Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 tháng qua, bệnh sốt xuất huyết gia tăng mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 44.859 trường hợp mắc tại 46 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2015, số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng 2,6 lần, đáng lưu ý đã có 14 trường hợp tử vong, trong khi cao điểm vào tháng 10/2015 chỉ ghi nhận 40.000 ca.
Ảnh minh họa.
Diễn biến phức tạp
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2016, tình hình sốt xuất huyết đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh. Tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố.
Trong những tuần gần đây đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tập trung tại một số tỉnh, đặc biệt tại 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum) và một số tỉnh khu vực miền Nam, miền Trung (An Giang, Đồng Tháp, TPHồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định…). Cục Y tế dự phòng cho biết chỉ tính riêng trong tháng 7 này, cả nước đã ghi nhận 5.561 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong do SXH. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 44.859 trường hợp mắc SXH tại 46 tỉnh, thành phố, trong đó có 14 trường hợp tử vong.
Đặc biệt, tỉnh Gia Lai hiện đã ghi nhận hơn 4.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, chiếm 14% số ca bệnh trong cả nước. Tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong đó, thành phố Pleiku có số người mắc bệnh cao nhất tỉnh, với hơn 1.150 ca. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk hiện đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết, công suất sử dụng giường bệnh đạt từ 200 – 300%.
Tại khu vực Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, bệnh nhân nằm la liệt từ hành lang tới chân cầu thang. Anh Võ Văn Anh (ngụ TPBuôn Ma Thuột) đưa con gái 10 tuổi đến bệnh viện điều trị sốt xuất huyết cho biết: “Vì quá đông bệnh nhân nên con gái tôi phải nằm chung giường cùng với 3 người khác, người nhà đi theo trông nom thì không đủ chỗ ngồi”.
Trước tình trạng sốt xuất huyết bùng phát mạnh, gây chết người, chiều 4/8, UBND tỉnh Gia Lai đã họp khẩn để tìm cách đối phó bệnh dịch. Bác sĩ Y Bliu – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho hay, tại cuộc họp khẩn, UBND tỉnh Gia Lai quyết định xuất ngân sách 1,3 tỉ đồng để phục vụ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Nguyên nhân số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu do đang vào mùa mưa. Thêm nữa, năm 2016, hiện tượng El Nino xảy ra tại Việt Nam làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường là điều kiện cho muỗi phát sinh phát triển.
El Nino gây hạn hán trên diện rộng khiến các gia đình tăng việc trữ nước bằng các dụng cụ tạo thuận lợi cho muỗi đẻ trứng. Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên không phải vùng lưu hành sốt xuất huyết phổ biến trong những năm qua nên miễn dịch đối với sốt xuất huyết của quần thể ở mức thấp và khi xuất hiện dịch thì sẽ lây lan và bùng phát nhanh.
Trong khi đó, phần lớn người dân trong khu vực này là người dân tộc ít người, dân trí còn thấp, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Qua kiểm tra thực tế tại khu vực này cho thấy, rất nhiều hộ dân còn sử dụng dụng cụ/bể chứa nước sinh hoạt không đậy nắp, nhiều lốp (vỏ) xe công nông cũ không còn sử dụng để ngoài vườn, chai lọ, chum vại và các vật dụng linh tinh chứa nước đọng không được xử lý nên muỗi vào đẻ trứng và nhiều lăng quăng/bọ gậy phát triển.
Ngoài ra, tình trạng đô thị hóa và di biến động dân số khu vực Tây Nguyên gia tăng; mạng lưới y tế còn mỏng, chưa nhiều kinh nghiệm trong phòng chống sốt xuất huyết; kinh phí chống dịch, đặc biệt phòng chống bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm 2016 của Trung ương chưa được cấp, kinh phí các địa phương rất hạn chế nên việc đáp ứng yêu cầu chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.
Chủ động dập dịch
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện lưu hành 4 tuýp virus sốt xuất huyết. Bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người đã mắc vẫn có thể mắc lại.
Trước tình hình sốt xuất huyết gia tăng, Bộ Y tế đã đề nghị Chủ tịch UBND 10 tỉnh, thành phố có số trường hợp mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao cần quan tâm, chỉ đạo các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương. Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo phòng chống dịch tại 18 tỉnh trọng điểm ngay trong tháng 7 và tháng 8-2016; trong đó, quan tâm đặc biệt đến xử lý các dụng cụ chứa nước không đúng quy định.
Mới đây, kiểm tra nhà dân tại quận Tân Phú, TPHCM, đoàn của Bộ Y tế phát hiện nhiều đồ phế thải được trữ trong nhà đang là “ổ” trú ẩn cho muỗi, chỗ đọng nước phát sinh lăng quăng. “Soi” vào một vỏ lon bia có nước đọng 1/3 lon thì Cục trưởng Trần Đắc Phu phát hiện có đến hàng trăm con lăng quăng đang sinh sôi. Những vật dụng như ủng, bình cắm cây phát tài,… có đọng nước trong một số nhà dân mà đoàn kiểm tra cũng là nơi sinh sôi của lăng quăng.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, các ổ lăng quăng, bọ gậy cũng bắt nguồn nhiều từ các công trường, nhà bỏ hoang, khu vực công trình thi công dang dở. Các ổ dịch, khu vực trọng điểm SXH cần phải đảm bảo được phun thuốc diệt muỗi 100%, chứ chỉ phun được 80% thì hiệu quả dập dịch, phòng bệnh cũng không cao vì muỗi sẽ bay từ nhà này sang nhà khác, không giải quyết được tận gốc rễ.
Cục Y tế Dự phòng yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất 100% các hộ gia đình tại các ổ dịch và xác định các điểm nóng để tập trung nguồn lực, giải quyết triệt để, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
Ngoài ra, người dân phải đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, tích cực diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
Đặc biệt, khi ngủ người dân nên mắc màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi có các dấu hiệu như sốt, xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị; không tự ý dùng thuốc điều trị tại nhà, nhất là thuốc kháng sinh.
Lê Vinh
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.