạng trình tự các nucleotide trên gen. Thông thường, các chữ cái đại diện cho mã di truyền sẽ được sắp xếp theo một trình tự nhất định, acetaldehyde sẽ làm đảo lộn thứ tự của những chữ cái này và hệ quả của nó chính là căn bệnh ung thư.
– Xáo trộn các nhiễm sắc thể: acetaldehyde cũng có thể gây ra một sự đảo lộn với quy mô lớn hơn với toàn bộ nhiễm sắc thể. Những nhiễm sắc thể bị xáo trộn sẽ bị xếp vào những vị trí không phù hợp với chức năng mà mã di truyền quy định, từ đó chúng sẽ không thể hoạt động bình thường và trở thành nguyên nhân dẫn tới ung thư. Nhiễm sắc thể là một cấu trúc có tổ chức của ADN và protein nằm trong các tế bào. Đó là một phần đơn lẻ của chuỗi ADN, có chứa nhiều gen, cấu trúc quy định và các trình tự nucleotit khác.
– Kết khối ADN: acetaldehyde cũng có thể bám vào các đoạn ADN để tạo ra các khối bất thường. Những khối ADN này sẽ phá hủy các nhiệm vụ di truyền thông thường và dễ dẫn tới việc tế bào hoạt động bất thường, đi kèm với đó chính là nguy cơ hình thành ung thư.
Như vậy là chúng ta đã hiểu rượu sẽ chuyển hóa thành một hợp chất trung gian cực độc đó là acetaldehyde, chúng ta cũng đã xem xét các hệ thống phòng vệ ngăn chặn nguy cơ gây hại của nó đối với ADN và thậm chí câu hỏi vì sao nó lại có thể gây ung thư đã được trả lời. Bây giờ là lúc tìm hiểu chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta uống 1-2 chén rượu.
Hãy tưởng tượng việc uống rượu giống như khi chúng ta rót rượu vang đỏ từ chai vào ly thông qua một cái phễu vậy. Nếu chỉ rót một lượng nhỏ thì rượu sẽ chảy vào ly một cách bình thường, nhưng nếu cứ tiếp túc như vậy thì chả mấy chốc mà ly rượu sẽ tràn ra ngoài. Tương tự, việc uống rượu quá nhiều sẽ khiến các enzym ADHL ngừng hoạt động vì quá tải, hệ quả cuối cùng như thế nào thì chúng ta đều đã rõ: ung thư.
Mặc dù vậy, điều này chỉ mới giải thích về việc những người uống nhiều rượu sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao, vấn đề còn năm ở chỗ là có những người uống 1-2 chén mỗi ngày cũng có nguy cơ mắc ung thư không hề kém cạnh. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những loại vi khuẩn nằm trong miệng và ruột, thậm chí là gan đã được đề cập ở đầu bài viết có khả năng chuyển hóa ethanol thành acetaldehyde một cách nhanh chóng với liều lượng cao cho dùng chúng ta chỉ uống 1 chén duy nhất.
Hiện tại, đây mới chỉ là những nghiên cứu sơ bộ về vấn đề này. Các nhà khoa học khẳng định họ vẫn cần phải tìm hiểu thêm về mối liên quan này. Bên cạnh acetaldehyde, đội ngũ nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng rượu cũng có thể dẫn đến ung thư qua nhiều cách khác nhau.
Đầu tiên là vừa hút thuốc, vừa uống rượu. Rõ ràng, thuốc lá là một trong những tác nhân gây ung thư dễ ngăn chặn nhất nhưng chúng ta thường thấy không ít người vừa nâng ly rượu, vừa phì phèo điếu thuốc và họ chính là những người dễ bị ung thư nhất. Thuốc lá bao gồm nhiều chất độc như acetaldehyde và một chất kịch độc hơn nữa: formaldehyde. Với việc phải đối mặt với một liều lượng acetaldehyde cực cao cùng sự gớp mặt của formaldehyde, hệ thống phòng vệ của chúng ta dễ dàng bị quá tải.
Khi thâm nhập vào bên trong cơ thể, formaldehyde được chuyển hóa thành acid formic dẫn đến tăng hoạt động của tim, thở nhanh và nông, giảm thân nhiệt, hôn mê hoặc dẫn đến chết người. Bản thân nó cũng đã được Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ phân loại như là chất có khả năng gây ung thư ở người và được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) coi là chất gây ung thư đã biết ở người.
Ngoài ra, rượu cũng được cho rằng có liên hệ với căn bệnh ung thư vú ở phụ nữ. Cho dù chưa có đủ các bằng chứng khoa học, các nhà nghiên cứu đã xác định tạm thời rằng rượu sẽ gây ra sự tăng đột biến về liều lượng của hormone oestrogen – nguyên liệu chính cho các tế bào ung thư vú phát triển. Mặc dù vậy, việc tăng đột biết của oestrogen còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác như khi phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh chẳng hạn.
Các chuyên gia khẳng định vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong quá trình tìm hiểu kỹ về việc làm thế nào mà rượu có thể gây ra bệnh ung thư. Cho dù kết quả cuối cùng có phức tạp đến mức nào đi chăng nữa, một điều rất rõ ràng là muốn giảm nguy cơ ung thư từ rượu thì nên hạn chế sử dụng nó. Rõ ràng một thứ đồ uống có mặt trong cuộc sống của chúng ta hàng ngàn năm thì rất khó có thể loại bỏ nó, vậy hãy uống ít hơn một chút hoặc chọn những loại rượu nhẹ cho những bữa tiệc thêm phần vui vẻ mà không ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe.
Tham khảo CancerResearchUK
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.