Bước qua cổng Bệnh viện Thận Hà Nội, ấn tượng đầu tiên của tôi là không gian yên tĩnh, sạch đẹp trái ngược hẳn với sự náo nhiệt ồn ào thường thấy ở một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Tôi được hướng dẫn tận tình nơi gửi xe và đường dẫn đến các phòng làm việc. Sau đó tôi được một bảo vệ thông báo thủ tục đăng ký làm việc. Sau khi hoàn tất các thủ tục, bạn bảo vệ dẫn tôi lên phòng làm việc của ThS.BS. Lê Thị Thanh Hương, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện. Trước khi quay về vị trí để tiếp tục làm việc, bạn bảo vệ đã chào tôi và chúc tôi có một buổi làm việc hiệu quả. Trước khi phỏng vấn ThS.BS. Lê Thị Thanh Hương về việc Bệnh viện triển khai thực hiện Thông tư 45 của Bộ Y tế quy định về trang phục y tế, tôi đã hỏi về những ấn tượng ban đầu của mình, BS. Hương cho biết, những việc tôi chứng kiến chỉ là một trong những hoạt động mà tập thể Bệnh viện đã, đang triển khai để tạo ra môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp hướng tới sự hài lòng của người bệnh khi đến khám và điều trị tại đây.
Phổ biến và quán triệt Thông tư 45 sâu rộng tới cán bộ, nhân viên và người lao động của Bệnh viện
BS. Hà Huy Thắng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo từ Sở Y tế Hà Nội, Đảng ủy Ban Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội đã họp và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Thông tư 45. Ban chỉ đạo gồm đồng chí Giám đốc là Trưởng ban, Chủ tịch Công đoàn, lãnh đạo các khoa, phòng là ủy viên. Ban chỉ đạo đã phổ biến nội dung và kế hoạch triển khai Thông tư trong các buổi giao ban để toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động của Bệnh viện nắm được. Ban Chỉ đạo đã làm việc với công ty may Việt Đức – công ty đã có kinh nghiệm may trang phục cho nhiều đơn vị trong ngành Y tế khi triển khai Thông tư 45 – để xây dựng các mẫu thiết kế theo đúng quy định của Bộ Y tế. Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo luôn bám sát các tiêu chí trọng tâm do Bộ Y tế quy định như trang phục phải thuận tiện khi mặc, khi thao tác chuyên môn; mang tính truyền thống, đặc trưng ngành y tế; chất liệu bảo đảm ít nhăn, mềm mại, dễ giặt, dễ là ủi, dễ khử khuẩn, thấm mồ hôi và phù hợp với khí hậu; kiểu dáng và màu sắc hài hòa, thân thiện, đơn giản, hiện đại, lịch sự, trang nhã, kín đáo, bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với công việc và nghề nghiệp;bảo đảm nhận biết rõ các đối tượng sử dụng và các khu vực chuyên môn khác nhau… Hiện nay, Bệnh viện đã ký hợp đồng để may trang phục mới, dự kiến đến tháng 11 sẽ triển khai mặc tại các khoa, phòng. Tuy nhiên, trong năm nay nếu thực hiện đầy đủ một lúc 4 bộ/người thì không đủ tài chính vì thế Bệnh viện sẽ kết hợp sử dụng đồng thời bộ cũ với bộ mới.
Trang phục mới tạo hứng khởi, tăng hiệu suất lao động
ThS.BS. Lê Thị Thanh Hương chia sẻ, cuối năm 2015, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thi “Nữ cán bộ ngành Y tế Thủ đô duyên dáng, tài năng trong tà áo dài truyền thống Việt Nam” với nội dung thi gồm 3 phần trong đó có phần trình diễn trang phục y tế với yêu cầu thí sinh trình diễn trang phục y tế theo kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được phê duyệt tại Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 4/6/2015 của Bộ Y tế. Tháng 1 năm 2016, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo cuộc thi do phòng Điều dưỡng và phòng Hành chính tổ chức làm đầu mối. Về nhân sự, Ban chỉ đạo đã lựa chọn các cán bộ từ các khoa, phòng còn nội dung thi trình diễn trang phục y tế, Ban chỉ đạo đã lựa chọn mẫu trang phục được thiết kế theo Thông tư 45. Sau một số buổi trình diễn, Ban chỉ đạo đã lựa chọn được các cán bộ có khả năng diễn suất tốt để tiếp tục luyện tập. Đến tháng 6 năm 2016, Bệnh viện đã tham dự Hội thi và đạt giải đội thi xuất sắc nhất toàn đoàn và giải trình diễn trang phục công sở đẹp nhất.
Cử nhân Đỗ Thùy Dương, cán bộ phòng Điều dưỡng tâm sự, Hội thi đã tạo nên một không khí vui tươi, lành mạnh trong cán bộ, viên chức và người lao động của Bệnh viện, khơi dậy lòng tự hào, ý thức bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa trong việc xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội nói chung và nhân viên y tế thủ đô nói riêng. Bên cạnh đó, Hội thi đã nâng cao ý thức thực hiện tốt văn hoá công sở, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” của Ngành Y tế thủ đô .
Bệnh viện Thận Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 3755/QĐ- UBND ngày 23/07/2009 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, tiền thân là Trung tâm Thận học và Lọc máu ngoài thận Hà Nội (Quyết định số 98/2000/QĐ- UB ngày 08/11/2000 của UBND thành phố Hà Nội). Bệnh viện Thận Hà Nội là một trong những Bệnh viện chuyên sâu về chuyên ngành thận học và lọc máu đầu tiên của cả nước, ra đời và phát triển trên cơ sở hợp tác giữa UBND Thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội với Thành phố Toulouse, tổ chức Y tế Midi – Pyrenees Cộng hòa Pháp. Từ năm 2002 đến nay đã có trên 120.000 lượt bệnh nhân được chạy thận nhân tạo an toàn, hiệu quả và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trình độ cao, dịch vụ chất lượng cao. Bệnh viện luôn phục vụ người bệnh như người thân ruột thịt, xứng đáng là một bệnh viện phục vụ kiểu mẫu, hướng tới một Bệnh viện “Xanh – sạch – đẹp” của Thủ đô. Năm 2011, Bệnh viện vinh dự được đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 lần đạt cờ thi đua xuất sắc của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội năm 2003, 2004; 9 lần được Bộ Y tế tặng bằng khen về bệnh viện xuất sắc toàn diện và đạt thành tích xuất sắc trong công tác khám, chữa bệnh, 2 lần được Ủy ban nhân dân Thành phố tặng bằng khen về hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm (2008, 2011); Nhiều cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng chính phủ, chiến sĩ thi đua thành phố, chiến sĩ thi đua cơ sở. Trong chiến lược phát triển, Bệnh viện Thận Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động, nhằm đưa những kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao đến gần hơn nữa với người dân Thủ đô, để mãi xứng đáng là điểm sáng của ngành Y tế Thủ đô. |
Bài: Trung Thành
Ảnh: Bệnh viện Thận Hà Nội cung cấp
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.