Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:51

Bệnh cúm thường sốt cao, biểu hiện đường hô hấp dưới ho, đau ngực, khó thở. Biểu hiện đường tiêu hoá đau bụng nhẹ, ỉa lỏng.

Lịch sử bệnh:

Vụ dịch Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS) đầu năm 2003 xảy ra ở miền Bắc. Sau đó ở miền Bắc xuất hiện nhiều trường hợp bệnh viêm phổi nặng giống bệnh cảnh SARS do lây từ gia cầm gà vịt, nhiều trường hợp tử vong. Nhờ sự hợp tác quốc tế rộng rãi, chúng ta đã xác định đây là những trường hợp viêm phổi do virus cúm A/H5N1.

Những vụ đại dịch do virus cúm trong lịch sử:

-1918-1956 do virus Spanish H1N1: Đại dịch 1918, 50 triệu người chết.

-1957-1967 do virus Asian H2N2: Đại dịch 1957, 4 triệu người chết.

– 1968 đến nay do virus Hongkong H3N2: Đại dịch 1968, 4 triệu người chết.

-1977 đến nay do virus Rusian H1N1.

Virus cúm A H5N1 lần đầu tiên được phát hiện tại Hồng Kông năm 1997, có 18 người mắc bệnh, trong đó 6 người tử vong.

Ở Việt Nam, từ 12/2003 đến 2005 xảy ra 3 làn sóng dịch cúm gia cầm A H5N1. 61 tỉnh thông báo có dịch trên đàn gia cầm. Đã tiêu huỷ hàng chục triệu gia cầm. Dịch trên người xảy ra ở 32 tỉnh, từ năm 2003 đến năm 2012 đã có 94 trường hợp mắc và 42 trường hợp tử vong. Trong năm 2012 có 4 ca mắc, trong đó 2 ca tử vong.

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh: Khu vực cư trú đang có dịch cúm trên gia cầm. Tiếp xúc trực tiếp (nuôi, chuyên chở, làm thịt…) gia cầm ốm hoặc chết. Ăn thịt gia cầm bị bệnh. Ăn tiết canh vịt, ngan mang mầm bệnh.

Ổ chứa virus cúm A H5N1: Gia cầm ốm nhiễm virus. Gia cầm lành mang virus. Chất thải gia cầm. Người bệnh.

Phương thức lây truyền: Chất tiết đường hô hấp của gà vịt. Qua đường tay-miệng. Ăn tiết canh.

Hiện nay chưa có chứng cớ bệnh lây truyền từ người sang người.

Đặc điểm virus cúm: Các virus gây bệnh cúm thuộc nhóm Orthomyxovirus, gồm 3 týp A, B và C, trong đó týp A hay gây bệnh cho người. Virus cúm A có kháng nguyên vỏ H15 loại kháng nguyên H: H1-H15 và kháng nguyên trung hoà N có 9 loại kháng nguyên N: N1-N9. Virus cúm hay thay đổi tính kháng nguyên. Virus cúm A H5N1 có những đột biến để tăng độc lực. Kháng các thuốc amantadine và rimatadine. Có khả năng nhân lên ở đường tiêu hoá. Có thể gây bệnh toàn thân.

Biểu hiện bệnh: Thời gian từ khi tiếp xúc đến khi có biểu hiện bệnh thông thường từ 2 đến 5 ngày, có thể kéo dài đến 14 ngày.

Thời kỳ chính người bệnh sốt cao, biểu hiện toàn thân giống cúm thông thường (đau họng, hắt hơi sổ mũi, đau mỏi người). Biểu hiện đường hô hấp dưới (ho, đau ngực, khó thở). Biểu hiện đường tiêu hoá (đau bụng nhẹ, ỉa lỏng). Biểu hiện thần kinh: viêm não, sảng.

Diễn biến bệnh: Biểu hiện đường hô hấp dưới xuất hiện sớm. Khó thở tiến triển. Viêm phổi virus tiên phát. Có thể tiến triển thành ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp người lớn). Có thể có suy đa tạng (gan, thận, tim..).

Các thể bệnh

– Thể điển hình: như trên.

– Thể không điển hình: Các thể biểu hiện ngoài phổi: ỉa chảy, viêm não.

– Thể nhiễm không triệu chứng: có virus nhưng không biểu hiện bên ngoài.

Xét nghiệm: Giảm bạch cầu, đặc biệt giảm bạch cầu lympho. Giảm tế bào TCD4. Giảm tiểu cầu mức độ nhẹ đến trung bình. Tăng men gan mức độ nhẹ, trung bình. Tăng đường máu. Tăng creatinin máu.

Chụp phổi: Tổn thương đa dạng như thâm nhiễm lan tỏa nhiều ổ, thâm nhiễm kẽ, đông đặc tiểu thuỳ, tràn dịch màng phổi. Xuất hiện trung bình vào ngày thứ 4. Hay gặp nhất là đông đặc nhiều ổ từ 2 vùng trở lên. Tổn thương trắng xoá 2 phổi trong bệnh nặng.

Xét nghiệm virus

Khẳng định nhiễm virus bằng phát hiện gen đặc hiệu cho H5. Ngoáy họng, lấy dịch tiết hô hấp, dịch màng phổi phát hiện virus bằng kĩ thuật Realtime PCR.

Phát hiện RNA dương tính sau 5,5 ngày từ khi phát bệnh.

Test nhanh kém nhạy.

Chẩn đoán: Dựa trên

Dịch tễ học: Tiếp xúc gia cầm ốm chết. Cư trú trong vùng dịch.

Lâm sàng: Sốt. Biểu hiện tổn thương hô hấp dưới.

Xét nghiệm: Bạch cầu máu không tăng. Xét nghiệm virus dương tính.

Chẩn đoán phân biệt với cúm thông thường, viêm phổi không điển hình do các vi khuẩn Chlamydia, Legionella, Mycoplasma. Viêm phổi vi khuẩn. Tổn thương phổi do nhiễm khuẩn huyết. Sốt mò. Lao phổi. Tổn thương phổi trên bệnh nhân HIV. ARDS do các căn nguyên khác nhau.

Xử trí: Cách ly. Thuốc kháng virus: Onseltamivir (Tamiflu). Kháng sinh. Hỗ trợ hô hấp. Theo dõi. Chăm sóc toàn diện.

Tamiflu với người lớn và trẻ trên 13 tuổi liều 75 mg x 2 viên/ngày trong 5-7 ngày, dùng càng sớm càng tốt.

Kháng sinh: Có tác dụng chống bội nhiễm vi khuẩn. Nhẹ: azithromycin. Trung bình: ceftazidim, ceftriaxone. Nặng: Kháng sinh như thể trung bình, thay ceftazidim bằng một trong các kháng sinh sau: tazocin, timentin, sulperazone, tienam.

Phòng bệnh: Vacxin. Kiểm soát nhiễm trùng trong bệnh viện. Giám sát các tiếp xúc gần và trong hộ gia đình. Kiểm soát dịch cúm gia cầm. Kiếm soát giết mổ gia cầm. Vệ sinh cá nhân có rửa tay xà phòng với nước hoặc cồn sát khuẩn. Đeo khẩu trang (người chăm sóc và đến thăm, bệnh nhân). Găng tay. Áo choàng, mũ, ủng, kính.

CNTTCBTG – BV Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook