Chủ Nhật, 03/07/2016 | 16:56

Ước tính cứ 10 bệnh nhân trầm cảm nặng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thì đến 4 người muốn tự sát và một người đã thử quyên sinh nhưng thất bại. Đây là bệnh khá phổ biến hiện nay.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng thứ 4 sau các bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường. Trong đó, rối loạn trầm cảm là vấn đề lớn trong lĩnh vực tâm thần học, là bệnh khá phổ biến, chiếm tỷ lệ cao tại nhiều nước trên thế giới, như Mỹ gần 10%.

Tại Việt Nam, một nghiên cứu quốc gia năm 2002 cho thấy rối loạn trầm cảm chiếm tỷ lệ đến gần 4% dân số. Đây là con số rất đáng quan tâm. Cơ chế bệnh sinh của trầm cảm có nhiều giả thiết được đưa ra, trong đó liên quan đến tâm lý được nhấn mạnh, ông La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết tại hội thảo liệu pháp tâm lý trong điều trị trầm cảm diễn ra ở Hà Nội ngày 29/6. Triệu chứng của bệnh có thể bao gồm cảm thấy buồn và vô vọng, không thích thú với những hoạt động như trước đây, có vấn đề về giấc ngủ hoặc lúc nào cũng mệt mỏi, đau nhức khắp cơ thể. Thực tế nhiều người không hề nghĩ đây là biểu hiện của bệnh.

Bệnh trầm cảm dễ dẫn đến hành vi tự sát

Nữ giới có nguy cơ bị trầm cảm gấp đôi nam giới. Ảnh: News.Vanderbilt. 

Trong suy nghĩ của nhiều người, không ai đi khám vì buồn chán đời mà chỉ đi khám bệnh thực thể. Bệnh nhân đến khám cũng không tin trầm cảm là bệnh. Một số người hiểu nhầm trầm cảm chỉ là việc ai đó cảm thấy buồn hoặc không có động lực hay lười biếng. “Thực tế trầm cảm là một bệnh phức tạp và nghiêm trọng gây ra bởi sự mất cân bằng các chất sinh hóa ở trong não và có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài”, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tâm, chuyên gia của Basic Needs, một tổ chức phi chính phủ tại Anh nói.

Hậu quả của bệnh có thể rất nặng nề. Khả năng người bị trầm cảm tự tử khá cao. Khoảng 15% bệnh nhân trầm cảm có hành vi tự sát ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời và khoảng 4% bệnh nhân chết do tự sát. Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về việc tự sát ở những bệnh nhân trầm cảm. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, các bác sĩ ước tính cứ 10 bệnh nhân trầm cảm nặng thì 4 người có ý tưởng, suy nghĩ tự sát và một đã thử tự sát nhưng thất bại.

Điều trị trầm cảm bằng thuốc và bằng liệu pháp tâm lý. Điều trị bằng thuốc thường hiệu quả, khoảng 65% bệnh nhân điều trị thành công bằng thuốc và khá dễ dàng cho y bác sĩ. Bệnh nhân thường thích điều trị bằng thuốc vì đơn giản, không đòi hỏi nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, khoảng 1/3 bệnh nhân có tác dụng phụ do thuốc như buồn nôn, cảm thấy bồn chồn, lo lắng, hoa mắt, cảm thấy mệt mỏi… Các tác dụng phụ sẽ giảm dần theo thời gian, có thể bác sĩ phải đổi thuốc nếu các tác dụng phụ nhiều và gây khó chịu cho bệnh nhân. Một hạn chế quan trọng nữa là khi dừng uống thuốc, các triệu chứng có thể quay trở lại.

Phương pháp điều trị thứ hai là tâm lý trị liệu. Bệnh nhân nói chuyện với y tá, nhà tâm lý, cán bộ công tác xã hội, bác sĩ… để học những cách mới, hiệu quả hơn khi suy nghĩ và các hành động mới. Để điều trị hiệu quả, bệnh nhân gặp gỡ với nhà trị liệu trong khoảng 45 phút một lần mỗi tuần, trong vòng khoảng 2 tháng.

Vì vậy, điểm yếu của phương pháp này là đòi hỏi nhiều công sức và thời gian từ cả bệnh nhân lẫn nhà trị liệu so với điều trị bằng thuốc. Nếu thực hiện chính xác, khoảng 75% bệnh nhân có thể thành công với tâm lý trị liệu và hầu như không có khả năng tái phát.

“Biện pháp tâm lý thực chất là những câu nói trong từng tình huống, giúp hỗ trợ tư duy tích cực, hợp lý hơn để người bệnh không có những suy nghĩ tiêu cực. Đơn giản như việc bỏ thuốc, ai cũng biết là cần phải bỏ nhưng không phải ai cũng bỏ được. Có thể nói đó là thuốc giảm đau tinh thần, người bệnh cần được hướng dẫn, tự tập luyện”, thạc sĩ Tâm chia sẻ.

Tại nước ta, hiện nay bệnh nhân trầm cảm thường chỉ được kê thuốc, ít người được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý. Chỉ có một số bệnh viện áp dụng liệu pháp tâm lý này kèm thêm điều trị bằng thuốc. Từ năm 2009-2011, điều trị trầm cảm bằng liệu pháp kích hoạt hành vi tại cộng đồng được tiến hành thử nghiệm tại Đà Nẵng và Khánh Hòa. Bước đầu cho những kết quả khả quan. Các bệnh nhân được kết hợp liệu pháp tâm lý có sự cải thiện tốt hơn trong mọi lĩnh vực: trầm cảm, lo âu, chức năng sức khỏe thể chất và cảm xúc.

Biểu hiện rối loạn trầm cảm là buồn chán kéo dài ít nhất 2 tuần, người bệnh cảm giác không có năng lượng, không thích thú với việc gì kể cả việc ngày xưa thích, không ăn, không gặp gỡ bạn bè… Nếu buồn chán vài ngày thì không gọi là trầm cảm. Nhiều người cho rằng trầm cảm không cần thiết phải điều trị vì tự nó sẽ qua đi. Không được điều trị thành công thì khả năng tái phát bệnh trong tương lai là rất cao, khoảng 50%.

Nam Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook