2 giờ sau khi uống nước ngọt, bé Kiều Anh sốt, da phồng rộp và bong tróc thành từng mảng, được người nhà đưa vào viện cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Khoa Nhi tổng hợp 2, Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết bệnh nhi Hồ Thị Kiều Anh 11 tuổi ở Quảng Bình nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, khó thở, da phồng rộp toàn thân. Ê kip bác sĩ trực đã xử trí cấp cứu ban đầu, đảm bảo dấu hiệu sinh tồn ổn định cho bệnh nhân.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị hội chứng Lyell. Theo bác sĩ Sơn, bệnh do một tác nhân bên ngoài đưa vào cơ thể gây phản ứng dị ứng, trường hợp của bé Kiều Anh nghi là do nước ngọt. Theo người nhà, hôm xảy ra sự việc bé Kiều Anh uống một chai nước ngọt, hai tiếng đồng hồ sau thì lên cơn sốt, da phồng rộp và bong tróc.
Bệnh nhi đã được điều trị bằng cách các loại thuốc chống dị ứng tiêm qua tĩnh mạch và bôi ngoài da. Ở các vùng da bị viêm được điều trị bằng kháng sinh để chống nhiễm trùng. Do vùng miệng bị thương tổn nặng nên thời gian đầu bệnh nhi không thể tự ăn uống, phải truyền chất dinh dưỡng trực tiếp. Đến nay sức khỏe của bé đã ổn định và được xuất viện.
Bác sĩ Sơn khuyên người nhà nên chú ý hơn đến tác nhân gây dị ứng ở bệnh nhi, không cho bé uống nước ngọt nữa. Theo bác sĩ, đây là bệnh do cơ địa dị ứng, cùng một tác nhân có người bị người không. Có rất nhiều nguyên nhân gây tình trạng này. Riêng về nước ngọt, bác sĩ cho rằng có thể nguyên liệu sản xuất nước ngọt không phải là tác nhân nhưng các chất bảo quản, phụ gia, quy trình chưng cất, bảo quản có thể làm sản sinh một số chất độc gây dị ứng…
Theo y văn, hội chứng Lyell (còn gọi là hoại tử thượng bì do nhiễm độc) gây ra nhiều triệu chứng như ban đỏ hơi nề, xu hướng lan tỏa, ngứa, đôi khi có tổn thương hình bia bắn. Các bọng nước nông xuất hiện đầu tiên ở thân mình, lòng bàn tay, bàn chân sau đó nhanh chóng lan ra khắp người, liên kết với nhau làm lớp thượng bì trợt, để lại nền da màu đỏ, tím, rỉ dịch, trường hợp nặng có thể tiết dịch rất nhiều hoặc chảy máu. Nếu không được điều trị sớm, da sẽ bong trợt nhiều, nhăn nheo, xô lại, bị xé rách từng mảng lớn, có khi hoại tử giống như bị bỏng lửa. Bệnh tương đối hiếm gặp, tỷ lệ khoảng 0,4-1,3 ca trên một triệu dân được phát hiện mỗi năm.
Thi Trân
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.