Thứ Tư, 05/02/2020 | 13:29

Ai dễ mắc coronavirus và ai dễ tử vong

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu người lành chỉ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Nguồn bệnh có thể là:

+ Người mang mầm bệnh nCoV

+ Động vật mang mầm bệnh

Bệnh lây theo đường hô hấp nên có thể lây truyền qua giọt nước bọt qua ho, hắt hơi hoặc lây truyền qua tay chân, vật dụng mà virus bám vào.

Vậy ai là đối tượng có nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm?

+ Những người đi từ vùng dịch trở về

+ Những người tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với những người đi từ vùng dịch về

+ Những người cùng chung sống, sinh hoạt với những người nhiễm bệnh,

+ Những người đi cùng máy bay, ôtô, tàu

+ Trong các đám tụ họp, trong bệnh viện mà có người bị nhiễm bệnh,

+ Những người làm công tác ở sân bay, cửa khẩu mà phải tiếp xúc với những người nhập cảnh nhiễm bệnh

+ Nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân…

Nói tóm lại, những người có nguy cơ cao là những người tiếp xúc với nguồn bệnh mà không thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách nghiêm ngặt.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu Những người đã mắc bệnh này nhưng có những bệnh nền là những bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh người cao tuổi… thì nguy cơ tử vong sẽ cao hơn. Do đo khi có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở… thì cần ngay lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn cách ly y tế, điều trị kịp thời, tránh lây lan cho cộng đồng.

Cách phòng ngừa đối với người nghi ngờ mắc virus corona

Những người về từ vùng dịch

Những người trở về từ vùng dịch phải tuân thủ khai báo y tế, nếu chưa có những dấu hiệu cơ bản của bệnh như sốt/ ho/khó thở… trong 14 ngày thì có thể cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với nhiều người và thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, tuân thủ rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác vì đây là bệnh có cơ chế lây qua đường hô hấp, qua không khí, qua giọt bắn khi hắt hơi.

Những người có triệu chứng cần

Cách ly tại nhà để theo dõi, không đến chỗ đông người. Chủ động phòng tránh cho cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng liên tục, khử trùng những vật người nghi bị nhiễm cầm vào, nâng cao sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, vệ sinh khử trùng nhà cửa. Lưu ý đường lây nhiễm là hô hấp.

Do thời gian ủ bệnh là 14 ngày nên người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng sớm hơn hoặc có thể lâu nhất là 14 ngày. Trong thời gian cách ly tại nhà, nếu có các dấu hiệu như sốt, ho, khó thở… thì cần ngay lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám và cách ly y tế, điều trị kịp thời, tránh lây lan cho cộng đồng, nguy hiểm cho người bệnh.

Tại các cơ sở y tế, khi bệnh nhân đã nghi ngờ mắc bệnh đang chờ kết quả xét nghiệm cũng cần tuân thủ quy trình về cách ly, điều trị và bảo hộ để tránh lây lan cho cộng đồng, đặc biệt lây nhiễm chéo sang nhân viên y tế.

Cơ sở y tế xét nghiệm virus corona tại TP.HCM gồm: Viện Pasteur (167 Pasteur, P.8, Q.3); Bệnh viện Chợ Rẫy (201B Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.5); Bệnh viện Nhiệt Đới (764 Võ Văn Kiệt, P.1, Q.5); Bệnh viện Nhi đồng 1 (341 Sư Vạn Hạnh, P.10, Q.10); Bệnh viện Nhi đồng 2 (14 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Q.1).

Tổng đài đường dây nóng của Bộ Y tế giải đáp những thông tin liên quan đến tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán cũng như cách thức phòng chống virus corona: 19009095 (được miễn hoàn toàn cước phí).

Việc điều trị cho những trường hợp bệnh nhân đã mắc bệnh sẽ tuân theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành và dựa trên từng thể trạng của bệnh nhân.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook