Từ mục đích ban đầu là gây quỹ từ thiện, Stephen Fabes (Anh) đã trải nghiệm và tình nguyện khám chữa cho người nghèo khắp nơi trên thế giới.
Với 25 cái lốp, 12 sợi xích cùng 2 chiếc yên, Stephen Fabes thực hiện cuộc hành trình 86.000 km. Theo BCC, chàng bác sĩ đã đạp xe đến 75 quốc gia thuộc 6 châu lục. “Tôi mong muốn một chuyến phiêu lưu đồng thời rất thích được thử thách và trải nghiệm thế giới”, Fabes chia sẻ. “Chiếc xe đạp cho phép tôi đi tới những vùng xa xôi. Nó phá vỡ các rào cản và mang tôi đến gần với người dân địa phương”.
Fabes đứng bên ngoài Bệnh viện St Thomas trước giờ khởi hành. Ảnh: Nhân vật chia sẻ. |
Năm 2010, để gây quỹ cho Tổ chức Cứu trợ Khẩn cấp Quốc tế Merlin, Fabes từ biệt đồng nghiệp và xuất phát từ Bệnh viện St Thomas ở London (Anh). Anh suýt bỏ cuộc ngay trong ngày đầu tiên, một người bạn đã khuyên Fabes theo đúng kế hoạch. Tùy theo mùa, mỗi ngày người đàn ông đi khoảng 40-170 km với khoản chi tiêu 10 USD.
Gặp gỡ nhiều số phận nghèo khổ trên đường, Fabes nảy sinh ý định tham gia hoạt động tình nguyện ở mọi điểm đến. Anh nói: “Tôi cảm thấy mình có thể tìm hiểu thế giới bằng cách nhìn và học hỏi những con người sống bên lề xã hội”.
Fabes hỏi thăm một em bé khi tới Malawi, châu Phi. Ảnh: Nhân vật chia sẻ. |
Đặt chân đến châu Á, Fabes gia nhập các dự án y tế phi lợi nhuận, trong đó có một phòng khám trên thuyền ở Campuchia cùng một phòng khám lao giữa biên giới Thái Lan và Myanmar. “Các tổ chức phi chính phủ không làm việc nhiều tại Myanmar, người tị nạn phải vượt sông. Họ bị tẩy chay vì nhiễm HIV nên tới chữa trị ở phòng khám này”, vị bác sĩ cho biết.
Ở Kathmandu (Nepal), Fabes làm việc tại một phòng khám di động chuyên điều trị cho trẻ em nghiện thuốc phiện. “Chúng khoảng 7-18 tuổi, lấy thuốc phiện từ cửa hàng địa phương với giá cao. Hầu hết là trẻ mồ côi sống cùng nhau trên đường phố”, anh nhớ lại.
Fabes trên đường đến Nepal. Ảnh: Nhân vật chia sẻ. |
Cũng tại Kathmandu, trong bệnh viện phong, Fabes gặp một thiếu nữ được cứu sống nhờ máy radio do tổ chức phi chính phủ phân phát với mục đích giáo dục, tuyên truyền. “Cô ấy không có ngón tay, ngón chân và bị gia đình nhốt trong nhà”, vị bác sĩ kể. “Cô ấy có một chiếc radio, vô tình nghe được chương trình về bệnh phong rồi nhận ra đó có thể là căn bệnh mình mắc phải. Cô nhờ anh trai cõng suốt 4 tiếng để ra quốc lộ gần nhất, cuối cùng họ cũng đến được bệnh viện”. Ngoài ra, Fabes còn chứng kiến và giúp đỡ những trường hợp bị suy dinh dưỡng nặng, bệnh nhân tâm thần, người tàn tật, cựu tù nhân, các bộ tộc du mục và nạn nhân của khủng bố.
Trở về từ chuyến đi kéo dài 6 năm, Fabes quyên được 20.000 bảng Anh cho tổ chức Merlin. “Những kinh nghiệm này đã giúp tôi mở mắt. Trước đây tôi nghĩ thế giới quá to lớn và nghi ngờ chính bản thân mình”, người đàn ông bộc bạch. “Giờ đây, tôi đã có ấn tượng tốt đẹp hơn và củng cố niềm tin vào nhân loại”. Fabes dự định viết một cuốn sách để chia sẻ về những trải nghiệm quý báu của mình.
Minh Nguyên
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.