Thứ Ba, 16/04/2019 | 22:27

Bệnh glôcôm: dấu hiệu, triệu chứng, biến chứng gây mù lòa

Glôcôm là một nguyên nhân quan trọng gây mù loà trên thế giới cũng như ở Việt nam. Bệnh nguy hiểm ở chỗ không có một loại thuốc hay phẫu thuật nào có thể làm phục hồi những tổn thương chức năng và thực thể do glôcôm gây ra. Theo các nghiên cứu mang tính dự báo trong khu vực và trên thế giới, số lượng bệnh nhân glôcôm sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới. Ước tính sẽ có khoảng 80 triệu người mắc bệnh glôcôm vào năm 2020 chiếm tỷ lệ 2,86% trên quần thể dân số trên 40 tuổi trên toàn thế giới, trong đó sẽ có khoảng 11,2 triệu người bị mù do bệnh.

Tại Việt nam, theo kết quả điều tra của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2007 trên 16 tỉnh thành ở người trên 50 tuổi, tỷ lệ mù loà chung chiếm 3,1%, trong đó khoảng 25.000 người mù do bệnh glôcôm, chiếm tỷ lệ 6,5%. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên có thể phòng tránh được mù loà do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên.

Glôcôm là một nhóm bệnh mắt nguy hiểm do nhiều nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh gây ra nhưng trong giai đoạn toàn phát có 3 dấu hiệu đặc trưng cho mọi hình thái là:

– Nhãn áp tăng cao trên 25mmHg

– Trường nhìn của mắt bị  thu hẹp

– Đầu thần kinh thị giác bị lõm và teo

Bệnh glôcôm nguyên phát có 2 hình thái khác nhau, triệu chứng lâm sàng cũng rất khác nhau.

Glôcôm góc đóng
–  Triệu chứng cơ năng: đột nhiên bệnh nhân thấy đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên. Kèm theo bệnh nhân nhìn thấy mờ nhiều, nhìn đèn có quầng xanh đỏ. Đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rử mắt. Một số trường hợp glôcôm có kèm theo một số triệu chứng toàn thân như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, vã mồ hôi…

– Khám thực thể: thị lực giảm sút trầm trọng có khi chỉ còn phân biệt được ánh sáng, nhãn áp tăng cao trên 30mmHg, có thể trên 40 mmHg, nếu sờ tay thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi, thị trường có thể tổn thương hay chưa tuỳ theo giai đoạn bệnh.

 Glôcôm góc mở
– Triệu chứng cơ năng: rất mơ hồ và không đặc hiệu. Bệnh nhân thỉnh thoảng có những cơn đau tức nhẹ ở mắt, nhức trên cung lông mày, nhìn mờ như qua màng sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ. Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp bệnh nhân không hề thấy nhức mắt, chỉ có dấu hiệu nhìn mờ dần. Bệnh thể hiện rất thầm lặng. Đôi khi bệnh nhân phát hiện được bệnh do tình cờ bịt một mắt thấy mắt kia không nhìn thấy gì.
-Khám thực thể: gần như bình thường, chỉ có lõm gai hoặc teo gai kiểu glôcôm
Các xét nghiệm chức năng: nhãn áp từ 25mmHg trở lên, thị trường thu hẹp, thị lực thường khá tốt, ngay cả khi chỉ còn thị trường hình ống.

Điều trị bệnh glôcôm

Điều trị nội khoa: là bước chuẩn bị quan trọng cho phẫu thuật với glôcôm góc đóng. Với  glôcôm góc mở điều trị bằng thuốc là chủ yếu, nếu không đáp ứng mới chuuyển sang điều trị laser hoặc phẫu thuật.
Điều trị bằng laser: chỉ định cho mắt glôcôm giai đoạn rất sớm hoặc những mắt glôcôm tiềm tang: mở mống mắt bằng laser Nd: YAG, tạo hình góc tiền phòng bằng laser Argon, diode
Điều trị ngoại khoa: cắt mống mắt ngoại vi: chỉ định cho mắt glôcôm giai đoạn rất sớm hoặc những mắt glôcôm tiềm tàng, cắt bè củng giác mạc: cho những giai đoạn bệnh nặng hơn.

Đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh glôcôm

+ Những người trên 35 tuổi;

+ Những người ruột thịt của người bệnh glôcôm;

+ Người có cấu trúc mắt nghi ngờ glôcôm: Bán kính độ cong giác mạc nhỏ, tiền phòng nông, lõm đĩa thị rộng, chênh lệch độ lõm đĩa giữa 2 mắt, bị lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh;

+ Người có nhãn áp hai mắt chênh lệch nhau quá 5mmHg;

+ Người có nhãn áp ở mức 23mmHg (đo nhãn áp kế Maclacốp) kèm theo các cảm giác chủ quan, triệu chứng khách quan đặc hiệu của glôcôm (rức nửa đầu hoặc cả 2 bên, mờ mắt, tức mắt, nhìn nguồn sáng thấy quầng tán sắc xanh đỏ…);

+ Người bệnh có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân);

+ Người có bệnh toàn thân như đái tháo đường, cao huyết áp…

Yhocvn.net (Theo Cẩm nang chăm sóc và bảo vệ mắt)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook