Ngày 22/9, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Công bố kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”, do Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT tổ chức.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: “Thời gian gần đây nổi lên hiện trạng ô nhiễm không khí là luồng xả thải công nghiệp, nhà máy năng lượng, đặc biệt là năng lượng nhiệt điện, giao thông và từ hoạt động sản xuất của con người”.
Cũng theo Thứ trưởng Nhân, hiện Hà Nội và TP HCM là địa bàn cần phải quan tâm kiểm soát ô nhiễm không khí đang ở mức báo động vì có lượng giao thông lớn, công nghiệp nhiều. Năm 2016-2017 các địa phương phải kiểm kê nguồn phát thải không khí của nhà máy nhiệt điện, xi măng, hóa chất và phân bón. Bởi đây là nguồn xả thải nghiêm trọng trong công nghiệp.
Khẳng định ô nhiễm không khí đang là nỗi lo lớn, đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh thông tin: Môi trường không khí ở địa phương này cũng đang bị ô nhiễm bởi các hoạt động như giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, xây dựng và dân sinh, nông nghiệp và làng nghề, chôn lấp và xử lý chất thải. Môi trường không khí tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề chịu ảnh hưởng tổng hợp từ nhiều nguồn thải khác nhau.
Cũng tại Hội thảo, nghiên cứu mới đây của Ngân hàng thế giới được đưa ra, mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng lớn với việc giảm sức lao động, năng suất lao động của người lao động. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí ở Việt Nam chưa được quan tâm nhiều. Trong thời gian tới, Ngân hàng thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam kiểm soát ô nhiễm không khí tại một số tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Th. Anh
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.