Thứ Sáu, 16/06/2017 | 07:00

Vừa định tự tử, chị Hoa (Hà Nội) giật mình nghe tiếng con khóc, vội vàng bỏ dao và chạy lại ôm chầm lấy con.

Cách đây hơn 10 năm, chị Hoa cùng gia đình hồi hộp đón đứa con đầu lòng. Thế nhưng sau khi sinh, bà mẹ trẻ lại rơi vào trạng thái buồn rầu, tuyệt vọng không rõ nguyên nhân. 

“Tôi chán ghét mọi thứ, mọi người xung quanh, kể cả đứa con”, chị nhớ lại. Được gia đình chồng chăm lo chu đáo, người phụ nữ vẫn không cảm nhận được sự quan tâm. Chị cho rằng nhà chồng giả tạo, đối xử tốt với mình chỉ vì đứa bé. Lâu dần, chị trở nên thờ ơ, chìm vào thế giới riêng và “nhìn gì cũng thấy ngứa mắt”. 

Thời gian ấy, đối với chị Hoa, tình mẫu tử là thứ “chỉ tồn tại trong sách vở”. Chị mất kết nối với đứa bé do chính mình đẻ ra, không hề nghĩ con đáng yêu mà coi đó là mối phiền phức. Chị chẳng muốn làm gì, liên tục ngủ mê man đến mức để con tè hết lên người. 

Suốt 4 tháng, chị Hoa tự giam bản thân trong không gian bó hẹp với sự trầm uất. Chị có thể tươi cười khi khách tới nhà nhưng rồi lại trở về trạng thái ủ dột, thậm chí khóc lóc vô cớ. “Con khóc, tôi khóc mà con im tôi cũng khóc”, người phụ nữ kể.

Một hôm, nỗi chán chường lên đến đỉnh điểm, chị Hoa tìm đến cái chết. “Tôi đã định đi vì cuộc sống chẳng còn gì níu kéo”, người phụ nữ nghẹn ngào. Thế nhưng, vừa đưa dao lên, chị giật mình nghe tiếng con khóc. Tiếng khóc của đứa trẻ khiến bà mẹ tỉnh lại “như thoát ra khỏi một cái gì đó”. Vội vàng bỏ dao xuống, chị chạy vào phòng ôm chầm lấy con. Cứ thế, hai mẹ con ôm nhau khóc. 

Từ ngày đó, tâm trạng người mẹ dần dần khá lên song chị vẫn không biết mình gặp phải vấn đề gì. Tìm đọc các tài liệu trên mạng về những trường hợp tương tự, chị nhận ra bản thân đã bị trầm cảm sau sinh và tự tìm cách khắc phục. Sinh bé thứ hai, chị tiếp tục trải qua thời gian khó khăn song chủ yếu do thể chất còn cảm xúc không quá nặng nề. Sinh lần thứ ba, nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, chị Hoa mới thở phào nhẹ nhõm.

Bà mẹ trầm cảm bừng tỉnh nhờ tiếng khóc của con

Ảnh: stuff.co.nz.

Nhìn lại chuỗi ngày khủng hoảng, người phụ nữ cho rằng nguyên nhân đầu tiên dẫn tới trầm cảm sau sinh là thiếu kinh nghiệm nuôi trẻ nhỏ. “Ngày ấy, các lớp trước sinh bị coi là rách việc. Tôi không biết bế con cũng chẳng rõ phải làm gì khi bị tắc sữa”, bà mẹ thành thật. Quá bỡ ngỡ, chị không xử lý được các tình huống và cảm thấy áp lực, nặng nề. “Đó là một vòng luẩn quẩn”, chị mô tả.

Tiếp đến, như không ít phụ nữ khác, chị H. quá cầu toàn, áp dụng đủ phương pháp chăm con. Nếu bé từ chối ăn, chị ngay lập tức căng thẳng, thậm chí đánh con. Đến lượt sinh bé út, chị mới thoáng hơn, sẵn sàng để con ăn sữa thay bột nên “mẹ vui, con vui”.

Là người hay suy nghĩ, chị Hoa thừa nhận khoảng thời gian trống quá nhiều góp phần tạo điều kiện cho những cảm xúc, ý tưởng tiêu cực xuất hiện. Hiểu rõ vấn đề, từ trước lần mang thai thứ ba, chị đã chuẩn bị sẵn công việc để giữ bản thân bận rộn. Dù vất vả, tinh thần chị lại thoải mái.

Đặc biệt, nếu như 2 lần đầu mang thai, chị Hoa không dám chia sẻ với chồng thì lần thứ ba, chị chủ động nói chuyện. Theo chị, sự quan tâm của chồng cực kỳ quan trọng đối với phụ nữ, nhất là những chị em bị trầm cảm sau sinh.

Lần đầu có con, chồng chị cũng lúng túng nên không biết hỗ trợ vợ cả về tinh thần lẫn trách nhiệm. Trong 2 tháng sau ngày sinh bé, anh ngủ phòng riêng, tối đi làm về mới sang chơi với con. “Mình thì phải chịu mùi nước tè bỉm sữa cả ngày, anh ấy thì ăn mặc đàng hoàng, còn lấy điện thoại nhắn tin, ngứa mắt lắm”, chị tâm sự.

Ngoài ra, do thiếu hiểu biết về trầm cảm sau sinh, chồng chị Hoa vô tình nghĩ vợ bị “dở hơi”, thậm chí tránh mặt khiến chị càng thêm buồn chán. Nghe vợ giãi bày tâm sự, anh mới hiểu ra và thay đổi, chịu khó san sẻ trách nhiệm hơn. 

Trầm cảm sau sinh là rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến cả phụ nữ mới làm mẹ, đã sinh nở vài lần hay nhận con nuôi. Chia sẻ với VnExpress,net, tiến sĩ Nguyễn Bá Đạt, giảng viên khoa Tâm lý Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết một nghiên cứu năm 2016 chỉ ra 17,3% phụ nữ Việt Nam có nguy cơ trầm cảm sau sinh. Điều đáng lo ngại là nhận thức của xã hội về trầm cảm sau sinh còn hạn chế nên khó nhận ra bệnh. Nếu không được can thiệp kịp thời, trầm cảm sau sinh giảm chức năng làm mẹ và khả năng chăm sóc con của phụ nữ, nếu nặng có thể đi kèm dấu hiệu loạn thần dẫn đến tự làm hại bản thân hoặc đứa con. Cách phòng ngừa tốt nhất là phổ biến kiến thức về trầm cảm sau sinh cho chị em và người thân.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook