Bệnh thương hàn là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch do vi khuẩn Salmonella typhi gây nên với bệnh cảnh sốt kéo dài, có nhiều biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hoá, thủng ruột, viêm cơ tim, viêm não dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hoá, lưu hành ở những khu vực có tình trạng vệ sinh kém.
Tác nhân gây bệnh thương hàn
– Salmonella là một giống thuộc họ Enterobacteriaceae.
– Bệnh thương hàn do vi khuẩn Salmonella enterica týp huyết thanh Typhi (gọi tắt là Salmonella Typhi) gây nên. Đây là trực khuẩn Gram âm không sinh nha bào, có roi, dễ mọc ở môi trường nuôi cấy thông thường.Vi khuẩn tổng hợp roi lông khi di động, có kháng nguyên thân O (oligosaccharide), kháng nguyên roi H (protein), kháng nguyên vỏ bao Vi (polysaccharide) và một phức hợp đại phân tử lipopolysaccharide gọi là nội độc tố tạo thành phần phía ngoài của thành vi khuẩn.
Dịch tễ học bệnh thương hàn
– Bệnh thương hàn có thể gặp ở mọi nơi trên thế giới. Bệnh hiện vẫn là vấn đề toàn cầu với 16-33 triệu trường hợp mới mắc mỗi năm, trong đó tử vong 216.000 đến 600.000 và tỷ lệ mắc hàng năm 0,5% dân số toàn cầu (ước tính của WHO).
– Bệnh có tính chất theo mùa với đỉnh điểm là những tháng nóng, khô trong năm.
– Nguyên nhân hay gặp nhất là do bệnh nhân ăn phải những đồ ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn nhưng cũng có thể gặp do lây truyền trực tiếp qua tiếp xúc tay-miệng với phân, nước tiểu, chất tiết hô hấp, chất nôn của người nhiễm bệnh thương hàn.
Cơ chế bệnh sinh bệnh thương hàn
– Sau khi vào đường tiêu hoá, vi khuẩn qua dạ dày xuống ruột non rồi xâm nhập tới các nang lympho ruột và vào hạch mạc treo ruột tương ứng.
– Giai đoạn nhiễm khuẩn huyết vi khuẩn có thể vào bất kỳ cơ quan nào nhưng hay gặp nhất là ở gan, lách, tuỷ xương, túi mật và mảng Peyer ở đoạn cuối hồi tràng.
Biểu hiện lâm sàng bệnh thương hàn
Lâm sàng thể điển hình
* Thời kỳ ủ bệnh: 7-14 ngày
Thầm lặng không triệu chứng. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng ỉa chảy cấp, viêm dạ dày ruột sau khi ăn uống phải đồ ăn nhiễm khuẩn.
* Thời kỳ khởi phát: 5-7 ngày
– Sốt từ từ tăng dần, nhức đầu, mệt mỏi.
– Buồn nôn, táo bón.
– Lưỡi bẩn: lớp rêu dày, màu từ trắng đến nâu, chừa riêng cạnh lưỡi và đầu lưỡi đỏ tươi (dấu hiệu lưỡi quay).
– Bụng chướng, nhất là hố chậu phải. Khi khám có thể thấy quai ruột với hơi và dịch chạy dưới tay (“dấu hiệu ùng ục hố chậu phải”).
– Nghe phổi có thể thấy dấu hiệu viêm phế quản và đáy phổi bên phải có tiếng gõ hơi đục (Lesieur).
* Thời kỳ toàn phát: kéo dài 2-3 tuần
– Sốt hình cao nguyên 40oC.
– Có thể có mạch nhiệt phân ly.
– Tình trạng li bì (“dấu hiệu typhos”): bệnh nhân thờ ơ với ngoại cảnh nhưng cũng có thể diễn biến đến sảng và hôn mê mà không có dấu hiệu thần kinh khu trú.
– Rối loạn tiêu hoá kiểu ỉa lỏng phân vàng cho đến đỏ nâu, mùi khẳm.
– Bụng chướng, gan lách to.
– Đào ban: ban dát nhạt màu như cánh bèo tấm 2-4 mm ở ngực bụng. Đào ban thường gặp vào cuối tuần thứ nhất, đầu tuần thứ 2.
– Loét họng Duguet: loét dọc hình bầu dục ở nếp amiđan trước.
* Thời kỳ lui bệnh: kéo dài vài tuần
– Các triệu chứng giảm dần rồi khỏi bệnh.
– Nếu không được điều trị, có thể xuất hiện các biến chứng như xuất huyết hoặc thủng ruột (hay gặp vào tuần thứ ba của bệnh), viêm cơ tim, viêm não….
Xét nghiệm trong bệnh thương hàn
– Máu: Số lượng bạch cầu thường khoảng 5.000/mm3 đến 6.000/mm3. Công thức bạch cầu bình thường hoặc giảm mức độ nhẹ.
– Men gan AST và ALT thường tăng đến mức gấp đôi bình thường.
– Cấy máu: S.typhi
– Cấy phân: S.typhi
Chẩn đoán bệnh thương hàn
Chẩn đoán xác định
Dịch tễ học:
– Sống hoặc đi đến vùng dịch lưu hành.
– Tiếp xúc với bệnh nhân thương hàn.
Lâm sàng:
– Sốt > 7 ngày
– Tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân.
– Bụng chướng, gan lách to và rối loạn tiêu hoá kiểu ỉa lỏng.
– Đào ban.
Xét nghiệm:
– Giảm bạch cầu trung tính.
– Tốc độ máu lắng tăng
– Cấy máu: S.typhi (có độ nhạy cao nhất là vào tuần đầu tiên của bệnh).
– Cấy phân: S.typhi (tỷ lệ dương tính từ tuần thứ 2-3 của bệnh).
Chẩn đoán phân biệt
Sốt rét:
– Có yếu tố dịch tễ học: Sống hoặc đến vùng dịch tễ sốt rét.
– Lâm sàng: Có cơn sốt rét điển hình
– Xét nghiệm máu: Tìm thấy ký sinh trùng sốt rét
Nhiễm khuẩn huyết:
– Có bệnh cảnh nhiễm trùng, có đường vào, có ổ di bệnh
– Xét nghiệm máu: bạch cầu tăng, đặc biệt là bạch cầu trung tính
– Cấy máu: phân lập được vi khuẩn gây bệnh
Sốt mò:
– Sốt cao, phát ban, nổi hạch.
– Có vết loét do ấu trùng mò đốt.
Điều trị bệnh thương hàn
Nguyên tắc điều trị
– Lựa chọn kháng sinh phù hợp theo kháng sinh đồ.
– Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Ăn thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu.
– Phòng ngừa, phát hiện sớm, xử trí kịp thời các biến chứng.
Điều trị kháng sinh
Với trẻ em < 12 tuổi và phụ nữ c.ó thai:
– Ceftriaxone: 80-100mg/kg/24 giờ
Với người lớn:
– Ciprofloxacin: viên 500 mg ngày uống 2 viên trong 7-10 ngày hoặc Ceftriaxone: 80-100mg/kg/24 giờ.
Phòng chống bệnh thương hàn
– Phát hiện và điều trị triệt để những người lành mang trùng.
– Điều trị cách ly người mắc bệnh và xử lý chất thải của người bệnh.
– Cải thiện hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải-rác thải.
– Thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm.
– Giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn và sau khi đi ngoài.
– Tăng cường giáo dục cộng đồng về vệ sinh ăn uống và bảo vệ nguồn nước sạch.
– Tiêm phòng bằng vacxin.
Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai
Chưa có bình luận.