Thứ Bảy, 22/04/2017 | 10:01

Bay từ Phần Lan về TP HCM để tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, chị Phương ngỡ ngàng khi thấy băng rôn thông báo bệnh viện đã ngừng hoạt động.

Chị Trần Thị Phương 36 tuổi, Việt kiều tại Phần Lan cho biết 6 tháng trước chị về TP HCM điều trị u xơ tử cung bằng phương pháp MRI-HIFU ở Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang, tổng chi phí 62 triệu đồng. Số tiền trọn gói này bao gồm 50 triệu điều trị bằng MRI-HIFU và 12 triệu phí tái khám theo dõi 4 lần trong một năm. Toàn bộ chi phí đã được chị trả trước cho bệnh viện ngay từ ban đầu. Hiện chủ đầu tư quyết định đóng cửa bệnh viện nhưng không hề thông báo cho chị.

“Tôi không nhận được thông báo nào từ bệnh viện nên tự liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng để hỏi số tiền theo dõi vào tháng thứ 6 và 12 mà tôi đã trả trong gói chi phí chung có được hoàn hay không, họ bảo sẽ trả lời sau khi trình lên lãnh đạo bệnh viện”, chị Phương phản ánh.

Bệnh nhân Phúc An Khang lo không được hoàn tiền trả trước theo gói dịch vụ

Một bệnh nhân được điều trị u xơ tử cung bằng kỹ thuật MRI-HIFU. Ảnh: Trần Ngoan.

MRI-HIFU là công nghệ hiện đại nhất hiện nay điều trị u xơ và lạc tuyến trong cơ tử cung vốn là 2 bệnh lý rất phổ biến, chiếm 40% bệnh phụ khoa ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hai năm qua có gần 200 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này tại Bệnh viện Phúc An Khang.

Theo quy trình chuẩn thế giới, một bệnh nhân sau khi điều trị MRI-HIFU phải được bác sĩ theo dõi đáp ứng trong ít nhất 12 tháng. Cụ thể, cần tái khám theo định kỳ 1, 3, 6, 12 tháng và siêu âm, chụp MRI, xét nghiệm sinh hóa máu, nội tiết… nếu bệnh tái phát thì can thiệp kịp thời.

Hiện chỉ vài ngày nữa là bệnh viện ngưng hoạt động, song vẫn còn 62 bệnh nhân trong diện cần theo dõi và tái khám. Một số bác sĩ đã kiến nghị với giám đốc bệnh viện miễn thu tiền theo dõi sau điều trị MRI-HIFU đối với các ca mới, đồng thời yêu cầu bộ phận chăm sóc khách hàng chủ động liên hệ thông báo cho bệnh nhân để đảm bảo quyền lợi cho họ. Tuy nhiên đến nay nhiều bệnh nhân quay lại tái khám cho biết họ không hề nhận được thông tin từ bệnh viện.

Bệnh nhân Phúc An Khang lo không được hoàn tiền trả trước theo gói dịch vụ

Bệnh nhân cấp cứu vẫn được đưa đến Bệnh viện Phúc An Khang dù chủ dầu tư đã treo băng rôn thông báo ngưng nhận bệnh. Ảnh: Trần Ngoan.

Gần đây nhất là chị Đoàn Ngọc Truyền 37 tuổi ngụ tại TP HCM vào viện điều trị lạc nội mạc tử cung vào ngày 18/4. Người phụ nữ cho biết đã thanh toán đủ số tiền điều trị và phí theo dõi trong một năm. “Bệnh viện đóng cửa tôi rất hoang mang, làm sao để được bác sĩ theo dõi diễn tiến bệnh”, chị Truyền nói.

Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Trần Tấn Tài đại diện phát ngôn của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang cho biết cơ sở này ngưng hoạt động vào cuối tháng 4 nhưng bộ phận hành chính vẫn hoạt động đến hết tháng 5 nhằm giải quyết các vấn đề về quyền lợi cho bệnh nhân. Những trường hợp thuộc diện tái khám sau điều trị MRI-HIFU sẽ được hoàn trả chi phí hoặc giới thiệu qua bệnh viện khác với đầy đủ công năng và quyền lợi như đã cam kết tại Phúc An Khang. Bệnh viện sắp xếp nhân viên gọi điện thông báo đến từng người, còn bệnh nhân nào thắc mắc về quyền lợi có thể liên lạc qua đường dây nóng để được giải đáp.

Một số bác sĩ tại bệnh viện Phúc An Khang thông tin, từ tháng 11/2016 đến nay Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã khám và xét nghiệm sàng lọc được 66 trường hợp phù hợp để điều trị MRI-HIFU và lên lịch điều trị cho suốt năm 2017. Việc bệnh viện đột ngột ngừng hoạt động khiến cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều rơi vào tình trạng bị động và chưa biết chuyển số bệnh nhân này đến đâu để điều trị vì sự độc quyền của kỹ thuật mới này.

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook